Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

LỜI BÁC DẠY VỀ PHÊ BÌNH VÀ TỰ PHÊ BÌNH

 

LỜI BÁC DẠY VỀ PHÊ BÌNH VÀ TỰ PHÊ BÌNH

Trọng Luật

Lời Bác Hồ dạy

“…Bất cứ một người lao động nào, dù thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không có sai lầm mà thôi. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không…”.


Trích trong bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác bình dân học vụ toàn miền Bắc năm 1956. Sau những sai lầm về cải cách ruộng đất, uy tín của Đảng ta phần nào bị giảm sút, Bác Hồ đã thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội. Nước mắt Người đã rơi trước những khuyết điểm do chủ quan, thiếu lắng nghe nhân dân, thiếu sâu sát thực tiễn cơ sở. Trước quốc dân đồng bào, Người đã không ngần ngại công khai khuyết điểm của Đảng, của Bác với tư cách người lãnh đạo cao nhất.

Quan điểm của Bác là cần công khai khuyết điểm, công khai để nhận lỗi, thêm quyết tâm sửa lỗi. Lịch sử đã chứng minh: Đảng ta ngày một lớn mạnh sau những lần công khai thừa nhận khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm, để đề ra được những quyết sách lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên, giành được những thắng lợi mới.

Đối với mỗi người, nhất là đối với người cán bộ, đảng viên nếu có trách nhiệm với tổ chức, gia đình, bản thân thì trách nhiệm đó phải được biểu hiện bằng chính việc làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình những trọng trách cụ thể, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không thể né tránh, thoái thác. Ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân là sự tự ý thức về các công việc phải làm, “nhận rõ phải, trái, đúng sai”, tự mình xác định việc cần làm. Trên cơ sở có ý thức đúng đắn, tự giác, tích cực thực hiện trách nhiệm của mình là “có tinh thần trách nhiệm cao”. Phải dũng cảm, kiên quyết bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái tích cực; dũng cảm đấu tranh với những cái sai, khuyết điểm, cái tiêu cực; nghiêm khắc tự phê bình, phê bình, thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của cá nhân và tổ chức mình, cầu thị, tích cực sửa chữa hạn chế, khuyết điểm. Xây dựng, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, có niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, phấn đấu vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm, ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, quân sự, văn hoá, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, chuyên môn, triệt để chấp hành điều lệnh, điều lệ, không ngừng rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và tác phong chính quy, thực hiện làm việc theo chức trách, hành động theo điều lệnh. Trong tổ chức thực hiện, phải luôn đề cao và phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, lấy hiệu quả công việc là căn cứ quan trọng, là thức đo đánh giá trình độ, năng lực, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân. Coi trọng việc sơ kết, tổng kết, đề cao tự phê bình và phê bình để đúc rút được những kinh nghiệm quý, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét