Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

BÀI HỌC RÚT RA TỪ SỰ SỤP ĐỔ CỦA LIÊN XÔ VÀ CÁC NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở ĐÔNG ÂU


Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ "bất ngờ”, “nhanh chóng” của Liên Xô. Các nguyên nhân đó hiện diện trong tất cả các lĩnh vực: nhận thức lý luận, lịch sử, kinh tế, cơ chế quản lý, công tác tổ chức cán bộ, nội bộ đảng, mối quan hệ giữa các nước cộng hoà, giữa Liên Xô với các nước XHCN, giữa hai phe XHCN và TBCN…
Nhiều nguyên nhân xuất phát từ yếu tố chủ quan, từ những hạn chế không nhỏ trong nội bộ Liên Xô ở nhiều lĩnh vực, dẫn tới sự tan vỡ của quốc gia vĩ đại này. Nếu không có những yếu kém trong nội bộ sẽ không tích tụ những điều kiện vật chất, tư tưởng, tâm lý để làm bùng lên sự kiện ở tầm vóc thay đổi cả cục diện thế giới trong thời gian ngắn đến không ngờ.
Tuy nhiên, sẽ là không đầy đủ nếu không xem xét thấu đáo những tác động từ bên ngoài, từ các thế lực thù địch phản động với chiến lược “diễn biến hòa bình”, cụ thể là từ những cuộc chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin, đến các hoạt động tác động đến tư tưởng người dân Liên Xô được triển khai một cách có tính toán bài bản, tinh vi, có lộ trình cụ thể… hướng tới mục tiêu nhất quán là: xóa bỏ Liên Xô - xóa bỏ một cực trong trật tự hai cực của thế giới.
Qua một số tài liệu đã được giải mật, có thể thấy, mục tiêu xóa bỏ Liên Xô được thực hiện một cách bền bỉ, dai dẳng, khéo léo theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, gieo rắc thái độ nghi ngờ, bối rối, thiếu tin tưởng đối với chế độ mới trong giới lãnh đạo, trong dân chúng Liên Xô và ở các nước XHCN, cũng như các đảng cộng sản ngoài Liên Xô. Những rạn nứt, những yếu tố có khả năng gây nên sự chia rẽ trong xã hội được khéo léo lợi dụng, khoét sâu. Để đạt mục tiêu này, phương Tây đã xây dựng nên cả một ngành khoa học có tên là “Kremli học” để nghiên cứu những đặc điểm cá nhân và những khả năng tiềm ẩn của “những thành tố chủ chốt” ở Liên Xô.
Sự liên kết giữa các “yếu tố bên ngoài” với các "yếu tố bên trong" giữ một vai trò đặc biệt trong sự sụp đổ của Liên Xô. Trong chuỗi các hoạt động của “dây chuyền” xóa bỏ Liên Xô đó, mỗi một nhân vật, một tổ chức tham gia một công đoạn nên không thể biết được toàn bộ “dây chuyền” đó, nguồn gốc cũng như mục tiêu cuối cùng. Điều này làm cho ngay cả người can dự và người quan sát cũng khó có thể nhận thấy có một “quá trình” nào đó đang diễn ra. Vì thế sau khi các kế hoạch được thực hiện và những kết quả có được từ việc thực hiện các kế hoạch đó được họ cho rằng là tự nhiên chứ không phải là kết quả một sự tác động, một kế hoạch có chủ ý nào.
Kết quả là, dần dần TẤT CẢ CÁC KHÁI NIỆM ĐỀU BỊ ĐÁNH TRÁO, từ nền tảng tư tưởng, chính trị, đến văn hoá, lịch sử, giáo dục, ... cho đến cả lối sống. Sự "MỀM HOÁ CHẾ ĐỘ” bắt đầu diễn ra từ từ, có vẻ "tự nhiên" và dường như rất “khách quan”!?. Các lĩnh vực văn hóa, văn học, du lịch, truyền hình, phim ảnh bị tấn công một cách có chủ đích. Dần dần các “thông tin tác động” chiếm những điểm then chốt trong “không gian thông tin”, làm thay đổi nhận thức, thiết lập phạm vi điều khiển… Thăm dò dư luận, định hướng, bẻ hướng thông tin, dần khiến cho một bộ phân dân chúng thờ ơ, cho rằng mọi diễn biến trong xã hội chỉ xuất phát từ yếu tố địa lý, kinh tế, nhu cầu tiêu dùng… Cuối cùng, như thực tế đã diễn ra, Liên Xô đã không chống trả được sự thâm nhập đó. Liên Xô tan rã, còn nước Nga - nước kế thừa Liên Xô lâm vào khủng hoảng toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, niềm tin, khiến vị thế quốc tế mà Liên Xô đã từng giành được trên bản đồ chính trị - kinh tế thế giới đã bị đánh mất. Nước Nga rơi tự do xuống đáy của "tình trạng khốn khổ", xã hội rối loạn, bất ổn gia tăng, an ninh không bảo đảm, kinh tế trì trệ, nợ lương kéo dài; thậm chí đói rách đã trở thành một thực tế đối với nhân dân Nga...
Không khó để có thể nhận thấy, nguy cơ đó, diễn biến nhằm "tiến tới" hiện trạng đó cũng đang hiển hiện ở Việt Nam, cả âm thầm cho đến công khai.
Vì sự ổn định, trường tồn của chế độ tốt đẹp, vì chính tương lai của mỗi người chúng ta và nhân dân lao động Việt Nam - hãy cảnh giác! Và quan tâm cùng thực hiện tốt những nội dung sau:
Một là, phải thường xuyên chăm lo xây dựng đảng để giữ vững vai trò cầm quyền của Đảng, bộ máy chính quyền trong sạch vững mạnh và gắn bó với nhân dân. Xây dựng đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm chắc quần chúng và động viên được sức mạnh của nhân dân.
Hai là, vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định là xây dựng và thực hiện tốt chiến lược công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ chủ chốt các cấp và xây dựng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận, kế tiếp ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt không được phép để lọt các thành phần thoái hoá biến chất, mơ hồ, thiếu bản lĩnh lọt vào đội ngũ, bởi những kẻ đó sớm muộn sẽ phản bội!
Ba là, xây dựng nền kinh tế ổn định và phát triển vững chắc, giữ được độc lập tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế. Sự ổn định và phát triển vững chắc của nền kinh tế là nền tảng vật chất bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Nếu kinh tế lâm vào khủng hoảng, đất nước dễ lâm vào mất ổn định chính trị, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lôi kéo, kích động nhân dân chống lại Đảng và chính quyền, làm chuyển hóa chế độ xã hội theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.
Bốn là, tăng cường công tác chính trị tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, nhân dân; phòng, chống có hiệu quả chiến lược “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Công tác tư tưởng, lý luận phải trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu trong điều kiện Đảng cầm quyền, trước hết phải quan tâm thường xuyên đến công tác giáo dục lý luận chính trị cho các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là những người nắm vững bản chất các nguyên lý cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì mới trở thành những người tiên phong.
Năm là, Đảng cầm quyền phải nắm chắc lực lượng vũ trang, đặc biệt chăm lo xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân thực sự trung thành, tin cậy về chính trị, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, làm nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Việc nắm chắc và chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là quân đội nhân dân và công an nhân dân vững mạnh, thực sự trung thành và tin cậy về chính trị là một nguyên tắc chiến lược của đảng cầm quyền, liên quan trực tiếp đến sự sống còn của quốc gia dân tộc và chế độ.
Văn Huy

1 nhận xét:

  1. Từ sự sụp đổ của Liên Xô, chúng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm và vận dụng thành công ở Việt Nam

    Trả lờiXóa