Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

LỢI DỤNG DỊCH BỆNH, TUNG TIN GÂY NHIỄU ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC


Đại dịch COVID-19 đang gây mối họa lớn trên toàn cầu. Các quốc gia đang bằng mọi cách phòng chống, ngăn ngừa. Thế nhưng, lợi dụng sự nguy hiểm và diễn tiến phức tạp của dịch bệnh, ở Việt Nam, nhiều đối tượng đã phao tin, bịa đặt nhằm gây hoang mang trong dân chúng, từ đó hướng lái chống phá Đảng, Nhà nước
Lợi dụng sự quan tâm của dư luận về một vấn đề, sự kiện xảy ra trong nước hoặc thế giới để châm ngòi, tạo ra “bão” chỉ trích, từ chỉ trích cá nhân, tập thể đến hướng lái nguyền rủa, miệt thị chế độ, đó là thủ đoạn khá cũ của những đối tượng thường tự nhận “quan điểm khác”.
Trước diễn tiến hết sức nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, những người này đã tham gia ngay từ đầu, lợi dụng hoàn cảnh để tạo và lan truyền thông tin ở mọi khía cạnh, gây hoảng loạn trong dân chúng.
Một là : Khai thác triệt để tính năng của mạng xã hội như bình luận, chia sẻ hay livestream trên các tài khoản cá nhân hoặc trên các hội nhóm. Họ đưa ra những bài viết, video clip với tiêu đề giật gân, gây sốc, liên quan đến những người, số lượng người nhiễm bệnh hoặc tử vong tại các địa phương. Các đối tượng này thậm chí còn phát tán những thông tin “hướng dẫn điều trị, chữa trị bệnh tại nhà”, tẩy chay, không tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh. Tạo ra những thông tin thất thiệt, đánh vào tâm lý lo lắng của người dân.
Khi con số bệnh nhân dừng ở mức 16, trên mạng internet xuất hiện nhiều bài viết, bình luận đặt nghi ngờ “liệu con số có xác thực”... Đặt so sánh với số người nhiễm và tử vong rất lớn ở Trung Quốc, họ cho rằng Việt Nam có chung đường biên giới với nước bạn rất dài, từ đó ám chỉ chính quyền che giấu thông tin, bưng bít về số người bị nhiễm và tử vong(?) Một số ca tử vong chưa rõ nguyên nhân, sau khi cơ quan y tế công bố âm tính với COVID-19 thì họ tìm cách chọc ngoáy, cho rằng đó là ca bệnh tử vong vì dịch COVID-19 nhưng “bị bưng bít”!
Nhiều người còn giả tạo ra những tin úp mở kiểu như “nghe nguồn tin cậy của người trong ngành Y tế” hay “xem được báo cáo mật”, từ đó gây hoang tin. Kiểu tạo ra lý do rò rỉ thông tin hay “nguồn riêng” như vậy dễ đánh vào tâm lý tò mò, hóng tin của người dân, khi tung lên Facebook, các diễn đàn mạng thì ngay lập tức nhận được chia sẻ của hàng loạt cá nhân. Tốc độ lan truyền rất nhanh và qua mỗi người lại được thêm thắt hoặc cắt xén, tạo ra sự hỗn độn khó kiểm soát.
Cũng với chiêu tung tin hư thực lẫn lộn này, có đối tượng còn tự bịa tin của người trong cuộc, của cơ quan chức trách để “cảnh báo” người dân song thực chất là nhằm gây lo lắng, hoảng sợ trong công chúng.
Hai là: Tạo áp lực, đưa ra các yêu sách. Bằng cách lập ra các cuộc thăm dò ý kiến trên mạng (poll), các đối tượng tạo ra những luồng thông tin nhằm gây áp lực với chính quyền trong nhiều khía cạnh khác nhau như yêu cầu “đóng cửa biên giới với Trung Quốc”, yêu cầu những doanh nghiệp, các công ty, khu công nghiệp có yếu tố người nước ngoài thuộc các quốc gia có nhiều người nhiễm bệnh như Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc phải đóng cửa.
Chính những điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác sản xuất, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân trong nước. Thậm chí, có đối tượng còn vin cớ dịch bệnh đòi phải thả những phạm nhân bị phạt tù về các tội xâm phạm an ninh quốc gia (số chống đối ngụy biện dưới tên gọi tù nhân lương tâm).
Ba là: Lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước, hướng lái việc cá nhân thành vấn đề của xã hội, của chế độ. Cùng với việc những cá nhân tung tin thất thiệt ở trong nước thì số phản động lưu vong như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, VOICE... và các đối tượng chống đối tăng cường tạo, phát tán thông tin có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN.
Các đối tượng và tổ chức này sẵn sàng chi hàng nghìn USD để thực hiện các quảng cáo chính trị trên Facebook nhằm tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Khi yêu cầu đóng cửa biên giới Việt - Trung không được đáp ứng, chúng quay sang phê phán, nói rằng việc không đóng cửa biên giới là bằng chứng cho thấy “sự lệ thuộc” của Việt Nam. Từ đó, chúng viết bài bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trong mấy ngày qua, khi các ca bệnh dương tính với COVID-19 gia tăng, nhất là liên quan một số cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo trở về từ nước ngoài trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam, các thế lực xấu đã lợi dụng để công kích, chống phá chế độ. Bằng việc liệt kê khai báo y tế của cá nhân người bệnh sau khi trở về từ chuyến bay nói trên, dư luận chỉ trích lối sống xa hoa, lãng phí, tiêu tiền ngân sách, đồng thời gây hệ lụy đến xã hội.
Tóm lại: có thể thấy, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là: Thiết lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook... để tán phát, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, kích động về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết đã góp nhặt, chia sẻ những thông tin sai sự thật, thậm chí là thông tin của các trang mạng phản động trên trang Facebook cá nhân, vô tình tiếp tay cho việc lan truyền thông tin sai sự thật trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp đăng tin nhằm câu view, câu like, tăng sự tương tác, thể hiện cái tôi của mình và phục vụ mục đích bán hàng online... Thông qua chính sách mua quảng cáo trên nền tảng công nghệ Facebook, nhiều tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài đã chi kinh phí để chạy quảng cáo các nội dung xuyên tạc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, cố tình đưa tin sai sự thật nhằm công kích Chính phủ Việt Nam yếu kém trong xử lý dịch bệnh, miệt thị cán bộ, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN.
                                                                                             KhanhNgoc

1 nhận xét:

  1. Tất cả những kẻ tung tin bịa đặt về dịch bệnh, gây hoang mang dư luận phải bị xử lý nghiêm khắc

    Trả lờiXóa