Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG



                                                            DuyDung.com
Hiện nay, hơn bao giờ hết, sau gần 35 năm đổi mới, trên đường tiến tới Đại hội XIII của Đảng, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận đang đối mặt với rất nhiều thử thách. Chúng ta hiểu rằng, có những ý kiến phản biện, đóng góp tâm huyết hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp cho việc hoạch định đường lối và tổ chức thực tiễn từ nhiều người, nhiều phía cả trong và ngoài nước, chúng ta trân trọng ghi nhận và tiếp thu. Nhưng, nếu đem ý kiến phản biện dù đầy thiện chí xây dựng đó tán phát khắp nơi, thậm chí loan tải trên mạng In-tơ-nét để cho người khác lợi dụng, công kích, chống phá,... thì lại đưa câu chuyện ấy sang một hướng khác, dù thấm đẫm sự mong đợi về nhiệt huyết hay thiện tâm nào đó.
Những luận điệu xuyên tạc công cuộc đổi mới, sự công kích Đảng, Nhà nước và đất nước ta từ nhiều phía, với nhiều thủ đoạn, ở nhiều mức độ và nhiều tính chất, cả bên trong lẫn bên ngoài, rất phức tạp. Theo đó, xuất hiện đủ loại thái độ và phương cách hành xử gây nên tình trạng trắng đen lẫn lộn, thật giả hỗn mang, rất khó nhận diện, rất nguy hiểm và vô cùng tinh vi.
Chúng ta càng không mơ hồ, ảo tưởng, tự ru ngủ mình về “sự thống nhất trong đa dạng” một cách cực đoan nào đó, như họ cổ xúy, rồi rơi vào sự chiết trung theo kiểu “vỗ vai cùng chung sống giữa các tư tưởng, các trào lưu” hay “đã nguội tắt dần cuộc đấu tranh ý thức hệ” giữa các hệ tư tưởng, các thể chế, quốc gia, dân tộc, biểu hiện tập trung giữa các tư tưởng gia ở những chế độ khác nhau... Chúng ta cũng càng không buông tay, thúc thủ, an bài, hoặc bi quan, yếu thế nào đó, rồi rơi vào “vũng lầy” của sự hoang mang, vô định, như những ai đó mong đợi hiện nay. Chúng ta hiểu rằng, bản chất của những sự thật về những hình thái vận động và đấu tranh tư tưởng, lý luận đó đang trở thành phổ biến một cách hết sức phức tạp có thể bị lừa phỉnh hoặc bị che lấp bởi những trào lưu mới mà những kẻ thù tư tưởng của chúng ta chưa bao giờ buông bỏ sự chống phá thâm hiểm, thậm chí kháng cự quyết liệt.
Cuộc đấu tranh về tư tưởng, lý luận chính trị của chúng ta hiện nay đang đối mặt, thậm chí bị chi phối, bị cản trở và phải đối diện với tối thiểu chính những điều đó. Đó là những trở lực chết người trên con đường kiến tạo nền tư tưởng thống nhất, lý luận kiên định, độc lập và sáng tạo bảo đảm dẫn dắt công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, dưới ngọn cờ của Đảng và hiện nay, cuộc đấu tranh này hiện diện trên vũ đài lịch sử nước ta nói chung, trên địa hạt tư tưởng, lý luận chính trị nói riêng, khiến chúng ta không thể thể lảng tránh, chối bỏ, hay thúc thủ, bàng quan, càng không dung thứ bất cứ một sự ngụy tạo nào..., nếu muốn tiếp tục bảo vệ, phát triển độc lập, sáng tạo nền tảng tư tưởng, lý luận chính trị của Đảng, đủ sức dẫn dắt và phát triển đất nước trên con đường xã hội chủ nghĩa.
Mơ hồ hay buông lỏng cuộc đấu tranh này, chúng ta sẽ thất bại. Bản chất của những kẻ chống phá chúng ta không bao giờ thay đổi. Và vì thế, cần thiết phải nói thêm rằng, hiện giờ, cuộc đấu tranh này càng nóng bỏng, mang ý nghĩa không khoan nhượng, thậm chí sinh tử hơn bao giờ hết.
Vấn đề tư tưởng phải được giải quyết bắt đầu từ tư tưởng, trước khi bằng con đường tổ chức, pháp luật. Nhưng, không thể chỉ giải quyết triệt để những vấn đề tư tưởng, lý luận bằng chính vấn đề tư tưởng, lý luận một cách thuần túy. Thực tiễn cho thấy, không thể để tình trạng những người bàn về tư tưởng nhưng hành động phi tư tưởng, thậm chí trái tư tưởng, xỉ nhục tư tưởng. Kinh nghiệm đã và đang chỉ ra rằng, từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước chuyển ngắn, thậm chí rất ngắn, tới mức khôn lường, trở thành kẻ đối lập với nhân dân, với dân tộc, phản bội lại Đảng, phản bội thể chế. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, trong cuộc đấu tranh này, phải tự mình trở thành một nhà tư tưởng một cách ngang tầm và trong sạch. 
Tự mình phải làm công tác tư tưởng cho chính mình, và phải tự mình trong sạch để trở nên đúng đắn, tự trọng và ngang tầm theo các quy định về nêu gương: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012, của Ban Bí thư khóa XI, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” và Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Chúng ta có hàng triệu “nhà tư tưởng” là đảng viên. Đó là hành động mang tính tư tưởng nhất. Chúng ta không ảo tưởng về điều đó, nếu đảng viên thực sự là đảng viên, lãnh đạo thực sự ngang tầm trọng trách lịch sử. Chỗ nào vắng cán bộ, đảng viên, chỗ đó trận địa tư tưởng bị bỏ trống. Vì thế, việc tổng rà soát, sàng lọc nhằm làm trong sạch đội ngũ đảng viên là trọng sự rất cấp bách, không thể trì hoãn.
Con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà chúng ta đi, không gì lay chuyển được. Công tác tư tưởng, lý luận tiếp tục gánh vác sứ mệnh lịch sử cầm nhịp thống nhất toàn dân tộc, “soi đường cho quốc dân đi” trên con đường ấy.
Dù cho kẻ thù của chúng ta câu kết với những phần tử từ bên trong, điên cuồng công kích, phá hoại, Đảng ta đứng vững trên nền móng tư tưởng chính trị và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thâu hóa và góp phần phát triển tinh hoa tư tưởng, lý luận của nhân loại, với sự ủng hộ và bảo vệ của nhân dân, công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ dưới ngọn cờ của Đảng, dân tộc ta nhất định vượt qua mọi trở lực, như 90 năm qua, tiếp tục tiến lên, nhịp bước cùng thời đại.


1 nhận xét:

  1. Dù các thế lực thù địch có điên cuồng chống phá Việt Nam như thế nào đi chăng nữa thì Việt Nam vẫn vững bước trên con đường phát triển một cách mạnh mẽ

    Trả lờiXóa