Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀ VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG


                                                                                Mạnh Tường
                                                                                  
Trong những năm gần đây, trên thế giới xuất hiện nhiều vấn đề mới hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là sự chuyển giao quyền lực, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy, xu hướng bảo hộ đang nổi lên tác động tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở trong nước, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có những diễn biến phức tạp, tinh vi… Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch càng ráo riết đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, dồn dập tung ra các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, hòng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta mất phương hướng về chính trị, tư tưởng để chúng dễ dàng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta.

Vì thế, để bảo vệ nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng, việc tăng cường đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, luận điểm xuyên tạc là đòi hỏi khách quan, nhiệm vụ cấp bách trước mắt, đồng thời cũng là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản, lâu dài.
Một là, phải luôn kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng, thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn Đảng.
Tại Đại hội VII, Đảng ta tiếp tục khẳng định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Đến Đại hội IX, Đảng ta xác định khái niệm, nguồn gốc, nội dung, vị trí, vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đến Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”(4). Đảng ta luôn nhấn mạnh yêu cầu phải vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng; là cách tốt nhất để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam.
Hiện nay, công cuộc đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu, bên cạnh những cơ hội, ngày càng xuất hiện những vấn đề mới, những khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân phải chủ động, không ngừng sáng tạo.
Đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn. Xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh ngày nay là một sự nghiệp vô cùng khó khăn, phức tạp và lâu dài, nhưng đó là con đường hợp quy luật để có một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sự nghiệp cách mạng đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải kiên định, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Một lần nữa, cần khẳng định lại: Đổi mới không phải là xa rời chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà là nhận thức đúng, vận dụng và không ngừng phát triển sáng tạo học thuyết, tư tưởng đó, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, làm cơ sở cho phương pháp luận quan trọng nhất để phân tích tình hình, hoạch định và hoàn thiện đường lối đổi mới.

Đảng Cộng sản Việt Nam – Đảng cách mạng chân chính – một Đảng không chủ quan tự mãn với những thành tích, không né tránh những khuyết điểm, sai lầm. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực. Năm 2017 cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực được đẩy mạnh hơn và bước đầu đạt nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu.
Hai là, nhận thức sâu sắc và kịp thời âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” và thường xuyên đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc.
Các thế lực thù địch không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc, tôn giáo” hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.
Các thế lực thù địch sử dụng các thủ đoạn tinh vi, thâm độc, thông qua hàng trăm cơ quan báo chí, xuất bản ở nước ngoài, móc nối với các phần tử cơ hội chính trị ở trong nước; thông qua con đường ngoại giao, hợp tác kinh tế, đầu tư… hòng chuyển hóa nước ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, hòng làm mất ổn định chính trị – xã hội, tạo điều kiện can thiệp sâu hơn chống phá cách mạng Việt Nam. Các thế lực thù địch lợi dụng, khoét sâu những thiếu sót, yếu kém trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, cũng như những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của một số cán bộ, đảng viên để gây ra những dao động về tư tưởng, mất lòng tin, thiếu đồng thuận trong nhân dân, kích động, chia rẽ nội bộ để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, lập các tổ chức phản động trong nước. Chúng dùng mọi biện pháp để đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng hòng gây hoang mang, dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa; xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, cho rằng chủ nghĩa Mác – Lê-nin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, cùng lắm là đầu thế kỷ XX, chỉ thích hợp với nền văn minh công nghiệp, còn bây giờ sang thế kỷ XXI, thời đại văn minh tin học, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa nên chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã lỗi thời, đã bị lịch sử vượt qua; cho rằng chủ nghĩa Mác – Lê-nin chỉ phù hợp với các nước Tây Âu, không thích hợp với các nước lạc hậu như Việt Nam; cho rằng, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu chứng tỏ “chủ nghĩa Mác – Lê-nin là sai lầm, sai lầm từ trong bản chất chứ không phải do nhận thức và vận dụng sai”.
Đồng thời chúng còn xuyên tạc, bôi nhọ tư tưởng, đạo đức, phong cách, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng viết sách, báo, sản xuất băng hình nhằm “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh”. Chúng đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, coi Hồ Chí Minh chỉ là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là người cộng sản; cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Chúng xuyên tạc, cho rằng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, trước hết lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học, là sai lầm và đối lập với tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào Việt Nam là một sai lầm, là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước. Chúng cũng bôi nhọ, vu khống các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trên thực tế, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên tấn công vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì chủ nghĩa Mác – Lê-nin, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là một sai lầm, bảo thủ, giáo điều; chủ nghĩa xã hội đang khủng hoảng và thoái trào; sự tan rã của Liên Xô, của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và hệ thống xã hội chủ nghĩa là bằng chứng về sự bế tắc, vô vọng của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn. Chúng còn cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dẫn dắt dân tộc làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công, đã làm tròn sứ mệnh lịch sử; trong quá trình đổi mới, Đảng có nhiều sai lầm, vậy nên cần có lực lượng khác lãnh đạo đất nước; Việt Nam cần thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, cần xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp. Hiện nay, chúng tiếp tục đưa ra những luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng ta, như cần phải tam quyền phân lập; cần phải đẩy mạnh phát triển “xã hội dân sự” theo nghĩa đối lập với Nhà nước; cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là cuộc đấu tranh thanh trừng nội bộ…
Ý đồ lâu dài không thay đổi của các thế lực thù địch là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, thay đổi chế độ ta. Thông qua việc truyền bá những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, lối sống lai căng vào xã hội, vào cán bộ, đảng viên, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, để đi đến chuyển hóa Đảng, chuyển hóa chế độ theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Nhận thức rõ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong các văn kiện đại hội ở thời kỳ đổi mới, Đảng đều nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã xác định “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một trong bốn nguy cơ. Đại hội VIII của Đảng đề ra nhiệm vụ “Uốn nắn những nhận thức lệch lạc, những quan điểm mơ hồ, những biểu hiện dao động về tư tưởng, suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng. Phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch”. Đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một chủ trương kiên quyết và nhất quán của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới.
Ba là, có phương thức đấu tranh phù hợp chống quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc phù hợp.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ quan trọng bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng, bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng, vì vậy, cần huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; việc tổ chức đấu tranh cần được chuẩn bị kỹ, chặt chẽ, khoa học và quyết tâm cao. Tất cả các cơ quan tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, báo chí là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này. Người đứng đầu cấp ủy phải là người tổ chức cuộc đấu tranh. Cần huy động một đội ngũ chuyên gia giỏi, tâm huyết tham gia cuộc đấu tranh. Cần thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm, biểu dương những cơ quan, những người làm tốt nhiệm vụ.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng là một mặt trận lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ. Cần thực hiện đúng theo phương châm cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn phương châm “thêm bạn, bớt thù”, phải có sách lược đúng đắn, xem xét từng đối tượng cụ thể trong đấu tranh. Biết cách đấu tranh cho phù hợp với từng đối tượng để cuộc đấu tranh có hiệu quả.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng phải theo định hướng, chỉ đạo thống nhất, đồng thời mỗi ngành, cơ quan, đoàn thể, địa phương phải xây dựng lực lượng, hệ thống tuyên truyền, kế hoạch hoạt động.
Tăng cường công tác thông tin, nhất là thông tin đại chúng thông qua báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh, internet… Các báo, đài cần tìm ra những hình thức tuyên truyền phù hợp, sát với từng đối tượng. Phát huy vai trò tuyên truyền miệng, thông báo nội bộ, ấn phẩm báo chí, lý luận, diễn đàn trao đổi, đối thoại… Tăng cường hơn nữa thông tin đối ngoại; tiến hành thường xuyên việc nghiên cứu dư luận xã hội để nắm bắt nhanh, nhạy, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cơ sở để xây dựng nội dung tuyên truyền, đấu tranh tư tưởng, lý luận sát hợp.
                                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét