Trong mấy chục năm qua, công cuộc đổi mới đã giành
được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thay đổi một cách căn bản,
toàn diện bộ mặt của đời sống, xã hội đất nước ta.
Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và
tình trạng kém phát triển; từ đó đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại
hóa để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng
hiện đại.
Cũng như đổi mới nói chung, đổi mới kinh tế luôn đứng
trước thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn, có lúc khó khăn, thách thức
còn lớn hơn cả thuận lợi, thời cơ.
Nhưng rồi bằng sự phấn đấu quyết liệt của Đảng, Nhà
nước và nhân dân, kinh tế vĩ mô được ổn định, nhịp độ tăng trưởng đạt mức cao,
đời sống được nâng lên; dịch bệnh COVID-19 đặt thế giới vào khủng hoảng nghiêm
trọng, đất nước ta đã phát huy được tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng;
tính ưu việt của chế độ, vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và sự làm chủ
của nhân dân tạo ra sức mạnh để vượt qua đại dịch.
Vẫn biết khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng không
thể vì thế mà nói kinh tế đất nước đang chìm trong “khủng hoảng trầm trọng”,
“đất nước lâm nguy”, “tình thế hiểm nghèo”… như các đối tượng rêu rao.
Cũng trong mấy chục năm qua, ở Việt Nam, đổi mới chính
trị luôn gắn liền với đổi mới kinh tế, hơn thế nữa còn giữ vai trò dẫn dắt, chỉ
đường cho đổi mới kinh tế.
Đổi mới chính trị, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã có
nhiều cố gắng đạt được kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng nền dân chủ XHCN,
khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và
vì dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến
đấu…
Đổi mới chính trị là đổi mới, tập trung vào những nội
dung cụ thể như vậy chứ không thể đổi mới chính trị là thay đổi thể chế chính
trị, mục tiêu, con đường đi lên CNXH, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của
Nhà nước.
Mục tiêu, con đường cách mạng vô sản, thể chế chính
trị là sự lựa chọn của lịch sử, dân tộc và nhân dân. Vai trò lãnh đạo của Đảng
là bài học xuyên suốt chiều dài lịch sử, là nhân tố tổ chức và quyết định mọi
thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó
là bài học lịch sử được đúc kết từ thực tiễn cách mạng dân tộc.
Đa nguyên chính trị, đa đảng không phải là giá trị phổ
quát của nhân loại, đồng thời không phải là thực tế hiện hữu trong tất cả mọi
thời kỳ của một quốc gia dân tộc. Nó có thể đúng và phù hợp với quốc gia – dân
tộc này, nhưng cũng có thể không đúng và không phù hợp với quốc gia – dân tộc
khác.
Sự lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt
Nam không tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được. Đây là kết quả của
một quá trình đấu tranh lâu dài của toàn Đảng. Đảng đã tập hợp và xây dựng khối
đại đoàn kết dân tộc đứng lên giành chính quyền, lập nên chế độ chính trị mới,
vừa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà mục tiêu là chủ nghĩa cộng sản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét