Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

Chống “bệnh” thiếu trách nhiệm

                                                                                                                        HKLH

Chống “bệnh” thiếu trách nhiệm - Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định mỗi đảng viên có 3 nhiệm vụ lớn. Trong đó có một nội dung cực kỳ quan trọng: “Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”.

Tuy nhiên trên thực tế, đã xuất hiện không ít đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo đã không hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao với nhiều mức độ và biểu hiện khác nhau, thậm chí có biểu hiện không lành mạnh. “Không hoàn thành nhiệm vụ được giao” có nghĩa là đã không hoàn thành nhiệm vụ của một đảng viên; gây ảnh hưởng tới công việc chung. Nếu việc này lại gắn liền với sự thiếu trách nhiệm, né tránh nhiệm vụ, chức trách… thì sẽ làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cũng như uy tín của tổ chức Đảng.

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 90 năm qua là những trang sử vàng chói lọi được viết bởi lòng hy sinh vô bờ bến của lớp lớp đảng viên; những người “suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân”. Sự hy sinh vô bờ bến ấy đã đưa Đảng ta trở thành người lãnh đạo tuyệt đối uy tín trước nhân dân, cùng nhân dân làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.

Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn cách mạng, bên cạnh lớp lớp cán bộ, đảng viên mẫu mực ấy, vẫn còn có nhiều đảng viên chưa thật sự trọn vẹn. Đó là những người mang thẻ đảng viên nhưng không hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên; thậm chí sa ngã, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Chuyện không quá hiếm ở các cơ quan, địa phương, đơn vị: Là cán bộ, nhưng khi được phân công công việc, lại tìm cách đùn đẩy sang cho người khác, mà quên mất rằng - nhiệm vụ của người đảng viên là phải “phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”. Là lãnh đạo, khi được giao chủ trì công việc liên quan tới nhiều đơn vị, nhưng do thiếu khuyết về trình độ chuyên môn và phương pháp công tác, nên thay vì tu dưỡng học hỏi vươn lên lại tìm mọi cách đổ lỗi cho cấp dưới, mà quên mất chức trách của mình là phải chủ trì họp bàn, chỉ đạo và quyết định những công việc theo thẩm quyền được giao. Thậm chí, để che giấu trách nhiệm của mình, còn thường xuyên báo cáo sai sự thật, hành động khuất tất.

Chuyện thường gặp ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương khi sơ kết, tổng kết công việc chung: Khuyết điểm, hạn chế của tập thể được chỉ ra rất nhiều, rất cụ thể; nhưng đến phần kiểm điểm cá nhân thì lại không thấy bóng dáng những hạn chế của tập thể ở cá nhân phụ trách công việc ra sao.

Chuyện không phổ biến, song cũng không phải không tồn tại nhiều nơi: Tập thể Đảng ủy đã bàn, thống nhất cao với phương án nhân sự phục vụ tổ chức đại hội đảng bộ nhiệm kỳ. Thậm chí, còn họp mở rộng tới bí thư các chi bộ, trưởng các đơn vị để thảo luận, thống nhất. Thế nhưng, vào đại hội, 1-2 trường hợp bị gạch tên khỏi danh sách bầu cử tập trung đến mức không thể không đặt câu hỏi về mục đích sử dụng quyền đảng viên. Cho dù có là nguyên nhân chưa phục nhau về tài, đức; do những cuộc họp bàn, những tin nhắn với dụng ý vận động không lành mạnh tác động…; song việc làm này rõ ràng là sự thiếu trách nhiệm nghiêm trọng của người đảng viên trước tổ chức Đảng.

Chuyện không thể không nhức nhối và đau lòng: Trong số gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật, một số cán bộ đã bị xử lý hình sự trong hơn 4 năm rưỡi qua, có hàng chục người bị xử lý về việc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Từ thiếu trách nhiệm đến suy thoái, biến chất là khoảng cách ngắn ngủi!

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã phân tích rất rõ điều này.

Dưới góc độ suy thoái về tư tưởng chính trị, biểu hiện là: “Sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao…”.

Suy thoái về đạo đức, lối sống là các biểu hiện: “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình”.

Để chữa “bệnh” thiếu trách nhiệm của đảng viên, trước hết cần tăng cường công tác xây dựng Đảng, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng. Cần thực hiện tốt hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với mục tiêu nâng cao đạo đức cách mạng cho mỗi cá nhân, tập thể. Đồng thời cần chú trọng xây dựng các quy định, quy chế nội bộ nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ, chức trách, quy trình công tác của mỗi cá nhân trong cơ quan, đơn vị; lấy đó làm căn cứ đánh giá cán bộ, đảng viên. Sự khoa học trong quản lý, cùng với sự giám sát của các đoàn thể, sự phát huy dân chủ trong các sinh hoạt tập thể… cũng chính là “rào chắn” để ngăn chặn hành vi né trách nhiệm, nói dối, không trung thực trong thực hiện nhiệm vụ. Một điều cũng không thể thiếu là kiên quyết thay thế những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ được giao, giảm sút uy tín trước tập thể, đạo đức suy thoái.

Trách nhiệm của đảng viên gắn liền với danh dự người đảng viên, uy tín trước quần chúng nhân dân!

Đây cũng là điều cốt lõi để có tổ chức Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét