Một số biện pháp phòng, chống những biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên dưới tác động của cuộc
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là quá trình dịch chuyển, thay đổi về lập trường chính trị, tư tưởng trong từng cá nhân, đến một mức độ nhất định nào đó sẽ dẫn tới sự thay đổi bản chất của con người và tổ chức. Biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với người cán bộ, đảng viên là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có sự hoài nghi, lung lay về lập trường, lý tưởng và cuối cùng là sự thay đổi, buông bỏ lập trường giai cấp công nhân, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng; nói và làm ngược lại với đường lối, chủ trương, mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư đang được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm thực hiện các
âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta; khiến cuộc đấu tranh chống “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng ta càng khó khăn, phức tạp và khó lường
hơn. Giờ đây, tiến bộ công nghệ bị các thế lực thù địch lợi dụng biến thành
“công cụ” hữu hiệu tuyên truyền xuyên biên giới nhằm xuyên tạc, chống phá nền tảng
tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng nhằm nâng cao trình độ lý luận
chính trị, xây dựng bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng cho cán bộ, đảng
viên. Về bản chất là trang bị cho cán bộ, đảng viên cả “thanh kiếm” và “khiên
chắn” để tăng cường “sức đề kháng”, tạo hệ “miễn dịch” trong tư tưởng, nhận
thức của mỗi người trước sự lôi kéo của các thế lực thù địch. V.I. Lê-nin đã
từng nhắc nhở: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm
của bản thân chúng ta” và bài học sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa
ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào những năm 1989 - 1991 của thế kỷ trước là
minh chứng sâu sắc cho luận điểm này.
Hai là, phát huy vai trò của tổ chức đảng để ngăn chặn,
đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ cơ sở. Mỗi chi bộ, đảng bộ cần làm
tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là nắm và giải quyết vấn đề chính
trị hiện nay; quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng chính trị; kịp thời phát hiện
những nhận thức lệch lạc và giáo dục, định hướng, giải quyết tốt để tạo sức đề
kháng từ phía tổ chức.
Ba là, đầu tư, hiện đại hóa các phương tiện, công cụ truyền thông
để tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn nham
hiểm của các thế lực thù địch. Các chiêu thức chống phá tinh vi đòi hỏi công
tác đấu tranh không chỉ dừng lại ở việc hô khẩu hiệu, mà quan trọng là chúng ta
phải bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch bằng lý
luận sắc bén, thuyết phục. Đồng thời, khai thác tốt vai trò công nghệ để giám
sát các thông tin độc hại ngay từ nguồn phát tán để ngăn chặn từ sớm, từ xa; để
mở rộng tối đa phạm vi bao phủ của thông tin chính thống trên hệ sinh thái
truyền thông, tạo khả năng áp đảo cần thiết trong các loại hình chiến tranh
thông tin. Do đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về công nghệ trong các cơ quan
chuyên môn để quản lý, sàng lọc, định hướng thông tin, định hướng những vấn đề
cần tập trung đấu tranh; đồng thời, sử dụng công nghệ để vạch trần, chỉ ra
những mánh khóe, thủ đoạn, âm mưu ẩn chứa tinh vi trong những luận điệu xuyên
tạc của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, cần ứng dụng tiến bộ khoa học - công
nghệ nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng cho cán
bộ, đảng viên trước những tiêu cực, mặt trái, những vấn đề chính
trị - xã hội phức tạp; nâng cao chất lượng các bài viết, bài bình luận, thiết
kế âm thanh, hình ảnh hiện đại, tiện ích, đa phương tiện để thu hút sự quan tâm
của độc giả trong nội bộ các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cả xã hội.
Bốn là, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi
cán bộ, đảng viên trong việc tự tu dưỡng, tự học tập để nâng cao trình độ, bản
lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng. Đó là con đường tự thân nhằm nâng cao sức đề
kháng thông qua khả năng tự nhận biết, tự phân loại, sàng lọc và định hướng
thông tin để tự bảo vệ mình, bảo vệ tổ chức trước các luận điệu xuyên tạc của
các thế lực thù địch; không để lực lượng thù địch có cơ hội lợi dụng, mua
chuộc, lôi kéo, chống phá. Rõ ràng là khi mỗi cán bộ, đảng viên đều có ý thức
cảnh giác, tự “hoàn thiện” cơ chế tự phòng vệ bằng trình độ lý luận chính trị
và nhận thức, hiểu biết của mình thì không kẻ thù nào khiến chúng ta có thể “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét