Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

QUYẾT SÁCH HỢP LÒNG DÂN


Huy Huyến

Không để người dân vùng lũ phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, nỗi niềm đau đáu, trăn trở của hàng triệu người dân đất Việt cũng như cả hệ thống chính trị đã được giải tỏa khi mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10-2020 trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên.

Một chính sách nhân văn, kịp thời, đáp ứng mong mỏi của hàng trăm nghìn hộ dân bị thiệt hại nhà ở do bão lũ, đã thêm một lần khẳng định sự vào cuộc bứt tốc của cả bộ máy, thắp sáng thêm niềm tin của người dân cả nước vào những quyết sách đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước ta.

Không để người dân phải thắc thỏm “bao giờ chính sách mới đi vào cuộc sống?”, nghị quyết của Chính phủ nêu rõ: Thời gian rà soát báo cáo về Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai thực hiện trước ngày 20-11-2020. Quá thời hạn trên, các địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện chính sách, ngân sách Trung ương không hỗ trợ. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ còn thể hiện ở việc phân cấp rõ trách nhiệm người đứng đầu: Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức rà soát, thống kê và phân loại mức độ thiệt hại về nhà ở của người dân trên địa bàn, báo cáo Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu báo cáo và việc triển khai thực hiện chính sách theo nghị quyết này. Và điều được đông đảo người dân đồng tình, cũng được xem như một trong những điểm nhấn của nghị quyết, là thông điệp đanh thép: Việc hỗ trợ phải bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách.

Thực tiễn thời gian qua đã khẳng định, nghị quyết nêu trên chỉ là một trong hàng loạt chính sách hỗ trợ mà Chính phủ liên tiếp ban hành để giúp người dân vực dậy sau bão lũ. Không để bà con phải đói khổ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp hàng chục nghìn tấn gạo và hơn 1.000 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng của Trung ương cùng nhiều trang thiết bị cứu hộ-cứu nạn, hàng dự trữ y tế, nhu yếu phẩm khác phục vụ kịp thời người dân bị ảnh hưởng. Thủ tướng đã yêu cầu ngành nông nghiệp hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; ngành ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ theo quy định; Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động trong toàn ngành ủng hộ sách vở giúp học sinh vùng bão lũ sớm trở lại trường...

Hàng loạt quyết sách thấu tình đạt lý thời gian qua đã góp thêm những minh chứng sinh động về sự nỗ lực, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, hoạt động và sự đồng hành, hết lòng, hết sức sẻ chia với người dân trong phòng, chống thiên tai của cả hệ thống chính trị. Từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chung tay, dồn sức của các cấp, các ngành đã lan tỏa tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy trong nhân dân một sức mạnh nội tại, khả năng chống chịu, đồng lòng, ứng biến vững vàng trước những tác động tiêu cực của thiên tai tàn khốc. Thành quả lớn nhất mà Đảng, Nhà nước đã đạt được chính là niềm tin của người dân, là sự khơi gợi tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tình đồng bào, đồng chí để rồi những con người dù không phải ruột rà, máu mủ nhưng không quản gian nguy lao mình vào “điểm nóng” cứu giúp nhân dân, đã thực sự ghi dấu ấn sâu đậm về lòng yêu nước, về tinh thần tận hiến cho Tổ quốc trong thời bình hôm nay.

Cũng từ những quyết sách hợp lòng dân như trên, bà con vùng lũ nói riêng, người dân Việt Nam nói chung càng thêm tin tưởng, một dân tộc giàu nhân nghĩa, bác ái, yêu thương, đoàn kết, luôn trọng dân, lấy dân làm gốc... thì chẳng khó khăn nào là không thể vượt qua, dẫu có trập trùng thử thách, chông gai trên con đường trở thành quốc gia hưng thịnh.

                                                                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét