Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Một số giải pháp góp phần đấu tranh ngăn chặn thông tin sai lệch, xuyên tạc trên internet và mạng xã hội hiện nay



Dungkhuat.com
Như thành thông lệ, cứ mỗi dịp đại hội nhiệm kỳ của Đảng các cấp chuẩn bị diễn ra, các thế lực thù địch lại đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách toàn diện, trong đó tập trung vào các lĩnh vực tư tưởng chính trị, kinh tế, pháp luật, quốc phòng, an ninh, nguyên tắc tổ chức, cán bộ, công tác nhân sự đại hội…

          Trên mạng xã hội và một số “diễn đàn”, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội cố tình đưa nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc, thổi phồng, bịa đặt về những hạn chế, yếu kém của Đảng và Nhà nước ta, phủ nhận những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là xuyên tạc về công tác chuẩn bị đại hội Đảng… Điều đáng quan tâm là, người dùng mạng có tâm lý cho rằng các trang mạng xã hội là nơi để thể hiện quan điểm cá nhân một cách thoải mái mà không phải suy nghĩ gì, khiến thông tin xấu, độc, thông tin chưa được kiểm chứng được chia sẻ, lan truyền một cách khó kiểm soát. Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều người đã vô tình tham gia cổ xúy cho cái xấu, cái sai, bất chấp hậu quả tai hại của nó đối với đạo đức xã hội, đối với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, các phần tử xấu thường xuyên giả mạo trang thông tin của các cơ quan công quyền, tự ý lập ra những website và blog “tự xưng” là trang thông tin cá nhân cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Quân đội, Công an và một số bộ, ngành, thành phố trực thuộc Trung ương. Các trang này được chúng chuyển tải tin tức với nhiều chuyên mục giật gân, câu khách, bố cục được thiết kế rõ ràng, kèm theo ảnh minh họa nên các trang mạng mạo danh này mới thoạt nhìn giống trang thông tin thật, thu hút sự tìm kiếm của người đọc…
          Thời gian tới, các tổ chức Đảng tiếp tục tổ chức đại hội ở cấp mình theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội càng tăng cường chống phá, tung thông tin giả, tin đồn thất thiệt, xuyên tạc, bịa đặt về đời tư cá nhân, bôi nhọ uy tín của các đồng chí trong diện “quy hoạch nhân sự”, lợi dụng các vấn đề xã hội quan tâm như vụ án Hồ Duy Hải, kết luận điều tra của cơ quan chức năng về vụ án giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm… để kích động dư luận. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả đấu tranh ngăn chặn thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng internet, các cấp, các ngành và cơ quan chức năng cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
          Một là, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản pháp luật về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội.
          Hai là, chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện; chỉ rõ âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, các đối tượng xấu trên internet và mạng xã hội. Bồi dưỡng nâng cao năng lực nhận diện thông tin sai lệch, xuyên tạc, có ý thức tự phòng vệ và ý thức ngăn chặn, phòng chống, đấu tranh phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc.
          Ba là, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước việc chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; phát huy vai trò của báo chí, của các blogger và của mỗi người trong đấu tranh trực diện với các quan điểm, thông tin sai lệch, xuyên tạc.
          Bốn là, tăng cường công tác nắm bắt tình hình dư luận xã hội để làm tốt hơn nữa công tác định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các cơ sở giáo dục đưa nội dung giáo dục an ninh mạng vào chương trình dạy học phù hợp với ngành học, cấp học. Các bậc cha mẹ học sinh cần có biện pháp quản lý chặt chẽ khi con em mình tham gia mạng xã hội, có những tác động điều chỉnh khi cần thiết.
Năm là, tăng cường công tác quản lý an ninh mạng, cung cấp đầy đủ thông tin về nguy cơ từ internet và mạng xã hội, các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn các tin tức sai lệch, xuyên tạc. Chủ động nghiên cứu, xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp để tiếp tục phát triển internet và mạng xã hội đúng hướng, lành mạnh; kịp thời bóc gỡ những website, blog, facebook, fanpage giả mạo và xử lý nghiêm khắc những kẻ cố tình tung tin thất thiệt, chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng.


1 nhận xét:

  1. Hiện nay có rất nhiều kẻ lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền sai trái, kích động chống phá Cách mạng Việt Nam; chúng ta phải hết sức đề cao cảnh giác.

    Trả lờiXóa