BÁC HỒ VÀ NHỮNG LỜI DẶN VỀ PHÒNG CHỐNG
THIÊN TAI
Phòng chống thiên tai
cần sự góp sức của toàn dân, sự quan tâm của toàn xã hội, vì vậy, một trong
những nhân tố quan trọng, đó là tinh thần đoàn kết, hiệp đồng giữa các lực
lượng. Và trong cuộc chiến đầy cam go giữa một bên là sức người, một bên là sự
khắc nghiệt, tàn phá của thiên nhiên, không chỉ phát huy vai trò gương mẫu của
cán bộ đảng viên ", không chỉ huy động lực lượng tại chỗ, mà còn phải phát
huy sức mạnh tinh thần đoàn kết giữa nhân dân các tỉnh lân cận.
Với vị trí địa lý đặc thù và địa hình phân bố phức tạp, hàng năm, nước ta phải đối mặt với rất nhiều loại hình thiên tai, đặc biệt là bão, lũ lụt, lũ quét và hạn hán. Thiên tai không những gây tổn thất về kinh tế, cơ sở vật chất, giảm tăng trưởng GDP, mà còn trực tiếp cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, đẩy một bộ phận dân chúng, trong đó có những người nghèo nhất quay trở lại ranh giới nghèo đói. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiên tai, bao gồm lũ lụt và hạn hán, v.v.. cũng là kẻ thù của người dân, vì: “Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt như chống giặc ngoại xâm”[1].
Phòng chống thiên tai
- chống nguy cơ nghèo đói
Quan tâm đến việc
phòng chống thiên tai, ngay từ khi còn đang bôn ba trong hành trình tìm đường
cứu nước, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cũng đã từng chỉ rõ: Không chỉ áp bức
bóc lột người dân thuộc địa, những kẻ “khai hóa văn minh” còn không quan tâm
phòng chống thiên tai, khiến cho thiên tai cùng với ách thống trị của chúng đã
là những nguyên nhân quan trọng, gây ra nạn đói và cảnh khốn cùng cho người dân
thuộc địa, đẩy cuộc sống của “những kẻ nô lệ” vốn đã tăm tối lại rơi vào cảnh
khốn cùng hơn: “Vào tháng 10, nhiều tỉnh đã bị lụt và bão tàn phá. Những sự
thiệt hại không được rõ; Chính phủ không muốn cho biết điều này. Theo những
thông tin cá nhân thì có những nơi có tới nửa số dân bị chết đuối hay chết đói.
Trừ Nam Kỳ, sự khốn cùng ngự trị ở khắp nơi”[2]. Vô nhân đạo và độc ác, chính
quyền thực dân không chỉ không quan tâm, mà còn cấm đoán báo chí đưa tin về
thiên tai, lụt lội; bắt người dân vùng bị thiên tai phải đóng các loại thuế như
thường lệ, đồng thời ngăn cản mọi hình thức tổ chức quyên góp, giúp đỡ người
dân ở những vùng bị thiên tai.
Lãnh đạo cuộc cách
mạng tháng Tám năm 1945 thành công và sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ “đưa những người nô lệ” trở thành chủ nhân
một nước Việt Nam độc lập, Người còn nhấn mạnh tại cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban
nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, ngày 10/1/1946 là: “Chúng ta tranh được tự do,
độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì.
Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”,
và kêu gọi: “Tôi mong rằng các ngài cũng sẽ đem hết tài năng và tri thức giúp
cho Chính phủ về mặt kiến thiết”, để đạt được mục đích làm cho dân có ăn; có
mặc; có chỗ ở và được học hành.
Nhấn mạnh rằng, công
tác phòng chống thiên tai là một cuộc chiến hết sức gay go, gian khổ, và để
chống lại “ thứ giặc ghê gớm” đó, Người và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm vấn
đề phòng chống thiên tai. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tham dự các cuộc họp
của Trung ương Đảng, của Hội đồng Chính phủ về thủy lợi, tham dự, huấn thị tại
nhiều hội nghị của ngành thủy lợi ở Trung ương và ở cả các địa phương, Người
còn chú trọng việc phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi, thường xuyên
khuyến khích phong trào đắp đê, xây kè, chống hạn, v,v..và thường dành thời
gian đi kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, sửa chữa các công trình thủy nông, đê
điều, tham gia động viên tát nước chống hạn, chống úng với bà con nông dân và
cán bộ các địa phương.
Không chỉ cùng Đảng,
Chính phủ đưa ra những quyết sách để chống giặc ngoại xâm, tiêu diệt “giặc
dốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm đến các biện pháp, các hình
thức để chống “giặc đói” cho nhân dân. Theo quan điểm của Người, để chống và
tiến tới là tiêu diệt “giặc đói”, một trong vô vàn những biện pháp cấp thiết
chính là phải củng cố hệ thống đê điều. Nói vậy, và làm vậy, cũng trong ngày
10/1/1946, về thăm thị xã Hưng Yên, Người nói: “Chúng tôi xuống đây có hai
việc: trước là để thăm đồng bào Hưng Yên, thứ hai là để thăm đê... Bây giờ ta
được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ, mà là
của tất cả mọi quốc dân..., cho nên mọi người đều phải sốt sắng giúp vào việc
đắp đê…Chỉ có cách đó là có thể ngăn ngừa được nạn đê vỡ. Nước sông cao bao
nhiêu đi nữa, mà lòng nhiệt tâm của các bạn cao hơn thì không bao giờ có lụt
nữa"[3].
Sau đó, ngày
22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 70/SL, thành lập tại Bắc Bộ “Ủy
ban Trung ương hộ đê có nhiệm vụ nghiên cứu, đề nghị mọi kế hoạch chống nạn lụt
và kiểm soát việc bảo vệ đê điều”, đồng thời giao cho Chủ tịch Ủy ban Hành
chính Bắc Bộ đứng đầu và tổ chức, thể hiện rõ trách nhiệm của nhà nước đối với
một trong những lĩnh vực quan trọng hàng đầu liên quan đến thủy lợi và trị thủy
của một quốc gia nông nghiệp. Và không chỉ có vậy, trong các bài viết “Gửi đồng
bào các tỉnh có đê” (15/6/1950); “Thư gửi đồng bào các tỉnh có đê” (2/6/1952);
“Ra sức giữ đê phòng lụt” (16/7/1953); “Thư gửi toàn thể đồng bào, bộ đội và
cán bộ về việc phòng và chống lụt, bão” (10/6/1957), v.v.. Người một mặt chỉ rõ
tác hại của thiên tai, mặt khác, thường xuyên quan tâm, nhắc nhở, động viên
nhân dân cả nước nói chung và đồng bào các tỉnh có hệ thống đê điều nói riêng
hãy quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai, để giảm thiểu lũ lụt, hạn hán.
Động viên đồng bào các
tỉnh có đê, Người viết: “Mùa nước lũ sắp đến... đồng bào trung du Bắc Bộ và Bắc
Trung Bộ đã bắt đầu đắp đê và chuẩn bị hộ đê... Đánh giặc để giữ làng, giữ
nước. Đắp đê, hộ đê để bảo vệ mùa màng... Mấy năm trước, chúng ta đã thắng giặc
lụt. Năm nay chúng ta cũng quyết thắng giặc lụt. Tôi kêu gọi đồng bào và bộ đội
ra sức giữ vững đê điều”. Đồng thời, để giúp người dân ở vùng bị thiên tai có
thể sớm ổn định đời sống, sản xuất, ngày 14/6/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc
lệnh số 96/SL, sửa đổi bản “Điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp”, trong đó quy
định những vùng bị thiên tai, địch họa thì tùy theo mức độ thiệt hại sẽ được
giảm hoặc miễn thuế. Quan tâm đến tình hình thiên tai trên cả nước, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã kịp thời thăm hỏi, động viên cán bộ và nhân dân ở những vùng bị
thiệt hại nặng do bão lũ, do hạn hán. Tình cảm, tấm lòng của Người hiển hiện
trong từng lời động viên, từng dòng chữ của những bức thư. Trong những năm nước
nhà còn tạm thời bị chia cắt, dù xa xôi cách trở, đồng bào miền Nam cũng nhận
được từ người Cha già dân lời chia sẻ: “Mấy tỉnh miền Nam bị bão lụt dồn dập.
Hàng nghìn đồng bào bị hy sinh. Hàng vạn nhà cửa bị đổ nát. Làng mạc xơ xác,
vườn ruộng tơi bời. Máu chảy ruột mềm, được tin tức đó, tôi và toàn thể đồng
bào miền Bắc rất là đau xót như muối xát vào lòng” trong bức thư “Thân ái gửi
đồng bào các tỉnh bị bão lụt ở miền Nam (17/11/1964).
Thấu hiểu sâu sắc
rằng, hệ thống đê điều được chuẩn bị tốt sẽ tránh được ngập úng và lũ lụt,
trong bài báo “Ra sức giữ đê phòng lụt” đăng trên báo Nhân Dân, Người chỉ rõ:
“Giặc LỤT là tiên phong của giặc ĐÓI. Nó là đồng minh của giặc NGOẠI XÂM. Nó
mong làm cho dân ta đói kém, để giảm bớt sức kháng chiến của chúng ta. Đắp đê
giữ đê là để chống giặc lụt và giặc đói, cho nên cũng như một chiến dịch”[4].
Và Người không quên nhấn mạnh: “Trong mùa mưa, công việc giữ đê, phòng lụt,
chống lụt, phòng bão, chống bão là nhiệm vụ cực kì quan trọng” và “chống lụt,
chống hạn cũng đều là đánh giặc, cũng khó khăn gian khổ”[5].
Cách tổ chức và biện
pháp để phòng chống thiên tai hiệu quả
Luôn nhắc nhở các cấp
chính quyền, các địa phương và đồng bào chú trọng phòng chống thiên tai, không
chỉ nói: “Việc hộ đê chống bão rất quan trọng. Thà đắp đê cao một tí, chuẩn bị
nhà cửa trước, nếu không có lụt bão cũng không sao, nhưng nếu chủ quan không
chuẩn bị thì thiệt hại lớn. Đắp đê chống lụt bão phải kịp thời” (13/6/1957);
“Đồng bào và cán bộ nông thôn thì cố gắng chăm lo để giành lấy vụ mùa thắng
lợi, ra sức giữ đê, chống lụt, chống bão” (6/7/1957); “Ra sức chống thiên tai
như hạn hán, sâu, chuột” (26/10/1958); “Phải sẵn sàng phòng chống bão lụt”
(28/7/1965), v.v.. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu rất cụ thể, chi tiết về những
biện pháp, những kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai. Cũng theo
quan điểm của Người, muốn chống thiên tai hiệu quả, trước hết phải cảnh giác,
tập trung chuẩn bị trước để phòng chống thiên tai, phải chú ý đến công tác dự
báo, đề phòng, chuẩn bị, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “nước đến chân
mới nhảy”.
Công việc giữ đê,
phòng lụt, chống lụt, phòng bão, chống bão là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng vì lợi
ích của mọi cấp chính quyền và người dân, vì vậy, chống lũ lụt, chống hạn hán
phải làm thường xuyên, phải được phát động thành phong trào thi đua và trong
quá trình thực hiện, nhất định phải “phải có thưởng, có phạt”. Chủ tịch Hồ Chí
Minh từng nói như vậy, và Người thường xuyên khen ngợi những cá nhân, những tập
thể có thành tích trong công tác phòng chống thiên tai, đồng thời dành những lá
cờ luân lưu, huy hiệu của Người để thưởng cho các địa phương, các đơn vị có
nhiều thành tích về làm thủy lợi, chống hạn, chống úng, giữ đê tốt. Ngày
1/4/1957, Người ký Sắc lệnh số 013/SL, tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho
cán bộ và nhân dân tỉnh Kiến An (nay thuộc Hải Phòng) đã có thành tích dẫn đầu
toàn miền Bắc về công tác phòng chống thiên tai năm 1956. Ngày 19/11/1966, Chủ
tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 102/LCT, tặng 4 Huân chương Lao động hạng Ba cho
nhân dân, cán bộ và lực lượng vũ trang tại các tỉnh Nghệ An, Nam Hà, Hà Tây và
Thái Bình, vì đã có nhiều thành tích trong công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ
đê điều và các công trình thuỷ lợi trong năm 1966, v.v.. đồng thời, Người cũng
nghiêm khắc phê bình những cá nhân, những địa phương chưa làm tốt công tác
phòng chống thiên tai…
Bình sinh, Chủ tịch Hồ
Chí Minh từng nói, thiên tai là một loại giặc, giặc “tiên phong của đói và
nghèo”, nên phòng chống thiên tai, không chỉ là củng cố, bảo vệ đê điều, chống
hạn hán, lũ lụt: “Muốn chống thiên tai, về mặt kinh tế nói chung thì phải làm
tốt thuỷ lợi để chống hạn, chống úng, tranh thủ được mùa, làm cho đời sống của
nhân dân ngày càng tiến lên” (8/12/1961), mà còn phải chống nạn phá rừng, là
tăng cường trồng cây gây rừng, vì “nếu rừng kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn
nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán. Vì vậy đồng bào miền
núi và trung du cũng như đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế ở
đây phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình” (11/4/1964), v.v.. Do đó,
muốn chống thiên tai có hiệu quả, các cấp chính quyền phải có kế hoạch cụ thể,
khoa học; phải có sự phân công rõ ràng, kiểm tra, đôn đốc chu đáo: “Trong việc
đắp đê giữ đê, kế hoạch phải rất tỉ mỉ, phân công phải rất rành mạch, chuẩn bị
phải rất chu đáo, lãnh đạo phải rất thống nhất. Cán bộ quân, dân, chính, đảng,
những vùng ấy phải xem việc đắp đê giữ đê là việc chính. Phối hợp phải thật chặt
chẽ. Chỉ đạo phải thật thiết thực. Tổ chức phải thật đầy đủ. Tuyệt đối chống
cách khoán trắng, chống quan liêu, mệnh lệnh”[6]. Theo Người, một phương án
phòng chống thiên tai tốt không chỉ là sản phẩm trí tuệ của người cán bộ chuyên
trách, đó còn là sự vận dụng kinh nghiệm thực tiễn, nên nó sẽ hoàn chỉnh hơn,
hiệu quả hơn khi tranh thủ được ý kiến của nhân dân, được bàn bạc kĩ với nhân
dân trước khi thực hiện, vì thế “cán bộ các cấp phải nhận rõ trách nhiệm, phải
có kế hoạch thiết thực và đầy đủ, phải đi sát với nhân dân”[7], đồng thời “cán
bộ phải đi xuống cơ sở cùng với đồng bào bàn kế hoạch và thực hiện kế hoạch
phòng và chống lụt, bão cho tốt”[8].
Phòng chống thiên tai
cần sự góp sức của toàn dân, sự quan tâm của toàn xã hội, vì vậy, một trong
những nhân tố quan trọng, đó là tinh thần đoàn kết, hiệp đồng giữa các lực
lượng, để “nhất trí, quyết tâm vượt mọi khó khăn, giúp đỡ nhau chiến thắng
thiên tai”. Và trong cuộc chiến đầy cam go giữa một bên là sức người, một bên
là sự khắc nghiệt, tàn phá của thiên nhiên, không chỉ phát huy vai trò gương
mẫu của cán bộ đảng viên “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, không chỉ
huy động lực lượng tại chỗ, mà còn phải phát huy sức mạnh tinh thần đoàn kết
giữa nhân dân các tỉnh lân cận, nhất là “cán bộ và đồng bào các tỉnh gần nhau
phải phối hợp chặt chẽ, tích cực giúp đỡ nhau phòng và chống lụt, bão”[9];
“Nông hội và thanh niên phải xung phong làm gương mẫu. Bộ đội phải tranh thủ
thời gian giúp đỡ nhân dân”[10], “Thanh niên và dân quân phải làm nòng cốt
trong các đội xung kích và đi đầu trong việc chuẩn bị phòng và chống lụt, bão.
Các địa phương có đê cần tổ chức thực tập chống lụt. Ở các điếm canh đê, ngày
đêm phải có người canh gác và khi có báo động phải loan báo ngay cho mọi người
biết để sẵn sàng đối phó”,v.v..
Phòng chống thiên tai
là trách nhiệm của cả cộng đồng, song trong đó, Nhà nước có vai trò quan trọng
trong quá trình xây dựng kế hoạch, đầu tư cho các công trình thuỷ lợi, nhất là
tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng thế giới, vì thế, khi “các nước bạn sẽ giúp
ta kinh nghiệm chống lụt”[11], và “chúng ta kịp thời chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng,
thì dù bão lụt to mấy cũng không sợ”.
Cần tích cực phòng
chống thiên tai khi mùa mưa, bão đến
Từ quan điểm, chỉ dẫn
của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng chống thiên tai, có thể thấy rằng: không chỉ
coi thiên tai là một loại giặc, không chỉ quyết tâm phòng, chống và chiến thắng
loại giặc đó, chúng ta còn phải biết vận dụng, kết hợp những tri thức của khoa
học kỹ thuật tiên tiến với những kinh nghiệm cổ truyền về dự báo, về phòng chống
lũ, lụt và tiến hành chống thiên tai khi mùa mưa, lũ, bão đến. Đồng thời trong
mọi thời điểm, đều phải hết sức tránh lối làm việc kinh nghiệm chủ nghĩa, và
trong công tác phòng chống thiên tai, thì phải “phòng” hơn “chống’, “phải tính
toán cho tốt”, và làm cho tinh thần chủ động đó thấm sâu trong mọi cấp, mọi
ngành, và trong quần chúng nhân dân.
Những năm gần đây,
dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai càng ngày càng trở nên
khốc liệt hơn về cường độ, đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống
của người dân các nước, trong đó có Việt Nam. Theo Báo cáo của Liên hợp quốc,
“người dân châu Á có khả năng bị ảnh hưởng của thiên tai gấp 4 lần so với châu
Phi, gấp 25 lần so với châu Âu và Bắc Mỹ”. Thực tế cho thấy, thiên tai, bão, lũ
trong năm 2010 tại Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của 362 người, trên 470.000
ngôi nhà bị hư hại, thiệt hại về vật chất ước tính lên đến trên 16.000 tỷ
đồng,v.v..Tác động của biến đổi khí hậu “đã làm thiên tai cực đoan hơn” đối với
Việt Nam, trong đó, nông nghiệp và khu vực nông thôn là lĩnh vực “dễ bị tổn
thương” và chịu tác động nặng nề nhất, và đó là tổn thất to lớn về cả vật chất
và tinh thần đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Thực hiện theo những
chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, công tác phòng chống
thiên tai, chống biến đổi khí hậu, càng ngày càng nhận được sự quan tâm của
Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và của cả cộng đồng. Thực tế cho thấy,
nhiều chủ trương, dự án phòng chống thiên tai đã thực hiện khá tốt và
đang tiếp tục đi vào cuộc sống. Đó là: dự án đê sông, đê biển, an toàn
hồ chứa, trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, khu neo đậu cho tàu thuyền tránh, trú
bão; dự án phòng tránh ngập úng cho các thành phố lớn; dự án xây dựng quy
hoạch phòng chống thiên tai; các chương trình truyền thông, cập nhật thông tin
về các cơn bão, lũ, hạn hán cho nhân dân; dự án phòng đuối sức cho thiếu
niên, nhi đồng (trong cả nước nói chung và trong địa bàn các vùng sông nước nói
riêng), v.v...Ngoài ra còn tham dự nhiều Hội thảo kỹ thuật, diễn đàn quốc
gia, quốc tế về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu;
phối hợp triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Phòng chống và Giảm nhẹ thiên
tai...Đặc biệt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm, chỉ
đạo sát xao cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương những nơi
bị thiên tai, bão lũ, nhằm hạn chế tai nạn và đảm bảo cuộc sống
của người dân.
Làm tốt những nội dung
trên chính là nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác hại, tác động của
thiên tai đến cuộc sống của người dân./.
Lê thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét