Bài học từ quá khứ
Khi nền văn hóa bản địa
bị xâm thực, nền tảng tinh thần xã hội bị lung lay, đổ vỡ thể chế chính trị là
diễn trình tất yếu. Điều này đã được minh chứng sau sự sụp đổ của Liên Xô và
các nước đông Âu. Thời Tổng thống Ronald Reagan, Chính phủ Hoa Kỳ càng đẩy mạnh
chủ trương ngoại giao cân bằng, thẩm thấu tư tưởng, văn hóa với Liên Xô và các
nước Đông Âu qua truyền bá quan điểm phương Tây về tự do, nhân quyền với hạt
nhân là lợi ích cá nhân. Reagan cho rằng, trong cuộc đấu tranh giữa CNTB và
CNXH, nhân tố quyết định cuối cùng không phải là đọ sức đạn hạt nhân và tên lửa
mà là cuộc đọ sức của ý chí và tư tưởng.
Nguy cơ hiện hữu
Từ cuối những năm 50 của
thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, cùng với âm mưu xâm lăng nước ta bằng
quân sự, các nước đế quốc còn thực hiện âm mưu xóa bỏ những giá trị truyền thống,
tinh hoa văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Cuộc đấu tranh này ở nước ta, theo thời
gian, theo sự phát triển của xã hội ngày càng diễn ra rất phức tạp, gay go và
quyết liệt. Nguy cơ “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa-tư tưởng diễn ra
từ hai góc độ: Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và xu hướng “tự
chuyển hóa” của những đối tượng yếu kém bản lĩnh chính trị trước sự biến động của
xã hội.
Ở góc độ chống phá của
các thế lực thù địch, biểu hiện rõ nét nhất là hoạt động xuyên tạc, bôi đen giá
trị văn hóa, đạo đức, lối sống XHCN, ra sức du nhập văn hóa, đạo đức, lối sống
tư sản thực dụng, trụy lạc, tôn thờ đồng tiền là trên hết, sống ích kỷ, phi đạo
đức. Cùng đó, các thế lực thù địch luôn khuyến khích khuynh hướng đòi văn hóa,
văn nghệ hoạt động độc lập với chính trị, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận
sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực này.
Ở góc độ chủ quan những
người “tự chuyển hóa”, khi đất nước mở cửa sâu rộng với thế giới, những yếu tố
có khả năng tác động tới sự biến đổi về xã hội ùa vào theo là vấn đề tất yếu.
Đó bao gồm hai sản phẩm cơ bản: Văn hóa và tiêu dùng. Cả hai sản phẩm này, dù
được nhập khẩu chính ngạch nhưng đều mang tính hai mặt, đặc biệt với sản phẩm
văn hóa. Những sản phẩm văn hóa được phép lưu hành đều mang những giá trị nhất
định về chân-thiện-mỹ, cổ vũ lối sống lành mạnh, tốt đẹp. Tuy nhiên, đi kèm
theo đó là việc phổ biến những giá trị văn hóa, hình ảnh xã hội khác biệt, thậm
chí đi ngược với những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Dưới góc độ
hội nhập, chúng ta không thể không tiếp thu những tinh hoa của văn hóa thế giới
nhằm bổ sung, làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, nếu việc tiếp thu
thiếu chủ động, không đủ bản lĩnh, năng lực để chỉ lựa chọn cái tốt, cái có ích
cho đời sống văn hóa thì quá trình hội nhập về văn hóa sẽ trở thành nguy cơ làm
“biến màu” nền văn hóa bản địa.
Những tác động của văn
hóa lên nền tảng tư tưởng xã hội thường không mang tính chất tức thời mà là một
quá trình “mưa dầm thấm lâu”. Tuy nhiên, sự chuyển biến chậm rãi đó lại có khả
năng thay đổi bền vững tư duy, tình cảm của mỗi người. Vì thế, nếu thiếu cảnh
giác, để những tác động tiêu cực của văn hóa ngoại lai du nhập, thẩm thấu sâu
vào đời sống xã hội Việt Nam, sẽ là 1 nguy cơ rất lớn.
Đình Duyên
Hiện nay “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa là âm mưu, thủ đoạn đặc biệt nguy hiểm của các thế lực thù địch. Do đó cần phải nâng cao cảnh giác, nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn này của chúng.
Trả lờiXóa