Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

HIỆP THƯƠNG CHÍNH TRỊ TRONG TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ CHUNG CỦA CẢ NƯỚC NĂM 1976


                                                                        

                                                                 
          Sau thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975, đại diện hai miền Nam - Bắc đã tiến hành Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc. Thành công của Hội nghị đã tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình thống nhất hai miền Nam - Bắc như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Hội nghị Trung ương lần thứ 24 đã đề ra công tác chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức cho việc tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội và Chính phủ chung của cả nước.
          Thực hiện chủ trương của Đảng, từ ngày 15 đến ngày 21/11/1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc đã được tổ chức tại Sài Gòn. Đoàn Đại biểu miền Bắc gồm có 25 đại biểu, do đồng chí Trường Chinh - Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa làm Trưởng đoàn và Đoàn Đại biểu miền Nam cũng gồm có 25 đại biểu, do đồng chí Phạm Hùng- Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Bí thư Đảng bộ miền Nam, đại diện Đảng trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam làm Trưởng đoàn. Hội nghị đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận dân chủ, hào hứng, sôi nổi, đi sâu phân tích các vấn đề đã được nêu lên trong chương trình nghị sự.Với không khí vô cùng phấn khởi, thắm tình ruột thịt, đoàn kết Bắc - Nam, hai Đoàn đại biểu đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Sáng ngày 21/11/1975, hai Trưởng đoàn đại biểu đã ký bản Thông cáo của Hội nghị, một văn kiện lịch sử thể hiện sự thành công của Hội nghị, đánh dấu một bước tiến mới của nhân dân ta trên con đường xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.  Kết quả của Hội nghị đã được đúc kết lại trong hai văn kiện chính thức của Hội nghị là: Thông cáo của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc và Những vấn đề đã được hai đoàn đại biểu nhất trí thông qua trong Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc.
          Nội dung của bản Thông cáo có đề cập đến những vấn đề về thời gian, địa điểm, thành phần tham gia Hội nghị, đồng thời khái quát quá trình đấu tranh anh dũng, bất khuất chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ của đồng bào ta dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng. Tiếp đó Hội nghị cũng khẳng định rằng cần tổ chức sớm cuộc tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước và kêu gọi toàn thể cán bộ và nhân dân ta, từ Lạng Sơn đến Cà Mau hãy giương cao hơn nữa ngọn cờ của chủ nghĩa yêu  nước và chủ nghĩa xã hội, đoàn kết một lòng, ra sức phát huy thắng lợi. Văn kiện của Hội nghị đã nêu thống nhất, cụ thể chủ trương hoàn thành thống nhất nước nhà đến việc tổ chức Tổng tuyển cử để bầu cử Quốc hội chung của cả nước và về kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, công bố và phê chuẩn kết quả Hội nghị Hiệp thương chính trị và cuối cùng là nội dung ký và quản lý các văn kiện của Hội nghị Hiệp thương chính trị.
          Hội nghị Hiệp thương chính trị này có tính chất đặc biệt, bởi nó có quan hệ mật thiết đối với vấn đề thống nhất Tổ quốc và hơn nữa Hội nghị chỉ diễn ra duy nhất một lần đã dành được thành công và đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Điều này thể hiện được ý chí, nguyện vọng thống nhất non sông tha thiết của nhân dân hai miền Nam - Bắc. Bên cạnh đó, không chỉ đồng bào trong nước mà kể cả kiều bào ta tại nước ngoài, nhân dân, dư luận, các hội, đoàn thể trên thế giới đã nhiệt tình ủng hộ, tổ chức mít tinh hoan nghênh những thành quả và thắng lợi của Hội nghị Hiệp thương.
                                                                                                      Nguyễn Hữu
         


1 nhận xét:

  1. Hộinghị Hiệp thương này đã thành công tốt đẹp; điều đó đã giáng cho các thế lực phản động, thù địch một đòn chí mạng; bởi những luận điệu xuyên tạc của chúng

    Trả lờiXóa