Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

MẤY SUY NGHĨ VỀ BỆNH THÀNH TÍCH TRONG GIÁO DỤC


St: Đức Anh   

Thành tích là là những kết quả tốt mà từng cá nhân hay tập thể đã đạt được sau những nỗ lực phấn đấu hết mình. Thành tích như là một thước đo cho trình độ của con người trên mọi lĩnh vực, tuy nhiên, vì nó là cái thước đo nên đã gây ra một mặt trái vô cùng nguy hiểm. Đó là bệnh thành tích - một "thành tích giả" được ngụy thành "thành tích thật". Thật đáng buồn thay, bệnh thành tích gần như đang diễn ra ở hầu hết các trường học. Nhiều học sinh có năng lực học không tốt nhưng vẫn đủ điều kiện để qua môn do nhà trường, giáo viên đã suy xét nhẹ tay cho qua. Hay có nhiều học sinh để đạt được thành tích mà mình mong muốn đã không ngại mà quay cóp, chép phao... trong các kì thi. Một khi những biểu hiện trên chưa được triệt để xóa bỏ thì nó còn lây lan ra nhiều những tiêu cực khác không chỉ trong mỗi ngành giáo dục.

Vậy nguyên nhân là từ đâu? Thành tích là một kết quả mà ai cũng mong muốn, một thành tích tốt giúp nâng giá trị của một con người cao hơn, được nhiều người ngưỡng mộ, tôn trọng. Ngoài những con người đạt được thành tích bằng chính khả năng của mình, chăm chỉ học tập nỗ lực phấn đấu, một số bộ phận khác đã "giành" lấy thành tích bằng sự nhờ vả, thiếu trung thực, bằng sự đánh giá không chính xác. Học sinh muốn đạt được kết quả cao nhưng lại lười học, phụ huynh đặt áp lực quá nhiều vào con cái, những điều đó đã dẫn đến "căn bệnh thành tích". Một phần không thể phủ nhận, đó là do lỗi của nhà trường, các cán bộ giáo viên. Để đạt được những chỉ tiêu đề ra, giáo viên sẵn sàng nâng điểm cho học sinh. Nhà trường cũng bao che cho việc đó để giữ danh tiếng cũng như chất lượng giảng dạy của nhà trường.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã diễn ra một chấn động lớn cho dư luận trong ngành giáo dục, đó là việc chạy điểm cho học sinh. Những học sinh học không tốt, làm bài được kết quả kém, có những bài chỉ được 0 điểm mà đã được nâng lên 9 điểm hoặc hơn thế nữa. Các bậc phụ huynh đã không ngần ngại mà "mua điểm" cho con để đạt được thành tích cao, các cán bộ kiểm soát điểm cũng "sẵn sàng" nâng điểm, tiếp tay cho việc đó để kiếm lợi nhuận cho bản thân. Nhưng rồi khi vụ việc được phanh phui, ai là người chịu hậu quả?
Hậu quả mà bệnh thành tích mang lại là vô cùng nghiêm trọng. Nó đã không đánh giá được đúng năng lực của học sinh, cũng như chất lượng của nhà trường. Những học sinh được nhận bằng tốt, điểm tốt, lại cho rằng là mình đã giỏi mà ngó lơ việc học. Nó sẽ ảnh hưởng tới tương lai sau này của nhiều học sinh. Như vụ việc kể trên, ngoài những con người làm sai phải chịu trách nhiệm, nhưng người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là các bạn học sinh đã bị nâng điểm, nhiều học sinh sau khi bị "phanh phui" được công khai, họ dễ bị mặc cảm, tự ti với thế giới bên ngoài bởi người mắc lỗi trong vụ việc này không hẳn là các bạn đó mà là các bậc phụ huynh học sinh.
"Bệnh thành tích" là một căn bệnh vô cùng nghiêm trọng, nó sẽ như là con sâu đục lỗ, phá hoại xã hội loài người. Vì vậy, thế hệ trẻ chúng ta, đặc biệt khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường hãy nói không với căn bệnh thành tích. Hãy học tập thật tốt, không ngừng trau dồi bản thân, đạt được thành tích bằng chính năng lực, thực lực của bản thân, từ đó bạn sẽ có một nền tảng tốt cho tương lai sau này!


3 nhận xét:

  1. Thành tích như là một thước đo cho trình độ của con người trên mọi lĩnh vực, tuy nhiên, vì nó là cái thước đo nên đã gây ra một mặt trái vô cùng nguy hiểm; nhất là thành tích trong lĩnh vực giáo dục.

    Trả lờiXóa
  2. Thật buồn thay, bệnh thành tích gần như đang diễn ra ở hầu hết các trường học; nhiều học sinh có năng lực học không tốt nhưng vẫn đủ điều kiện để qua môn do nhà trường, giáo viên đã suy xét nhẹ tay. Vì vậy chúng ta phải chống bệnh thành tích.

    Trả lờiXóa
  3. Bệnh thành tích là một căn bệnh vô cùng nghiêm trọng, nó sẽ như là con sâu đục lỗ, phá hoại xã hội loài người. Vì vậy, thế hệ trẻ chúng ta, nhất là học sinh hãy nói không với căn bệnh thành tích.

    Trả lờiXóa