Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN SÂU, RỘNG VỀ NHIỆM VỤ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO TỔ QUỐC


                                                                                         Quang Đông                  
Công tác tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ then chốt góp phần tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, xuất phát từ tầm quan trọng của nhiệm vụ, sự phức tạp của các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia trên biển và trong bối cảnh tranh chấp biển, đảo giữa Việt Nam với các nước ở khu vực đang diễn ra vô cùng căng thẳng, quyết liệt, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Thực hiện tuyên truyền biển, đảo là một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng trong quá trình lãnh đạo bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tiến hành tốt công tác này không chỉ có ý nghĩa tác động làm chuyển biến ý thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng ý chí của cả dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước nhằm hoàn thành nhiệm vụ hết sức khó khăn, nặng nề là bảo vệ chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc, mà còn là nhân tố quyết định tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, của cả khu vực và quốc tế trên nhiều vấn đề trong đường lối, chính sách về biển mà Việt Nam đang tiến hành. Đây cũng chính là tiền đề, cơ sở  để Việt Nam có thể triệt để phát huy được các nguồn sức mạnh nội - ngoại lực, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường lực - thế  bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia chính đáng của mình trên Biển Đông.

 Thực tiễn cho thấy: công tác tuyên truyền được đề cao, đẩy mạnh, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả về mọi mặt, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Những vấn đề liên quan đến biển, đảo Việt Nam, nhất là vấn đề về chủ quyền cũng như chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước bước đầu được tuyên truyền sâu rộng ở cả phạm vi trong và ngoài nước. Công tác tuyên truyền biển, đảo đã làm chuyển biến một bước rõ rệt nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời tạo được sự đồng thuận nhất định của các lực lượng ở cả trong và ngoài nước về rất nhiều vấn đề có tính phức tạp, nhạy cảm, tạo điều kiện tập hợp lực lượng, xây dựng sức mạnh tổng hợp bảo đảm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về biển đảo hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế; chưa mang tính thường xuyên, liên tục. Thông tin tư liệu, hình ảnh về tuyên truyền biển đảo chưa đảm bảo tính hệ thống và chưa thật hấp dẫn, nội dung tuyên truyền đôi khi chưa thực sự thiết thực, thông tin tuyên truyền còn bị bó hẹp, phiến diện, phương pháp và hình thức tuyên truyền tuy đa dạng, phong phú nhưng thiếu tính bài bản, khoa học.
Để công tác tuyên truyền biển, đảo ngày càng thiết thực, diễn ra đúng hướng, có chất lượng và hiệu quả đáp ứng được mục đích, yêu cầu  mà nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đặt ra, trong quá trình lãnh đạo, cần quán triệt giải quyết một số vấn đề sau:
Thứ nhất, kiện toàn bộ máy tuyên truyền các cấp.
Trong công tác tuyên truyền biển, đảo, cần phải chú trọng kiện toàn, xây dựng bộ máy tuyên truyền ở các cấp, các ngành thống nhất từ trên xuống dưới, từ Trung ương, đến địa phương, đồng thời có cơ chế quản lý chặt chẽ, bảo đảm hoạt động của bộ máy tuyên truyền có sự phối hợp nhịp nhàng, làm cho công tác tuyên truyền luôn diễn ra đúng hướng, đạt chất lượng và hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Phải thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với công tác tuyên truyền trên cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý cho các hoạt động của công tác tuyên truyền, nhằm thúc đẩy công tác tuyên truyền diễn ra sâu, rộng, có chất lượng, hiệu quả.
Thứ hai, xác định nội dung tuyên truyền phù hợp với đối tượng.
Nhiệm vụ tuyên truyền biển, đảo luôn mang tính phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều thông tin có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích, an ninh chủ quyền biển, đảo quốc gia, hơn nữa do diễn biến tình hình Biển Đông nói chung, tình hình biển, đảo Tổ quốc nói riêng luôn chuyển biến mau lẹ..., cho nên trong thực hiện công tác tuyên truyền lại càng cần phải chú trọng nội dung nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Nội dung tuyên truyền phải thiết thực, bảo đảm có tính thuyết phục. Thông tin tuyên truyền phải luôn đầy đủ, chính xác, phù hợp cả về mức độ, phạm vi tuyên truyền gắn với từng đối tượng được tuyên truyền.
Thứ ba, chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với nội dung và đối tượng.
Cách thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng, có sự kết hợp giữa các lực lượng, phương pháp, nhằm đảm bảo hiệu quả, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Công tác tuyên truyền phải được tiến hành phổ biến rộng rãi trên nhiều kênh, nhiều tuyến với nhiều cách thức khác nhau: tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, tạp chí, đài phát thanh - truyền hình); kết hợp việc tổ chức cho các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước đến thăm các vùng biển, đảo Tổ quốc, nhất là thăm những khu vực biển, đảo có tính chất đặc biệt như Trường Sa, Nhà dàn DK1; phối hợp với chính quyền các cấp, nhất là ở các địa phương có biển thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức các chương trình, các cuộc thi về biển, đảo; kết hợp việc tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế; kết hợp công tác đối ngoại các cấp  để thực hiện tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên phạm vi sâu, rộng ở cả trong nước và ngoài nước.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét