Thanh Chung
Tôn
giáo là một hiện tượng xã hội thuộc đời sống tinh thần của con người đã và đang
có ảnh hưởng quan trọng đến nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đảng ta
khẳng định: vấn đề dân tộc, tôn giáo và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược
cơ bản, lâu dài, đồng thời là vấn đề cấp bách của cách mạng Việt Nam. Ở nước
ta, tín ngưỡng tôn giáo đã chi phối sâu sắc đến đời sống tinh thần của một bộ
phận quần chúng nhân dân theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Thời gian gần
đây, nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân ta có xu hướng gia tăng, hoạt
động của các tổ chức tôn giáo tiếp tục diễn ra phức tạp. Chủ nghĩa đế quốc và
các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng tôn giáo để lôi kéo, kích động tín
đồ tôn giáo nhằm tạo dựng “ngọn cờ”, tập hợp lực lượng chống cách mạng Việt Nam.
Sự phát triển mạnh mẽ, sức lan tỏa
của Internet là phương tiện hữu hiệu mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù
địch lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta. Nhiều webside, blog cá nhân đã
đăng tải nhiều nội dung phản ánh sai lệch đường lối, chính sách của Đảng, Nhà
nước ta… Trên lĩnh vực tôn giáo, một trong những chiêu bài mà chủ nghĩa đế quốc
và các thế lực thù địch tiến hành là lợi dụng vấn đề “tự do tôn giáo” để chống
phá cách mạng Việt Nam. Quốc hội Mỹ đã ra một số nghị quyết và tổ chức nhiều
cuộc điều trần về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam; xếp Việt Nam vào
danh sách các quốc gia “đàn áp tôn giáo”. Gần đây, Uỷ ban Tự do tôn giáo của Mỹ
tiếp tục công bố báo cáo đánh giá tiêu cực về tình hình tôn giáo ở
Việt Nam. Trong nước, những phần tử cực đoan, quá khích trong Công giáo,
phật giáo Ấn Quang, phật giáo Hoà Hảo... câu kết với các thế lực thù địch bên
ngoài lợi dụng những diễn biến phức tạp trên thế giới lôi kéo, tập hợp tín đồ
để kích động biểu tình, gây rối, tạo cớ cho bên ngoài can thiệp…
Hiện nay, trên nhiều webside, blog cá nhân (như
voatiengviet.com; bonphuong…) đăng tải những bài viết, thông tin sai trái xung
quanh vấn đề này. Ví dụ như linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, phụ trách truyền
thông dòng Chúa cứu thế cho rằng: “Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo ngay từ
chính sách. Pháp lệnh “về tín ngưỡng, tôn giáo” năm 2004 và các nghị định 22
năm 2005, nghị định 92 năm 2012 ngay tên gọi đã mất chữ “tự do”. Thực tế các
quy định luật pháp đưa ra không phải vì mục đích đảm bảo tự do tôn giáo cho
công dân, mà nhằm vào việc quản lý tôn giáo của nhà cầm quyền”. Chúng cho rằng tự do tôn giáo ở Việt Nam chỉ
là sự “Tự do giả hiệu”. Hòa
thượng Thích Không Tánh, trụ trì chùa Liên Trì, quận 2, Sài Gòn trình bày: Sau
biến cố năm 1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất bị chính quyền chủ
trương triệt hạ ngay từ đầu. Theo vị hòa thượng này: Dưới chế độ này chỉ có tự
do tôn giáo giả hiệu, chứ không có tự do tôn giáo thực sự.
Một
số lãnh đạo Phật giáo cho rằng nếu Việt Nam có tự do tôn giáo thì nhà nước đã
không giam cầm đức đệ tứ tăng thống Thích Huyền Quang đến chết. Đại lão hòa thượng
Thích Quảng Độ hiện đang bị quản chế tại Thanh Minh Thiền Viện. Nhiều vị sư
đang bị giam lỏng tại chùa như hòa thượng Thích Thanh Quang ở chùa Giác Minh ở
Đà Nẵng, hòa thượng Thích Viên Định ở chùa Giác Hoa…
Họ còn lớn tiếng cho rằng không thể có tự do khi các
chùa của Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trên cả nước bị canh gác, cô lập, bao
vây, phong tỏa, ngăn cản trong việc hành đạo. Họ viện dẫn: Pháp luật Việt
Nam nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo hoặc bỏ đạo. Họ trích dẫn trong
báo cáo về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ về Việt Nam trong năm 2012: nhiều làng xã
ở Tây Bắc cán bộ địa phương cố gắng thuyết phục các tín đồ theo đạo Tin Lành người
H’mông cải đạo. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích các già làng, trưởng
bản thuyết phục họ hàng, con cháu của mình bỏ đạo Thiên chúa và quay trở lại
với tín ngưỡng truyền thống…
Những quan điểm trên là sự viện dẫn thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn. Chúng
lấy một vài hiện tượng mà đánh giá bản chất của vấn đề. Đây chính là sự chống
phá của các thế lực thù địch, mục đích không gì khác nhằm phá hoại khối đại
đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, làm suy yếu lực lượng cách mạng nước ta.
Công tác tôn giáo nói chung, tự do tôn giáo
nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tại Điều 24, Chương II Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam (Sửa đổi bổ sung 2013) quy định: “1. Mọi người có quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo
bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng
tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.”
Đảng
ta đã có Nghị quyết 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 của Trung ương Đảng về công tác tôn
giáo; Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo ngày 29/6/2004 và có hiệu lực thi hành từ
ngày 15/11/2004; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (01/3/2005). Điều đó đã công khai, minh bạch đường
lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta trong lĩnh vực tôn giáo;
đồng thời là cơ sở để giải quyết các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, bảo đảm quyền
tự do tôn giáo của nhân dân, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý
nhà nước về tôn giáo, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tôn giáo đang
hoạt động ở Việt Nam.
Hiện
nay, Nhà nước ta công nhận 13 tôn giáo, cấp giấy chứng nhận sinh hoạt tôn giáo
cho 36 tổ chức tôn giáo, 01 pháp môn tu hành. Đời sống vật chất và tinh thần đồng
bào các tôn giáo ngày một tiến bộ, bảo đảm tốt hơn. Công tác tôn giáo đã động
viên được đồng bào tôn giáo chấp hành nghiêm chỉnh hiến pháp và pháp luật, sống
tốt đời đẹp đạo. Công tác tuyên truyền giải thích chính sách, pháp luật về tôn
giáo được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng và phong phú hơn trước. Công tác
vận động quần chúng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành được tăng cường. Công tác xây
dựng tổ chức cơ sở đảng ở vùng đồng bào tôn giáo được quan tâm hơn trước, việc
thực hiện chính sách tôn giáo đã giúp các tôn giáo hoạt động bình thường theo
đúng pháp luật. Những thành tựu đó là bằng chứng khẳng định nội dung mà các
quan điểm nêu trên là sự vu cáo, xuyên tạc trắng trợn của kẻ thù.
Để đấu tranh với những quan
điểm sai trái lợi dụng “tự do tôn giáo” của các thế lực thù địch trên mạng Internet
là vấn đề có ý nghĩa cấp bách cả lý luận, thực tiễn trên. Do đó cần thực hiện tốt
một số nội dung sau:
Một là, nâng
cao nhận thức, phát triển thế giới quan khoa học. Đây là vấn đề cơ bản quan
trọng hàng đầu định hướng chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng
nhân dân. Theo
C.Mác: “Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”. Trước
hết cần tăng cường giáo dục quan điểm chủ nghĩa chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về công tác tôn giáo.
Giáo dục chủ nghĩa vô thần khoa học nhằm làm cho cán bộ, giảng viên có sự hiểu
biết đúng đắn về nguồn gốc, bản chất, chức năng của tôn giáo. Vạch ra tính chất
duy tâm thần bí, phản khoa học của hệ thống giáo lý, giáo luật, giáo điều... của
tín ngưỡng tôn giáo và mê tín dị đoan. Trong đó, vạch rõ âm mưu và thủ đoạn của
kẻ thù đã và đang lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta
mà tập trung chủ yếu là kích động chia rẽ đồng bào có đạo và đồng bào không
theo đạo nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, làm
tốt công tác quản lý, khai thác sử dụng mạng Internet. Vấn đề này cần phải có sự
vào cuộc của toàn xã hội. Việc khai thác các thông tin trên mạng Internet phải
thực hiện đúng những quy định của Nhà nước và lựa chọn các webside chính
thống. Đồng thời cần có sự đối chứng, kiểm
tra nguồn gốc xuất xứ và độ xác thực của thông tin.
Ba là, thường
xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng
nhân dân. Kịp thời phát hiện những quan điểm sai trái và tích cực đấu tranh bác
bỏ các quan điểm sai trái đó.
Đấu tranh chống chiêu bài lợi
dụng “Tự do tôn giáo” trên mạng Internet của các thế lực thù địch hiện nay là vấn
đề phức tạp, nhạy cảm hiện nay. Để đấu tranh có hiệu quả ngoài việc nhận diện
đúng bản chất sai trái của các quan điểm thù địch, mỗi cán bộ, đảng viên, quần
chúng nhân dân cần nắm chắc lý luận chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta
về tôn giáo, đồng thời trang bị cho mình những cơ sở thực tiễn cần thiết,
vận dụng biện pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả./
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét