Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

SỰ CẦN THIẾT TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG ĐẤU TRANH LÝ LUẬN HIỆN NAY


SỰ CẦN THIẾT TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG ĐẤU TRANH LÝ LUẬN HIỆN NAY
                                                                                                        Mưng Trinh

Đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận là hoạt động lãnh đạo quan trọng hàng đầu của Đảng nhằm xây dựng, bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng, cương lĩnh chính trị, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước XHCN, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; truyền bá sâu rộng và xây dựng niềm tin của nhân dân đối với hệ tư tưởng, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng giá trị đúng đắn đối với sự phát triển của con người và xã hội, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và những phẩm chất nhân cách của con người Việt Nam đương đại; trực tiếp cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Do đó tiến hành công tác tư tưởng - lý luận nói chung, ĐTLL nói riêng là trách nhiệm của tất cả các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội từ trung ương đến cơ sở, kết hợp chặt chẽ và phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng gắn với các hình thái công tác tư tưởng - lý luận như: hệ thống các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu lý luận; hệ thống giáo dục lý luận chính trị và giáo dục công dân; hệ thống tuyên truyền miệng (đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên); hệ thống nghiên cứu điều tra dư luận xã hội; hệ thống thông tin đại chúng (báo chí và xuất bản)…
          Hiện nay, sự cần thiết phải tăng cường phối hợp giữa các lực lượng ĐTLL xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau đây.
Trước hết, xuất phát từ chiến lược chống phá của các thế lực thù địch được dàn dựng một cách có bài bản; được tổ chức và chỉ đạo chặt chẽ, nhằm phá hoại cách mạng nước ta trên lĩnh vực lý luận một cách rất tinh vi, thâm hiểm. Để đấu tranh chống lại một cách có hiệu quả, các hoạt động đấu tranh của chúng ta cần phải được triển khai một cách có tổ chức và được chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất.
Hiện nay, Mỹ và các thế lực thù địch đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chế độ chính trị XHCN ở Việt Nam; trong đó, xác định trọng tâm là chống phá về tư tưởng – lý luận. Chúng huy động một số lượng lớn đài phát thanh, truyền hình, nhà xuất bản, báo và tạp chí phản động, mạng Internet; thông qua bọn phản động người Việt lưu vong, móc nối với bọn cơ hội chính trị, chống đối trong nước; thông qua hợp tác về giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, thông qua giao lưu văn hóa, văn nghệ, du lịch, hội thảo..., nhất là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng phổ biến một khối lượng lớn các tài liệu phản động với nội dung thâm độc: phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng; phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; phủ định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, đòi lật án...
Điều rất đáng quan tâm rút ra từ những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nói trên là tính tổ chức chặt chẽ; mặc dù các hoạt động chống phá này được nhiều lực lượng ở nhiều nước tiến hành, nhưng thời điểm chống phá và mục tiêu chống phá của chúng là tương đối nhất quán. Để đấu tranh chống lại một cách có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận, chúng ta không thể chỉ dựa vào lòng nhiệt tình của từng cá nhân, tiến hành một cách đơn lẻ, mà phải tiến hành một cách có tổ chức, có sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các cấp bộ Đảng, của các cơ quan chức năng, các lực lượng.
Thứ hai, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình” cần phải bằng sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng. Đến lượt mình, điều đó đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, để phối hợp hành động, nỗ lực đấu tranh của các lực lượng vào một mục tiêu chung.
Sử dụng sức mạnh tổng hợp để chiến thắng các thế lực xâm lược là bài học kinh nghiệm, là truyền thống của dân tộc ta. Trong cuộc đấu tranh chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận hiện nay, chúng ta cũng phải vận dụng sáng tạo bài học này. Để đấu tranh đạt hiệu quả cao, chúng ta phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống; phải tiến hành trên nhiều lĩnh vực và huy động mọi lực lượng có thể huy động được. Chỉ tính riêng khối báo chí, cả nước ta hiện nay đã có tới 687 cơ quan báo chí với 896 ấn phẩm. Trên lĩnh vực phát thanh, truyền hình có 3 đài phát thanh - truyền hình Trung ương và 64 đài phát thanh - truyền hình địa phương. Trên lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 21 báo điện tử, 160 trang tin điện tử tổng hợp mang tính báo chí của các cơ quan báo chí in và hàng ngàn trang tin điện tử có nội dung thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các đoàn thể, hội, hiệp hội và các doanh nghiệp. Với lực lượng đông đảo và có tiềm năng đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái như trên, nếu không có sự định hướng, chỉ đạo thống nhất trước các vụ việc nổi lên, đặc biệt là các vụ việc “nóng”, thì nỗ lực của các lực lượng rất dễ đi theo các chiều hướng khác nhau, dẫn đến triệt tiêu nhau.
          Thứ ba, bản thân nội dung các vấn đề lý luận thường rất nhạy cảm, để tham gia đấu tranh với các hình thức, mức độ và thời điểm thích hợp, rất cần sự định hướng, chỉ đạo thống nhất và phối hợp đấu tranh giữa các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành, các lực lượng trên lĩnh vực lý luận. 
Trong thực tiễn, những vấn đề được dư luận quan tâm, nổi lên như là một vấn đề bức xúc, nổi cộm của xã hội đều có xuất xứ lịch sử và nguyên do cụ thể của nó. Các thế lực thù địch thường lợi dụng sự thiếu thông tin của xã hội để xuyên tạc, vu cáo và làm sai lệch nội dung các sự kiện. Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin và truyền thông, đặc biệt là việc nối mạng thông tin toàn cầu (internet) cũng đem lại cho người đọc, người xem và người nghe một khối lượng thông tin đồ sộ; trong đó, sự lẫn lộn thật - giả thông tin là rất phổ biến. Làm thế nào để biết được đâu là thông tin chân thực cần phải bảo vệ, đâu là thông tin nhiễu, thông tin xuyên tạc cần phải đấu tranh bác bỏ, đòi hỏi phải có sự định hướng, chỉ đạo, phối hợp đấu tranh của các lực lượng. Nếu thiếu thông tin, nếu không được định hướng, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, rất dễ những nỗ lực đấu tranh của các lực lượng sẽ đi ngược lại mục tiêu mà chúng ta mong muốn.  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét