MỘT CHÍNH PHỦ VÌ DÂN TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID – 19
Hoa Dung
Với sự vào cuộc
quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân ta, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch viêm đường hô
hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra (dịch Covid-19) đã đạt
được những kết quả quan trọng bước đầu. Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện
quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch với
tinh thần “chống dịch như chống giặc”, điều trị phục hồi cho 128 người nhiễm
dịch, kịp thời khống chế các nguồn nghi nhiễm dịch, được nhân dân cả nước và
cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Cùng với sự quyết liệt trong công tác phòng,
chống và kiểm soát dịch Covid-19, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách quan
trọng để hỗ trợ những đối tượng bị tác động bởi Covid-19, thể hiện bản chất ưu
việt, “vì dân” của Nhà nước.
Thời gian qua, kể từ khi dịch
Covid-19 xuất hiện, Việt Nam tổ chức thực hiện cách ly theo Luật Phòng, chống
bệnh truyền nhiễm (2007). Với hình thức cách ly tại các bệnh viện dã
chiến, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các chính sách xã hội đối với người bị
cách ly theo Thông tư 32/2012/TT-BTC của Bộ tài chính quy định như: Cấp miễn
phí nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát
khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu
khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt; Cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả
năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế; Miễn chi phí di chuyển từ nhà, từ cơ sở,
địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế
hoặc từ cơ sở cách ly y tế này đến cơ sở cách ly y tế khác… Điều đặc biệt là,
theo Thông tư 32/2012/TT-BTC thì “chi phí tiền ăn do người bị áp dụng
biện pháp cách ly y tế tự chi trả; Trường hợp người bị cách ly y tế là người
thuộc hộ nghèo được hỗ trợ tiền ăn 40.000 đồng/ngày” song cho tới nay,
hầu hết các địa phương đều chi trả chi phí tiền ăn đối với các trường hợp bị
cách ly y tế. Đây là một nỗ lực rất lớn của Nhà nước trong việc ngăn ngừa dịch
bệnh cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho những người bị cách ly y tế.
Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp
tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, bùng phát tại nhiều quốc
gia, khu vực trên thế giới và tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu
cũng như của Việt Nam. Ngày 31/3/2020 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị
số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19:
Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4
năm 2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình,
thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh
cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an
toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Yêu cầu
mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như
mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản
xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt
động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối
thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở,
trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng…
Dịch Covid-19 đã và đang
tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Các hoạt động xuất, nhập
khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách, nhiều lĩnh vực dịch vụ như y
tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch bị ảnh hưởng rõ rệt.
Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bước đầu bị ảnh hưởng, có nơi thiếu hụt lao
động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, gây đình trệ
hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ
và vừa, doanh nghiệp trên địa bàn có dịch phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh…
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để
tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, nỗ lực
cao nhất thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Nổi bật
là Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về các nhiệm vụ, giải pháp cấp
bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó
với dịch Covid-19”, theo đó, Chính Phủ sẽ ban
hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh
hưởng bởi dịch Covid-19 trong tháng 3/2019; yêu cầu Bộ Tài chính trình
Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối
tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan
rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà
nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó
khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19;
Chính phủ cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt
Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng
đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến
hết tháng 6 hoặc tháng 12 năm 2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm
quyền và quy định của pháp luật. Nhằm tập trung xử lý
vướng mắc về lao động, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tập trung
xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các
vấn đề về tình hình lao động, việc làm trong các doanh nghiệp; có phương án hỗ
trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc
làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Sự vào cuộc quyết liệt của
Chính phủ trong công tác phòng, chống, kiểm
soát dịch Covid-19; những thông tin rõ ràng, cung cấp hàng ngày về tình
hình dịch bệnh đến từng người dân trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế; đi liền với đó là những chính sách nhằm đảm bảo phát
triển ổn định kinh tế - xã hội, an sinh, chăm lo sức khỏe cho người dân là
minh chứng của chế độ xã hội ưu việt. Để góp phần nỗ lực cùng Chính phủ trong
phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, mỗi chúng
ta không được chủ quan, cần thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế trong sinh
hoạt, học tập, công tác tại cơ quan, đơn vị; nâng cao nhận thức về phòng, chống
dịch; đấu tranh với mọi hành vi lợi dụng dịch để đưa thông tin sai sự thật, làm
ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của cơ quan chức năng cũng như trong
phạm vi Nhà trường hiện nay./.
Không có nước nào quan tâm đến tính mạng của người dân như Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam
Trả lờiXóa