Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

Cán bộ thương dân, vì dân

                                                                      HNG                              Trong hoạn nạn mới biết lòng người. Khi xảy ra dịch bệnh rồi bão lũ thiên tai hoành hành mới biết được đội ngũ cán bộ trọng dân, gần dân, thương dân như thế nào. Nó không giống với những luận điệu xuyên tạc trên mạng mà các thế lực thù địch thường rêu rao về đội ngũ cán bộ, công chức của đất nước ta hiện nay như “tất cả đều thoái hóa, biến chất” hay “quan tham hoành hành”. Dưới đây là một số minh chứng điển hình.

1.     Cán bộ dầm mình trong mưa lũ

Tại xã An Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nằm cuối rìa mô đất thấp nhất huyện Lệ Thủy. Lũ lịch sử trào dâng, các tuyến cứu hộ bên ngoài không thể vượt sóng lớn từ phá Hạc Hải đi vào, vì mưa không ngớt trong nhiều ngày liền, khiến việc tiếp cận cứu hộ vô cùng khó khăn.

Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy, kể: “Ngày lũ lịch sử lên đỉnh, mưa liên miên, tui cùng anh em công an xã dầm mình trong lũ, tiếng kêu cứu cháy máy điện thoại. Khi lũ lên, xóm tôi có nhà 2 tầng cao nhất, 33 người dân trong xóm đã chạy đến ở tránh lũ, tưởng nó chỉ vào tráng nền nhà rồi ra, ai ngờ lũ vùi hết tầng 1, mọi người leo lên tầng 2, còn tui bỏ vợ lại, xuyên lũ cứu dân. Đang cứu ở xóm dưới thì xóm trên gọi. Xã có đến 2.000 hộ dân, đông nhất huyện nên người ta kêu cứu rất nhiều. Quần quật cả ngày mưa rét, tôi cùng anh em ở xã nhịn ăn, đêm xuống cũng đi cứu dân lên nhà cao tầng hoặc đưa vào UBND xã. Dầm nước bạc kiệt sức”.

2.     Cán bộ nhường cái ăn cho dân

Trận đại hồng thủy kéo dài đến gần 10 ngày, cái ăn trong lũ hết sức cấp bách. Khi các đoàn cứu trợ chưa kịp về Quảng Bình, vùng lũ chia nhau từng miếng ăn, thương đến cháy lòng. Ông Quyết kể: “Tại trụ sở xã, người tàn tật, trẻ em, phụ nữ, người già nhiều, xã đã cắt cử người lo nấu mì tôm. Còn ở nhà tui có 33 người, vợ kêu hết gạo, phải nhờ bạn bè ở vùng không ngập lụt viện trợ hoặc mua giùm gạo, vận chuyển bằng ca nô để bà con không bị đói”.

3.     Lũ rút cán bộ vẫn chưa về nhà

Cứu được dân trong lũ đã khổ, lãnh đạo cơ sở còn phải lo tình làng nghĩa xóm không rạn vỡ sau lũ khi các đoàn cứu trợ tìm về. Nhiều người trong số đó không được nghỉ ngày nào dẫn đến kiệt sức. Có trường hợp nhập viện vì gãy tay chân, có trường hợp qua đời vì quần quật trong lũ, sau lũ không có thời gian phục sức. Ông Hoàng Ái Nhân (61 tuổi, thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh) đã qua đời vì kiệt sức khi giúp dân dọn dẹp lũ lụt, lên danh sách cứu trợ các hộ dân, tiếp đón chu tất từng đoàn cứu tế.

Cán bộ cơ sở bình thường lo trực tiếp cho dân, lũ lụt thiên tai lại càng bám dân nên hiểu thôn nào xóm nào khó khăn, ai cần cái gì. Sau lũ họ lại lao vào lên danh sách cứu trợ, quần quật ngày đêm nhưng thù lao mỗi tháng cũng chỉ 1 triệu đồng, không đủ tiền xăng xe máy. Đến vùng lũ miền Trung trong những ngày này, sẽ chứng kiến hàng ngàn cán bộ cấp xã thôn đang ngày đêm bám dân, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Về với họ, sẻ chia với họ chỉ cần một nụ cười, một cái bắt tay thật ấm là niềm động viên tích cực giữa bão lũ dồn dập năm nay. Cùng là nạn nhân của thiên tai, nhưng phần nhận nhường về dân trước tiên, họ luôn nhận sau cùng!

Thế mới biết, chỉ một số con sâu mà bỏ rầu nồi canh. Chỉ có số ít cán bộ không còn giữ được đạo đức cách mạng, bị suy thoái về đạo đức, lối sống và đã bị nghiêm trị theo pháp luật. Chúng ta vẫn có rất nhiều và rất nhiều cán bộ tốt như Bác Hồ từng căn dặn.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét