Nêu gương, nói đi đôi với làm vừa là phong cách công tác, vừa là phương
pháp tư duy hữu hiệu của người cán bộ cách mạng. Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã nhận thức sâu sắc một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin
là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Phải phòng chống bệnh giáo điều,
xét lại và chủ nghĩa kinh nghiệm, xem thường lý luận. Người đặc
biệt lưu ý, người cán bộ muốn tập hợp, tuyên truyền cấp dưới, tự mình phải
“miệng nói tay làm, làm gương cho người khác” vì theo Người “các dân tộc phương
Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một
trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Theo Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải làm
gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt. Cần
nêu gương trên ba mối quan hệ với mình, với người, với việc. Đối với mình phải
không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm
điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân; phải tự phê bình
mình như rửa mặt hằng ngày. Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm
tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng. Đối với
việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, đặt việc
công lên trên, lên trước việc tư. Trong các nội dung nêu gương, cán bộ, đảng viên
phải luôn luôn nêu gương về tinh thần phục vụ nhân dân, phải xông xáo, nhiệt
tình, sâu sát nhân dân, gương mẫu và dám chịu trách nhiệm trước dân cả về lời
nói và việc làm.
Hồ Chí Minh đã phê phán một số cán
bộ chỉ biết nói, nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được và yêu cầu
cán bộ, đảng viên nói là phải làm, “nói ít, bắt đầu bằng hành động” (1), “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước” (2).
Muốn vậy phải luôn luôn tự kiểm
điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển
điều hay, sửa đổi khuyết điểm của mình, đồng thời phải hoan nghênh người khác,
phê bình mình, phải chống những bệnh hữu
danh, vô thực, bệnh hình thức. Về phía tổ chức đảng, Người chỉ rõ: “Đảng phải
luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế
nào. Nếu không vậy thì
những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin
cậy của nhân dân đối với Đảng”(3). Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Hồ Chí Minh chủ trương:
“Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong
những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng
con người mới, cuộc sống mới”. Tháng 6-1968, Người chỉ đạo xuất bản sách “Người tốt, việc tốt” để
mọi người học tập, làm theo, lan tỏa cái tốt, cái đẹp trong xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn
nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm. Nói đi đôi với làm không chỉ là một
chuẩn mực trong đạo đức truyền thống mà còn là chuẩn mực đạo đức công vụ tối
thiểu. Địa vị càng cao, uy tín càng lớn, càng phải ra sức hoàn thiện về đạo đức,
thống nhất giữa nói và làm. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu
mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm
để quần chúng noi theo. Việc nói đi đôi với làm mang lại cho quần chúng lòng
tin và sự tôn trọng đối với người cán bộ, do đó, người cán bộ dễ dàng thực thi
quyền lãnh đạo của mình. Muốn rèn luyện được phong cách nói đi đôi với làm,
người cán bộ phải thường xuyên tự kiểm điểm, soi xét chính mình, đồng thời phải
khuyến khích cấp dưới và quần chúng nhận xét, phê bình, góp ý cho mình, nhắc
nhở mình về những điều mình đã hứa. Người cán bộ cũng phải biết tránh căn bệnh
hình thức, bệnh “hữu danh, vô thực”, chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài. Hồ Chí Minh đã nêu kiểu mẫu về sự
gắn kết chặt chẽ, khoa học giữa lý luận và thực tiễn trong suốt quá trình lãnh
đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam; thể hiện một tấm gương sáng về nói đi đôi với
làm và nêu gương cho mọi người học tập, làm theo. Đồng chí Phạm Văn Đồng đánh
giá: “Mọi lời nói, việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể. Nói là
làm, thường là làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng hiện ra
trong hành động”(4).
Bồi dưỡng phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ
Chí Minh cho đội
ngũ cán bộ đoàn ở các học viện, trường sĩ quan có ý nghĩa đặc biệt quan
trọng, nhằm hình thành, rèn luyện, bồi đắp
phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đội ngũ
này, giúp họ hoàn thiện phẩm chất, năng lực, phương pháp tác phong công tác,
đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.Trong thời gian
qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc (Ban Giám hiệu) các học viện, trường
sĩ quan đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo bồi
dưỡng phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh
cho đội
ngũ cán bộ đoàn một cách nghiêm túc, chặt chẽ, sáng tạo. Qua đó góp phần hình thành,
phát triển và hoàn thiện nhân cách, phẩm chất, năng lực
của người cán bộ đoàn; chất lượng công tác đoàn và phong trào thanh niên ở các học
viện, trường sĩ quan từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, quá
trình bồi dưỡng phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh
cho đội
ngũ cán bộ đoàn ở các học viện, trường sĩ quan còn
bộc lộ những hạn chế, bất cập như nhận thức về vấn đề bồi dưỡng và tự bồi
dưỡng của một số cán bộ đoàn chưa sâu sắc; có thời
điểm nội dung bồi dưỡng chưa cụ thể, hình thức, phương pháp bồi dưỡng thiếu
sáng tạo; chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng chưa cao.
Hiện nay, trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, yêu cầu
xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây
dựng các học viện, trường sĩ quan quân đội chính quy, tiên tiến, mẫu mực trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực
triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Quy định số 08-QĐ/TW, ngày
25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách
nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy
viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” đặt ra những
đòi hỏi rất cao về bồi
dưỡng phong cách nêu gương cho đội
ngũ cán bộ đoàn ở các học viện, trường sĩ quan quân đội với những biện pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, nâng caonhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng về bồi
dưỡng phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ đoàn ở
các học viện, trường sĩ quan quân đội. Tập trung giáo dục, quán triệt cho các tổ chức, các lực lượng có nhận thức đầy đủ vị trí,
vai trò của đội ngũ cán
bộ đoàn,
tầm quan trọng của phong cách làm việc Hồ
Chí Minh và bồi
dưỡng phong cách nêu
gương của Chủ tịch Hồ
Chí Minh cho đội ngũ cán bộ đoàn;
đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong tham
gia bồi dưỡng. Để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về
nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng, cần đẩy
mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng tính chủ động, tích cực cho
cả chủ thể và đối tượng bồi dưỡng; thông qua các hình thức sinh hoạt của các tổ chức trong và
ngoài đơn vị; thông qua hội nghị giao ban, sơ, tổng kết công tác đảng, công tác chính trị, công tác đoàn và
phong trào thanh niên; thông qua hoạt động thực tiễn bồi dưỡng để giáo dục,
nâng cao nhận thức trách nhiệm… Đề cao trách nhiệm nêu gương của cấp ủy, chính ủy,
chính trị viên, người chỉ huy trong mọi hoạt động của đơn vị để cán bộ đoàn học
tập, noi theo.
Thứ hai, xác định rõ nội dung, đổi mới hình
thức, biện pháp bồi dưỡng phong cách nêu
gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ đoàn ở các học viện, trường
sĩ quan quân đội. Nội dung bồi dưỡng phải toàn diện cả bồi dưỡng
phẩm chất, năng lực và những nội dung cụ thể về phong cách nêu gương gắn với chức
trách, nhiệm vụ của cán bộ đoàn như: bồi dưỡng, phát huy tinh thần gương mẫu của đội ngũ cán bộ đoàn trong công tác,
học tập và sinh hoạt; nêu gương cả lời nói và việc làm; tiêu biểu về phẩm
chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác; gương mẫu đi đầu trong công việc, sẵn
sàng nhận những việc mới, việc khó, việc phức tạp. Bồi dưỡng phong
cách lời nói đi đôi với việc làm, nói ít làm nhiều; cán bộ đoàn phải “xắn
tay” cùng làm với đoàn viên, thanh niên, chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong công việc
với đoàn viên, cổ vũ khích lệ họ bằng hành động hăng hái của cán
bộ đoàn. Kiên quyết chống căn bệnh “nói suông”, nói nhiều làm ít, nói không
đi đi với làm, nói một đằng làm một nẻo, “chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Đổi mới các
hình thức, biện pháp bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán
bộ đoàn như thông
qua hoạt động giáo dục đào tạo tại các học viện, trường sĩ quan; các đợt
bồi dưỡng, tập huấn; thông
qua sinh hoạt các tổ
chức và các hình thức của công tác tư tưởng; thông qua thực tiễn
hoạt động, công tác; thông
qua việc phát huy vai trò nêu
gương của điển hình tiên tiến…
Thứ ba, nêu cao tính tích cực, tự giác của
đội ngũ cán bộ đoàn
ở các học viện, trường sĩ quan quân đội trong tự bồi dưỡng phong cách nêu gương
của Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Mỗi cán bộ
đoàn phải có nhận thức đúng đắn về vị trí ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tự
bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh, xây dựng động cơ, ý chí quyết tâm,
khắc phục khó khăn trong quá trình tự bồi dưỡng, rèn luyện. Quá trình này đòi
hỏi mỗi cán bộ đoàn phải thực sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ; tích cực chủ động tự
rèn luyện, tự bồi dưỡng thông qua các hoạt động. Mỗi cán bộ đoàn và cả đội ngũ
phải có kế hoạch tự học tập, tự bồi dưỡng, rèn luyện phong cách nêu gương của
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong từng giai đoạn. Kế hoạch đó phải xác định rõ mục
tiêu, nội dung, thời gian, biện pháp tổ chức thực hiện; đồng thời phải tự giác
thực hiện tốt kế hoạch đã xác định. Quá trình xây dựng kế hoạch, cần trao đổi
với đồng chí, đồng nghiệp để hoàn thiện và báo cáo cấp ủy, cán bộ chủ trì thông
qua để định hướng, quản lý, kiểm tra, giám sát.
Thứ tư, phát huy vai trò môi trường văn hóa sư phạm trong bồi dưỡng phong cách nêu
gương cho đội ngũ cán bộ đoàn ở các học viện, trường sĩ quan quân đội. Trên cơ sở chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, các học viện, trường sĩ quan cần duy trì
nghiêm túc nền nếp thông báo chính trị, thời sự, Ngày chính trị và văn hóa tinh thần, Ngày pháp luật ở các cấp; bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn đọc, nghe, nhìn cho bộ đội; xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp. Hoàn thiện các thiết chế văn hóa, nhất là nhà văn
hóa, phòng truyền thống, phòng Hồ Chí Minh, thư viện… Tăng cường sáng tác nhiều
tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng, đáp ứng tốt đời sống văn hóa, tinh
thần của bộ đội. Xây dựng và nhân rộng các mô hình tiêu biểu góp phần xây
dựng môi trường văn hóa sư phạm như: “Dạy tốt, học tốt”; “Tự học, tự quản, tự
rèn”, “Đẹp người, đẹp doanh trại, đẹp tình quân dân”, “Tuần học kiểu mẫu”, “Giờ
học thanh niên”, “Câu lạc bộ Tiếng Anh”, “Câu lạc bộ văn học nghệ thuật”, “Ngôi
nhà 100 đồng”, “Chi đoàn không khói thuốc lá”… Xây dựng quan hệ lành mạnh, gắn kết, yêu thương, trách nhiệm giữa cán bộ với học viên, giữa thầy và trò, giữa bộ đội với nhân dân trên địa bàn đóng quân. Trên cơ sở đó, đội ngũ cán bộ đoàn
không ngừng trưởng thành, tiến bộ, trở thành những tấm gương tiêu biểu, mẫu mực
cho đoàn viên, thanh niên noi theo./.
Khúc Văn
Đội ngũ cán bộ trong các học viện là những người truyền lại kiến thức cho các cán bộ sau này; vì vậy cần phải được bồi dưỡng thường xuyên phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trả lờiXóa