Hiện nay, trên internet, mạng xã hội, xuất hiện ngày càng
nhiều những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, công khai chống phá Đảng, Nhà nước.
Điển hình như bài viết “Tản mạn về việt kiều, doanh
nhân, giang hồ và chế độ cộng sản độc tài tham nhũng” của Hoa
Mai Nguyễn. Thông tin bài viết mang nặng sự suy diễn chủ
quan, tô vẽ, thổi phồng, thậm chí xuyên tạc trắng trợn tình hình tham nhũng và
công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, gây hoài nghi, làm mất niềm tin
của nhân dân, vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa
ở nước ta.
Tham nhũng là tệ nạn mang tính toàn cầu, xuất hiện và tồn
tại ở mọi quốc gia trên thế giới. Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng không phải do
chế độ chính trị hay do đảng phái nào nắm quyền lãnh đạo đất nước. Tệ nạn này
hiện hữu ở tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, kể cả ở nước
nghèo và nước giàu, quốc gia phát triển, đang phát triển hoặc kém phát triển.
Khi nhà nước và quyền lực chính trị còn tồn tại, thì một đảng cầm quyền hay đa
đảng đều có thể nảy sinh tham nhũng. Thực tiễn chính trường và xã hội tư bản
vẫn tồn tại nhiều vụ, việc tham nhũng đình đám. Theo đánh giá của Tổ chức minh
bạch quốc tế (TI), một số nước theo thể chế đa đảng, không do đảng cộng sản cầm
quyền, như: Côlômbia, Braxin, Malaixia, Thái Lan, Inđônêxia… thì đều thuộc nhóm
“nước tham nhũng nghiêm trọng”. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mỗi năm tệ tham
nhũng gây tổn thất cho kinh tế thế giới 1.500-2.000 tỷ USD, tương đương khoảng
2% GDP toàn cầu.
Thực tế là như vậy, nhưng Hoa Mai Nguyễn – với mưu đồ đen
tối không che đậy, đã “lượm lặt” thông tin một vài vụ án tham nhũng có liên
quan đến cán bộ, đảng viên đã bị đưa ra ánh sáng pháp luật để suy diễn, xuyên
tạc, và cho rằng tham nhũng là bản chất, là hệ quả của chế độ xã hội chủ nghĩa, của cơ chế lãnh đạo tuyệt đối
của Đảng. Thực chất giọng điệu ấy là lợi dụng cuộc đấu tranh chống
tham nhũng để xuyên tạc, nói xấu hòng làm suy giảm uy tín, vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Chính vì vậy đối với người tham gia mạng xã hội cần tự trang
bị cho mình kiến thức an ninh mạng cơ bản, biết nhận diện những trang thông
tin, những diễn đàn trên mạng xã hội hay đăng tải những thông tin xấu độc, phản
động; cảnh giác, thận trọng, sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống,
đồng thời có khả năng “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc, phản động; có ý
thức ngăn chặn, phản bác cái xấu một cách có lý, có tình, thuyết phục.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Trả lờiXóa