Rất nhiều người Việt có một ý tưởng, đó là mong muốn
người Mỹ về phe Việt Nam, tiến đánh Trung Quốc. Viện dẫn cho ý tưởng này, người
ta có nhiều khá nhiều căn cứ.
Một là việc họ nghĩ rằng Mỹ coi Trung Quốc là kẻ
thù, Việt Nam cũng coi Trung Quốc là kẻ thù, vì thế, hai quốc gia có cùng chung
một kẻ thù sẽ dễ dàng hợp tác với nhau theo đúng lý thuyết kiểu kiếm hiệp
"kẻ thù của kẻ thù là bạn".
Hai, nhiều người nghĩ rằng Mỹ là một quốc gia tốt
lành và hiền hơn Trung Quốc, Mỹ tốt với Việt Nam. Có thể là do truyền thông, có
thể là do Mỹ hay đi giảng giải đạo đức và nói chuyện nhân quyền, có thể là do Mỹ
hay lên án Trung Quốc, kéo theo việc nhiều người Việt tin tưởng rằng, Mỹ sẽ làm
gì đó, vì Việt Nam.
Và cũng vì sự tin tưởng với Mỹ như vậy. Năm 1974,
Trung Quốc tiến quân xâm chiếm Hoàng Sa, mặc dù có lực lượng quân sự hùng mạnh
"hạng tư thế giới" nhưng phía Việt Nam Cộng Hòa lại để bị mất đảo dễ
dàng, không dám đưa quân ra tái chiếm, vì Mỹ cấm không được làm vây. Đơn giản bởi
Mỹ đã "đi đêm" với Trung Quốc. Vậy mà suốt ngày bảo cộng sản làm mất
đảo?
Hay như Đài Loan, bị Mỹ "bán đứng" tại
Liên Hợp Quốc bằng việc "dâng" chiếc ghế Ủy viên thường trực Hội đồng
Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng minh một thời của Mỹ cũng bị "đẩy" ra khỏi
tư cách thành viên bình thường. Mỹ cũng ngăn Đài Loan tham gia vào hầu hết các
tổ chức phi chính trị của Liên Hợp Quốc.
Gần hơn, Trung Quốc cũng nghiễm nhiên sở hữu bãi cạn
Scarborough từ phía Philippines mà không hề tốn một viên đạn vào năm 2012. Hồi ấy,
Philippines nghe lời tư vấn của Mỹ, hai bên cùng rút khỏi bãi cạn, nhưng phía
Philippines rút chạy còn phía Trung Quốc thì "việc mày rút là việc của
mày, còn việc tao ở lại là việc của tao". Tháng 6/2012, tổng thống
Philippines Benigno Aquino III thăm Mỹ và mong Mỹ thực hiện Hiệp ước Phòng thủ
Chung (MDT), mục đích là muốn quân đội Mỹ vào cuộc, nhưng Mỹ phớt lờ.
“Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ
dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”
Ngày 13/07 vừa qua, lần đầu tiên, phía Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ đã có tuyên bố chính thức nhằm "bác bỏ hầu hết các yêu sách
lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông". Vậy thực hư của bản tuyên bố này là
như thế nào?
Cánh báo chí nước nhà thì vui mừng, tung hô tuyên bố
này, nhưng có một thực tế rõ đã bị lờ đi, Mỹ đã thừa nhận chủ quyền của Trung
Quốc tại Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Mục tiêu của Mỹ là phản đối các yêu
sách tại các khu vực Đặc quyền kinh tế (EEZ ) tính từ Trường Sa và bãi cạn Scarborough
mà Trung Quốc đang quản lý, chứ không phản đối việc Trung Quốc chiếm đóng một số
đảo ở Trường Sa và bãi cạn.
Tờ Americanmilitarynews tóm gọn: Hoa Kỳ công nhận
yêu sách của Trung Quốc đối với đảo Trường Sa, Hoa Kỳ chỉ phản đối các yêu sách
tại các khu vực vượt quá giới hạn 12 hải lý tính từ Trường Sa.
Cần phải nhớ rằng, tuyên bố từ trước đến nay từ
phía Mỹ, chưa từng một lần Mỹ thừa nhận các vùng chủ quyền tại Biển Đông của
phía Việt Nam.
Cũng trong tuyên bố hôm 13/07, phía Mỹ có nhắc đến
Bãi Tư Chính như sau: "Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách biển của Trung Quốc tại
vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính". Báo Thanh Niên cho rằng, với dòng viết
này, Mỹ đã chọn đứng về phía Việt Nam.
Nhưng hỡi ơi, hãy thử nghĩ xem, Bãi Tư Chính thuộc
chủ quyền không thể tranh cãi của phía Việt Nam cũng như chưa từng gặp các vấn
đề tranh chấp trước đây. Phía Mỹ tuyên bố như trên tức là thừa nhận Bãi Tư
Chính có tranh chấp - điều mà chúng ta không hề muốn, Mỹ tuy bác yêu sách của
Trung Quốc nhưng không nói rằng chủ quyền Bãi Tư Chính thuộc sở hữu của Việt
Nam. Trên hết, Việt Nam phải là quốc gia quyết định các vấn đề liên quan đến
Bãi Tư Chính chứ không phải Hoa Kỳ, càng không phải Trung Quốc.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cho rằng việc đánh bắt cá, phát
triển kinh tế và khai thác dầu tại các vùng biển tại Biển Đông, trong đó có Bãi
Tư Chính của Việt Nam là bất hợp pháp. Đây không khác gì là một hành động
"tước" Bãi Tư Chính ra khỏi chủ quyền Việt Nam và không xa lạ gì chuyện
Mỹ gây chiến vì dầu mỏ.
Mỹ ra một tuyên bố và tự cho mình có cái quyền quyết
định vấn đề chủ quyền của một quốc gia khác?
Một điều thâm độc khác của Mỹ, chính vì việc muốn
"quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông thông qua việc Mỹ coi các quyết định của
Toà án quốc tế là quyết định cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả
hai bên tranh chấp.
Cần phải hiểu rõ rằng, vấn đề chủ quyền lãnh thổ phải
do bản thân quốc gia đó quyết định, đó cũng là tiêu chí mà Việt Nam theo đuổi.
Từ trước đến nay, quan điểm của Việt Nam là không "quốc tế hóa Biển
Đông", không mong muốn Biển Đông thành một khu vực "có tranh chấp",
mục đích tối thượng là duy trì được sự độc lập, quyền tự quyết với lãnh thổ của
Việt Nam. Nếu coi quyết định của Tòa án quốc tế là quyết định cuối cùng, vậy
thì coi như chúng ta chẳng còn "quyền tự quyết" với lãnh thổ của
chúng ta nữa.
Lấy ví dụ đơn giản, nếu coi phán quyết Tòa án quốc
tế là "tối thượng", thì một ngày đen đủi, Tòa án quốc tế phán xét rằng
Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc hoặc một quốc gia nào đó chẳng hạn,
chúng ta mất trắng luôn cả lãnh thổ và chẳng có quyền lên tiếng được nữa.
Một dân tộc không có quyền tự quyết với mảnh đất của
họ, dân tộc đó không xứng đáng để tồn tại.
Theo các động thái mới nhất, Mỹ tiếp tục điều tàu
chiến đến Biển Đông, động thái này, nghe qua có vẻ như Mỹ muốn "khắc chế
Trung Quốc". Tuy nhiên, một ví dụ vui thế này, nhà bạn có một miếng đất
chưa xây nhà, hàng ngày, bọn ở làng bên đến tụ tập, ăn nhậu, cầm theo mã tấu,
nói bọn nó đi về đi, bọn nó bảo rằng chỉ ở nhờ một tý thôi, không làm gì cả,
tao giúp mày trông coi miếng đất thôi, bạn có chấp nhận không?
Không một quốc gia nào thích thú việc vùng biển thuộc
chủ quyền của mình lại tràn ngập tàu chiến của các quốc gia khác cả. Mỹ đưa tàu
chiến đến, Trung Quốc có thể lợi dụng động thái này, xua hải quân xuống Biển
Đông, tăng cường bồi lấp các đảo chiếm đóng trái phép lấy lý do "bảo vệ an
ninh". Rồi các quốc gia khác, như Nhật, Úc, khối EU cũng muốn nhảy vào
"đòi chia phần", vì Mỹ cũng nhảy vào và tuyên bố có "lợi ích tại
Biển Đông" thì các quốc gia khác cũng dựa vào tiền lệ đó để điều quân đến.
Thay vì đấu tay đôi với Trung Quốc, giờ đây, chúng
ta có thể phải "so găng" với các quốc gia khác ở xa tít tắp. Mỗi hành
động dù nhỏ bé của Việt Nam cũng có thể sẽ bị đem ra mổ xẻ vì bây giờ,
"tai mắt" tại Biển Đông nhiều lắm.
Cuối tuyên bố, Mỹ tuyên bố sẽ đứng cùng các đồng
minh và đối tác tại Đông Nam Á, còn đồng minh nào, đối tác là gì thì Mỹ không
nói. Lào, Campuchia, hay là Brunei? Cũng có thể lắm chứ, có chữ "Đông Nam
Á" nhưng chắc gì đã có Việt Nam trong đó, mà kể cả có Việt Nam trong đó đi
nữa, thì bài học Mỹ bán đồng minh với giá bao nhiêu thì đã có tiền lệ trong quá
khứ rồi.
Mỹ chẳng tốt như chúng ta vẫn nghĩ đâu và cả Trung
Quốc cũng vậy. Việc nhờ Mỹ đánh Trung Quốc, về bản chất không khác gì việc Phan
Bội Châu nhờ Nhật đánh Pháp rồi mong Nhật "trao trả độc lập" cả.
"Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết". Trâu
bò ở đây là quốc gia nào? Là Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Úc..., còn ruồi muỗi thì
sao? Là Việt Nam, Philippines và các quốc gia nhỏ bé khác có quyền và lợi ích tại
Biển Đông chứ gì nữa. Nhưng khác với Philippines - tuyên bố ủng hộ Mỹ và tuyên
bố của Mỹ, thì Việt Nam vẫn chưa ra bất cứ tuyên bố nào, vì lý do gì thì chỉ có
những cái đầu thượng thừa ở trên mới biết.
"Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn
hay kẻ thù vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn" - Winston
Churchill.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét