Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

NHẬN DIỆN SỰ SUY THOÁI VỀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ HIỆN NAY




                                                                                                        
                                     
Phương pháp nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ hiện nay thực chất là việc xác định những căn cứ để dựa vào đó mà tìm ra những biểu hiện của sự suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, liên quan trực tiếp tới việc giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ - khâu đột phá, then chốt, có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở từng đơn vị, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh (TSVM), xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

         Để phân tích và nhận diện một cách đúng đắn, làm cơ sở cho việc tìm kiếm những giải pháp hiệu quả khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ hiện nay; bài viết này tác giả đề xuất một số vấn đề có tính phương pháp luận như sau:
          1. Từ kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đội ngũ cán bộ
          Mỗi cán bộ dù đảm nhiệm cương vị, chức trách nào thì kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị luôn là thước đo về phẩm chất, năng lực, ý thức trách nhiệm, tinh thần khắc phục khó khăn, ý chí quyết tâm của họ. Và đây cũng chính là xuất phát điểm để đánh giá người cán bộ đó có sự suy thoái hay không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
          Trong mọi trường hợp, dù ở bất kỳ cương vị nào thì việc hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao của người cán bộ luôn là kết quả tất yếu và trước hết của sự giác ngộ về chính trị, trình độ năng lực công tác của việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của người cán bộ. Người cán bộ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, nếu họ thiếu vững vàng về tư tưởng chính trị; thiếu nhiệt tình, trách nhiệm; thiếu sự tận tụy với công việc; sống tùy tiện, buông thả, vô kỷ luật, vô nguyên tắc… Cũng không thể khẳng định rằng người cán bộ này suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong khi họ là người luôn luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ phải là sự đánh giá quá trình tự thân phấn đấu vươn lên, bằng chính tài, đức của người cán bộ; hoàn toàn không phải là sự “khen ngợi, áp đặt, tô vẽ”, “yên nên tốt, ghé nên xấu” nào đó từ bên ngoài.
Tất nhiên cũng phải thấy rằng, đội ngũ cán bộ trong quân đội hiện nay thực hiện nhiệm vụ trên nhiều cương vị, trọng trách khác nhau nên việc đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ đối với từng đối tượng cán bộ cũng khác nhau và dựa trên những tiêu chí rất cụ thể.
          2. Từ thái độ chính trị của đội ngũ cán bộ trong chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, nguyên tắc và chế độ quy định.
          Thái độ chính trị của người cán bộ đối với việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, nguyên tắc, chế độ quy định là một trong những tiêu chí đánh giá sự vững vàng về lập trường tư tưởng chính trị, sự tự giác, tự nguyện, trách nhiệm và sự gắn bó của họ đối với nhiệm vụ, với đơn vị. Bởi lẽ, bản chất của việc chấp hành đó suy đến cùng chính là sự tuân thủ, phục tùng của cá nhân đối với tổ chức; của việc đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của quân đội, của đơn vị lên trên lợi ích cá nhân.
Bất luận trong hoàn cảnh nào, người cán bộ có thái độ chính trị đúng đắn, là người luôn nghiêm khắc với bản thân, nói và làm theo nghị quyết, tự giác tu dưỡng, rèn luyện mình theo pháp luật Nhà nước, nguyên tắc của Đảng, kỷ luật và chế độ quy định của quân đội, của đơn vị thì đó ắt phải là người cán bộ mẫu mực, kiên trung, và mọi hoạt động của họ đều vì lợi ích của cách mạng. Trái lại, với những cán bộ mà đối với cấp trên luôn tỏ ra “lễ phép”, “cung kính”… còn đối với cấp dưới thì “dọa nạt”, “ban ơn”… Nhưng sau đó là sự miễn cưỡng, thiếu tự giác; tùy tiện, vô nguyên tắc trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, nguyên tắc của Đảng, kỷ luật của quân đội và những quy định của đơn vị thì đó ắt phải là người cán bộ luôn luôn bao biện, che dấu những toan tính cá nhân, xa rời lợi ích tập thể, tìm mọi cách để thỏa mãn lợi ích của cá nhân mình, thẩm chí kể cả việc họ sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của đồng chí, đồng đội, lợi ích của Đảng. Nói cách khác, đó là người cán bộ đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống.
Thực tiễn cho thấy, cán bộ dù ở bất cứ cương vị, trọng trách nào mà xem nhẹ, coi thường việc chấp hành kỷ luật, vi phạm nghị quyết, chỉ thị, nguyên tắc, chế độ quy định dưới nhiều hình thức khác nhau đều là những người sớm hay muộn cũng đi ngược lại lợi ích của Đảng, của tập thể; phá hoại đoàn kết nội bộ và nếu đó là người có trọng trách càng lớn thì hậu quả sẽ càng nặng nề. Đó chính là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đúng như đánh giá của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: “Một bộ phân không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc…”[1]; “cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi, đến chốn; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ”[2].
3. Từ việc ứng xử các mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, đồng chí, đồng đội của đội ngũ cán bộ.
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của người cán bộ không tồn tại một cách độc lập mà nó len lỏi vào “hang cùng ngõ hẻm” của các mối quan hệ trong cuộc sống, trước hết là mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, đồng chí, đồng đội. Xét về bản chất, mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, đồng chí đồng đội là các mối quan hệ khẳng định bản chất cách mạng, được xây dựng trên cơ sở lợi ích của cách mạng, lợi ích của Đảng. Song, nếu làm biến dạng các mối quan hệ ấy thành các quan hệ “ân huệ”, “xin cho”, “mua bán”, sự ghét ghen, đố kỵ, yêu nên tốt, ghét nên xấu… Nhằm mục đích vụ lợi cá nhân thì đó ắt phải là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, việc ứng xử các mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, quan hệ đồng chí, đồng đội là những vấn đề hết sức nhạy cảm. Nó được lồng ghép, đan xen vào các quan hệ khác. Song về nguyên tắc, ở đâu, khi nào, xử lý sai lệch các mối quan hệ ấy, lập tức ở đó nảy sinh những vấn đề phức tạp trong đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ... Và đó là những vấn đề mà Đảng ta đang kiên quyết đấu tranh loại bỏ. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng đã khẳng định, nguyên nhân của những yếu kém ấy là do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc; và tình trạng: “Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ; chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm kỷ luật, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém”[3] đang là những vấn đề trọng tâm, xuyên suốt, cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay.
4. Từ tinh thần đấu tranh phê phán những sai trái trong nội bộ cơ quan, đơn vị của đội ngũ cán bộ.
 Tinh thần đấu tranh phê phán những sai trái trong nội bộ cơ quan, đơn vị, trong chi bộ đảng là một trong những thước đo đánh giá tính tiền phong gương mẫu, tính chiến đấu của người cán bộ, đảng viên. Vì vậy điều này được xem là cơ sở, căn cứ để đánh giá người cán bộ có hay không sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Người cán bộ thực sự vì lợi ích tập thể, vì sự đoàn kết nội bộ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của đơn vị để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phải là người có thái độ rõ ràng, có tinh thần đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng với những sai trái. Còn đối với những cán bộ biết mà không dám đấu tranh, lảng tránh hiện thực, luôn “xoa dịu”, “vỗ về” hoặc trái lại, lợi dụng chức quyền “trù dập” người đấu tranh thì đó chính là người cá nhân chủ nghĩa, chỉ biết “chăm lo” lợi ích của mình.
Cũng phải nhận thức sâu sắc rằng việc lợi dụng dân chủ, lợi dụng đấu tranh phê bình dưới mọi hình thức để bôi nhọ, làm mất uy tín đồng chí, đồng đội; cục bộ, bè phái trong đấu tranh phê bình cũng là những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Nguyên tắc tối cao, sống còn trong xây dựng quân đội là phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, theo đó, các tổ chức đảng trong quân đội phải tuyệt đối tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Vì thế, đấu tranh loại bỏ những sai trái trong nội bộ cơ quan, đơn vị, trong chi bộ đảng ở các đơn vị phải đặc biệt quan tâm, tìm ra cách thức tối ưu để giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên. Giữ gìn sự đoàn kết nội bộ không có nghĩa là loại bỏ đấu tranh tự phê bình và phê bình, bưng bít, che dấu sai sót, khuyết điểm; đấu tranh kiên quyết loại bỏ chủ nghĩa cá nhân ở từng con người trong tập thể chính là việc làm hữu ích để xây dựng đoàn kết nội bộ, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong từng cơ quan, đơn vị nhất là đối với các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trọng yếu; việc đấu tranh phê bình, tự phê bình với những sai trái để giữ vững các nguyên tắc nêu trên càng có tầm quan trọng đặc biệt. Ở đây, việc đấu tranh ấy có đạt hiệu quả đến đâu tùy thuộc rất lớn vào sự mềm dẻo, linh hoạt trong ứng xử, sự vững vàng về quan điểm, lập trường, nguyên tắc, cũng như trách nhiệm chính trị của người đứng đầu.
Như vậy, để nhận thức được tính chất, mức độ và những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI chúng ta đồng thời phải phân tích từ bốn vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu, nên cần được tiếp tục bổ sung từ thực tiễn hoạt động, tác giả mong nhận được sự trao đổi, luận bàn của độc giả./.
  Tư  Hồng

1 nhận xét:

  1. Các cán bộ, Đảng viên phải tích cực đấu tranh với các cán bộ suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh

    Trả lờiXóa