Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG THÔNG TIN BỊA ĐẶT TRÊN MẠNG XÃ HỘI


                                         
Có một thực tế mà hầu hết người dùng Internet đều có thể nhận ra là thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị ráo riết tăng cường hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta trên không gian mạng với nhiều âm mưu hết sức tinh vi, nham hiểm. Một trong những thủ đoạn xảo quyệt mà chúng thường áp dụng là lợi dụng các trang mạng xã hội và các blog cá nhân để tung tin xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 

Đặc biệt, trước những sự kiện lớn, các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, cấp độ, mật độ và tần suất những thông tin xấu, độc trên các trang mạng xã hội và các blog cá nhân này ngày càng ngày càng gia tăng. Bằng việc lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các “nhà dân chủ” cấu kết với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hoạt động ráo riết, kẻ tung người hứng, xuyên tạc, bóp méo tình hình đất nước, “đổi trắng thay đen” lịch sử, đưa thông tin sai lệch về chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, gây bất lợi cho Việt Nam trên trường quốc tế. Ngoài ra, không ít đối tượng, với mục đích phá hoại về nhiều mặt, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây tâm lý bức xúc trong nhân dân đã khai thác một số hiện tượng tiêu cực trong xã hội rồi suy đoán, bịa đặt, dựng chuyện để đưa lên mạng Internet. Với chủ đích lừa dối trơ trẽn, chúng cố tình “nói lấy được”, tự đưa ra thông tin lệch chuẩn rồi suy diễn theo giọng điệu chủ quan nhằm lái dư luận theo một hướng khác theo ý đồ của chúng. Thực tế này đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhìn nhận, chỉ rõ thủ đoạn: “Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Trong bối cảnh lượng người dùng Internet nói chung, mạng xã hội tại nước ta bùng nổ trong những năm gần đây và đang ngày càng gia tăng, bên cạnh những mặt tính cực về một xã hội thông tin phát triển là sự tồn tại của những mặt trái “chết người”. Chẳng hạn như hiện tượng các đối tượng xấu lợi dụng không gian ảo liên tục đưa nhiều thông tin bịa đặt về Đảng và Nhà nước, tấn công trực diện vào hệ thống chính trị của Việt Nam, gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội là một minh chứng điển hình. Điều đáng lưu tâm là trong khi bọn phản động, các thế lực thù địch điên cuồng sử dụng không gian mạng để chống phá thì không ít người dùng Internet lại khá dễ dãi, không kiểm chứng khi chia sẻ các thông tin xấu, độc khiến chúng được lan truyền trên diện rộng, gây thiệt hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc tài sản của các tổ chức, cá nhân, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Đến khi thông tin giả mạo, cắt xén, được ngụy tạo bằng chứng để vu cáo lan truyền trên không gian mạng, việc ngăn chặn, dập tắt hay trấn an dư luận là không hề đơn giản.
Không thể phủ nhận việc Internet ra đời đã góp phần rất tích cực vào sự phát triển của xã hội hiện đại, tuy nhiên, mặt trái của nó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống xã hội. Ở nước ta hiện nay, một trong những “mặt trái” lớn nhất, chính là những thông tin, hình ảnh giả tạo, sai lệch, biến có thành không, không thành có, thật giả lẫn lộn đang hằng ngày, hằng giờ được phát tán, từ đó lôi kéo, hướng lái dư luận ngả theo quan điểm sai trái, thù địch. Chính vì vậy, cảnh giác, đấu tranh hiệu quả đối với những “mặt trái” nguy hiểm này đã trở thành một yêu cầu cấp bách hiện nay. Thiết nghĩ, mỗi công dân tham gia khi sử dụng mạng Internet cần thận trọng xem xét, kiểm tra những thông tin mà bản thân thấy bất ổn về tính chính xác hay có những dụng ý xấu nhằm xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, mỗi cá nhân cũng phải cẩn trọng đối với phát ngôn và hành vi của mình khi tham gia mạng xã hội, đồng thời có ý thức đấu tranh với những luận điệu sai trái, tiêu cực... Như trên đã nói, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã vạch rõ nguy cơ lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hiện tượng các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị gia tăng hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tấn công chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, lợi dụng các vấn đề nhạy cảm chính trị xã hội, vụ việc phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng để kích động biểu tình, gây bất ổn về an ninh, trật tự trong thời gian qua cần được xem là một vấn đề cần xử lý cấp bách. Đơn giản là vì hậu quả từ những thông tin xấu độc là rất lớn, không chỉ gây phương hại đến chính trị, an ninh quốc gia, mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, gây khó khăn cho công tác đối ngoại, ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Do vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhận thức sâu sắc, nhận diện đúng những hiện tượng này, từ đó chủ động đề ra các giải pháp phù hợp để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những nguy cơ vừa nêu, nhất là trong bối cảnh đất nước đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Bên cạnh đó, cần chủ động vạch trần âm mưu thâm độc và những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, góp phần vào sự ổn định tình hình, làm lành mạnh dư luận xã hội... Để làm tốt những việc này, phải coi việc đấu tranh với các thông tin bịa đặt trên môi trường mạng là nhiệm vụ thường xuyên, mặt khác, thông qua tuyên truyền làm cho mỗi người dân ý thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, lợi dụng môi trường Internet để tránh mắc vào những cái bẫy do kẻ xấu giăng ra, để từ đó không mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác dẫn đến vô tình tiếp tay cho kẻ xấu...
 Chí Hải

1 nhận xét:

  1. Hiện nay trên các trang MXH có rất nhiều thông tin không được kiểm chứng, bịa đặt, xuyên tạc; chúng ta phải đề cao cảnh giác

    Trả lờiXóa