Phong Le
1. Bản
chất tốt đẹp mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ giữa Quân đội nhân dân và Công an
nhân dân
Quân
đội nhân dân (QĐND) và Công an nhân dân (CAND) là lực lượng vũ trang
cách mạng của Đảng và dân tộc, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng
lập, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện và tổ chức hoạt động. Sinh thời Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã dạy: “Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng,
của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với
nhau, giúp đỡ lẫn nhau”. Thấm nhuần lời dạy của Người, QĐND và CAND luôn đoàn
kết, phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và chiến đấu, góp phần quan
trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Ngay từ khi mới ra đời, QĐND và CAND
đã thể hiện rõ bản chất cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và
nhân dân; luôn sát cánh, đồng tâm, hiệp lực, dũng cảm, chiến đấu hy sinh vì sự
nghiệp cách mạng của dân tộc. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công,
tình thế đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, dưới sự lãnh đạo của
Đảng, Quân đội và Công an đã kề vai sát cánh trấn áp kẻ thù, bóc
gỡ nhiều ổ nhóm phản cách mạng, giữ vững ổn định an ninh, trật tự,
bảo vệ chính quyền non trẻ và thành quả cách mạng của nhân dân.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sự phối hợp giữa QĐND
và CAND được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ trên nhiều mặt trận,
lĩnh vực, đã bảo vệ an toàn chính trị nội bộ, giữ vững an ninh
chính trị ở căn cứ địa Việt Bắc và vùng mới giải phóng, trao đổi
nắm vững tin tức vùng địch hậu, góp phần quan trọng vào thắng lợi
chung của dân tộc. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quan hệ phối
hợp giữa lực lượng Quân đội và Công an càng được củng cố, tăng cường, đã
sát cánh cùng nhau đấu tranh chủ yếu trên địa bàn miền Bắc. Trong đó,
tập trung vào phòng, chống địch đột nhập; tổ chức bạo loạn và trong
chống chiến tranh phá hoại, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự cho
miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng cho sự
nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), sự đoàn kết phối hợp
giữa hai lực lượng càng trở nên chặt chẽ, trở thành nhân tố có tính quy
luật, tạo cơ sở vững chắc để QĐND và CAND hoàn thành tốt chức năng,
nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, giao phó.
Mối
quan hệ đó được khẳng định trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nhất
là Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc
trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) “Về Chiến lược BVTQ
trong tình hình mới”. Luật CAND, Luật An ninh quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật
Biên giới quốc gia, v.v. Đặc biệt, ngày 12-7-2010, Chính phủ đã ban hành
Nghị định 77/2010/NĐ-CP “Về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong
thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và
nhiệm vụ quốc phòng”, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để QĐND và CAND cụ
thể hóa thành các chỉ thị, thông tư liên tịch giữa hai Bộ, nhằm nâng
cao hiệu quả phối hợp. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Tăng
cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà
nước và của toàn dân, trong đó QĐND, CAND là lực lượng nòng cốt. Xây dựng thế
trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc…; kết hợp chặt
chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh (QP-AN), QP-AN với kinh tế” … Quán
triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị và nghị định đó, QĐND và CAND đã
chủ động phối hợp ở tất cả các cấp trong trao đổi thông tin, nhất là
thông tin về âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch,
tình hình an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới; hoạt động xuất, nhập cảnh
trái phép, xâm nhập của các tổ chức phản động lưu vong, những vấn đề liên quan
trực tiếp đến quốc phòng - an ninh (QP-AN). Trên cơ sở đó, thống nhất
nhận định, đánh giá để đề xuất và tham mưu cho Đảng, Nhà nước; đồng
thời, triển khai các biện pháp đấu tranh nhằm bảo vệ vững chắc độc
lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà
nước, nhân dân và chế độ XHCN, góp phần giữ vững môi trường hòa bình,
ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.
Hai
lực lượng đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong xây dựng kế hoạch,
phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu công trình trọng
điểm, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, không để xảy ra
bị động, bất ngờ. Các cơ quan, đơn vị của Quân đội, Công an đã tích cực,
chủ động phối hợp nắm chắc mọi diễn biến tình hình trên vùng, miền,
địa phương, nhất là các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới đất
liền, biển, đảo và các khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài. Bộ
Quốc phòng, Bộ Công an đã phối hợp tham mưu đề xuất kịp thời với Đảng,
Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp xử lý hiệu quả các vụ gây rối
trật tự, an ninh ở một số địa bàn, như: Tây Nguyên (tháng 4-2004),
huyện Mường Nhé, Điện Biên (tháng 5-2011); một số khu công nghiệp ở Đồng
Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh (trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn
khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam); phát hiện, ngăn chặn nhiều
vụ mua bán người, vận chuyển ma túy, hàng cấm...; triệt phá nhiều băng
nhóm tội phạm và làm rõ nhiều vụ việc phạm tội có tính chất phức tạp, giải cứu
an toàn nhiều người bị hại.
Công
tác xây dựng lực lượng được hai bộ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Trong
đó, việc trao đổi đào tạo được triển khai theo hướng: Bộ Công an đào tạo
cán bộ nghiệp vụ an ninh, trinh sát, điều tra tội phạm, quản lý giam giữ, kỹ
thuật hình sự cho Quân đội; Bộ Quốc phòng đào tạo cán bộ quân y, công nghệ
thông tin, điện tử viễn thông, hậu cần, kỹ thuật cho Công an. Lực lượng này
là những chuyên gia về công tác chuyên ngành ở các đơn vị. Đồng thời,
hai Bộ còn phối hợp trong xây dựng quy hoạch, phát triển công nghiệp quốc
phòng, công nghiệp an ninh, công tác cứu hộ cứu nạn, phòng, chống, khắc phục
hậu quả thiên tai...; thực hiện bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho hàng triệu lượt
cán bộ, đảng viên, lực lượng bán chuyên trách bảo vệ an ninh, v.v.
Bên
cạnh đó, CAND và QĐND cũng chủ động phối hợp và làm nòng cốt trong
xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), nền an ninh nhân dân (ANND), xây
dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận ANND; đồng
thời, tích cực vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh chính trị,
trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn, địa phương và cả nước.
2. Nhận diện những thủ đoạn xuyên tạc, chia rẽ mối quan hệ giữa Quân đội
nhân dân và Công an nhân dân
Âm
mưu, thủ đoạn sâu xa của các thế lực thù địch, phản động là họ không ngừng kêu
gọi “phi chính trị” quân đội và công an, cho rằng hai lực lượng này phải tách
rời sự lãnh đạo của Đảng, không được “trung với Đảng”, “còn Đảng còn mình” mà
phải quay về là “lực lượng thuần túy phục vụ nhân dân. QĐND và CAND sẽ chỉ là
của quốc gia, dân tộc, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái, lực lượng
chính trị nào”. Họ yêu cầu phải bỏ nội dung QĐND và CAND tuyệt đối trung thành
với Đảng Cộng sản Việt Nam, được ghi trong Điều 65 Hiến pháp năm 2013...
Một
thủ đoạn gần đây được họ “dựng chuyện” thông qua luận điểm kích động: “Ai làm
thoái hóa quân đội Việt Nam?” để chỉ trích việc quân đội tham gia phối hợp
với công an bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội là không đúng chức
năng, nhiệm vụ của quân đội.
Đây
là những chiêu trò hết sức thâm độc, phá hoại mối quan hệ khăng khít, gắn bó
giữa QĐND và CAND. Mối quan hệ, tình cảm tốt đẹp này không phải sự ngẫu nhiên
hay ý muốn chủ quan của ai đó mà bắt nguồn từ chính bản chất, chức năng, nhiệm
vụ của QĐND và CAND.
Họ
còn xuyên tạc rằng, thông qua Nghị định số 77/2010/NĐ-CP về Phối hợp giữa Bộ
Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ
gìn TTATXH và nhiệm vụ quốc phòng, “quân đội đã chính thức được phép tham gia
bảo vệ an ninh, trật tự xã hội… một việc mà trước đây chỉ có bên công an làm”,
qua đó tạo thế lực riêng cho mình, “can thiệp quá sâu vào các hoạt động dân sự
dưới sự chỉ đạo của Đảng”.
Thậm
chí, họ còn trắng trợn bịa đặt, xuyên tạc quân đội tham gia vào các vụ án chống
tiêu cực, tham nhũng là “lấn sân”, qua đó hạ thấp uy tín, vai trò lực lượng
CAND... Cách đây ít lâu, họ còn kích động, tạo ra mâu thuẫn giữa hai lực lượng
thông qua việc so sánh vấn đề phong quân hàm cấp tướng...
3. Không gì có thể chia rẽ mối quan hệ đoàn kết
chặt chẽ giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân
Trong
tình hình mới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra nhiều đòi hỏi cấp thiết phải bảo
vệ từ xa, tác chiến không chỉ trên các lĩnh vực trên bộ, trên không, trên biển
mà cả trên không gian mạng và đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Khái
niệm về an ninh quốc gia có sự phát triển mới. Đó là an ninh toàn diện cả về
kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao; cả an ninh sinh tồn
và an ninh phát triển; cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.
Trước
tình hình đó, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hòa
bình”, bạo loạn lật đổ; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ..., đa
dạng hoá các thủ đoạn, phương thức chống phá cách mạng Việt Nam rất nham hiểm,
tinh vi, xảo quyệt. Đảy mạnh các thủ đoạn lợi dụng những vấn đề dân tộc, tôn
giáo, dân chủ, nhân quyền, tạo ra những “điểm nóng” kinh tế - xã hội để biến
thành những sự kiện chính trị nhạy cảm... Do đó, bảo vệ an ninh quốc gia trong
tình hình mới phải là nhiệm vụ của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản
lý, điều hành của Nhà nước, trong đó QĐND và CAND là lực lượng nòng cốt. Việc
phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an
ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cũng như công an giúp đỡ quân đội trong
các mặt công tác là đòi hỏi tất yếu khách quan, hoàn toàn phù hợp và không gì
có thể tách rời, chia rẽ.
Từ thực
tiễn và kết quả phối hợp giữa QĐND và CAND trong xây dựng và chiến đấu, để
bảo đảm phát huy tốt mối quan hệ đoàn kết, chặt chẽ giữa QĐND và CAND, hoàn
thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, hơn lúc
nào hết cần phải thực hiện các vấn đề có tình nguyên tắc sau: Giữ vững sự lãnh
đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với CAND và QĐND. Cán bộ,
chiến sĩ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp của CAND và QĐND phải nhận
thức rõ vị trí, ý nghĩa và sự cần thiết của việc phối hợp hoạt động giữa hai
lực lượng; thường xuyên cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm trên từng vùng, miền,
địa bàn và tổ chức thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Tập trung vào xây dựng “thế
trận lòng dân”, xây dựng thế trận ANND với nền QPTD vững chắc trên từng địa bàn
và cả nước. Thường xuyên coi trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực
chuyên môn cho bộ phận chuyên trách của hai lực lượng.
Kế
thừa và phát huy truyền thống, kinh nghiệm trong thời gian qua, triển
khai nhiều biện pháp đồng bộ, phù hợp với đòi hỏi của tình hình mới,
đồng bộ, hiệu quả làm thất bại âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình”;
phòng, chống có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và thách thức
của an ninh phi truyền thống, tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn
kết, chặt chẽ giữa QĐND và CAND./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét