Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC TUYÊN TRUYỀN NHẰM TĂNG CƯỜNG MINH BẠCH HÓA THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN TẠO SỰ THỐNG NHẤT TRONG ĐẢNG VÀ SỰ ĐỒNG THUẬN TRONG XÃ HỘI



Văn Tám
          Để đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền nhằm tăng cường minh bạch hóa thông tin tuyên truyền tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội cần tập trung một số vấn đề cơ bản sau:

 Một là, coi trọng tính khoa học, nâng cao “sức đề kháng thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.  
Phương pháp của công tác tuyên truyền là việc sử dụng các biện pháp, các cách thức tác động vào con người, là việc sử dụng các yếu tố mang tính khách quan, tác động vào yếu tố chủ quan. Yếu tố khách quan đó của công tác tuyên truyền càng bao hàm nhiều tố chất khoa học, hợp lý thì tính thuyết phục càng cao, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ngày càng dễ tiếp nhận và tự giác thực hiện. Trong công tác tuyên truyền, không nên dựa vào hay đưa ra những thông tin, những vấn đề phiến diện, một chiều, tuyệt đối hóa và công thức hoá. Phiến diện hoặc tuyệt đối hoá sẽ dẫn tới tước bỏ tính khoa học của công tác tuyên truyền và tính phong phú của thực tiễn, làm cho công tác tuyên truyền bị ngưng đọng và dẫn đến sự chậm trễ, sai lệch trong việc chỉ đạo và tổ chức hoạt động thực tiễn.
Tạo dựng “Sức đề kháng” thông tin cho cán bộ, đảng viên và người dân. “Sức đề kháng” đó cần được dựa trên cơ sở nâng cao tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng, trong đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái và thù địch... Thực tế cho thấy, do thiếu thông tin cho nên khi có những sự kiện lớn đột ngột diễn ra, một số cán bộ, đảng viên lúng túng, tỏ ra dao động, thậm chí có biểu hiện giảm sút lòng tin đối với Đảng và chế độ. Tuy nhiên, nếu “miễn dịch” với những thông tin về sự suy thoái, biến chất, tham nhũng trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo thì không thể mặc nhiên để cho điều đó lây lan và phát triển, bởi nó sẽ dẫn đến tình trạng vô trách nhiệm, thái độ bàng quang của đảng viên trước sự suy thoái, biến chất của một bộ phận đảng viên.
Hai là, đổi mới nội dung, cách thức triển khai công tác tuyên truyền.
Công tác tuyên truyền cần được tiến hành mạnh hơn ở các thành phố lớn, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đường lối, chính sách cho nhân dân, đặc biệt là những chính sách liên quan đến lợi ích trực tiếp của người dân, truyền thông về tình hình thực hiện chính sách trong thực tế.
Cần phân nhóm đối tượng để có nội dung (thông điệp), hình thức, kênh tuyên truyền phù hợp với yêu cầu và điều kiện của nhóm. Cụ thể, có thể phân nhóm theo các tiêu thức: theo lợi ích (được hưởng lợi, không được hưởng lợi và bị thiệt thời); theo vị thế xã hội (nhóm cán bộ và người dân); theo vùng/địa lý (nhóm nông thôn và thành thị).
Phương thức tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ vận dụng, phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền trong cả nước.
Phương tiện tuyên truyền chủ yếu là phát thanh, truyền hình, tranh ảnh, tổ chức nghe nói chuyện, kể chuyện, biểu diễn văn nghệ, lễ hội... Ngoài ra, cần kết hợp chặt chẽ việc tuyên truyền, giáo dục chính trị - tư tưởng với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, với các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xóa đói, giảm nghèo và các hoạt động từ thiện.
Đối với mỗi vấn đề tuyên truyền, cổ động, cần có lộ trình, quy trình, mục đích, bước đi cụ thể, dưới các hình thức khác nhau để việc tuyên truyền được thực hiện một cách tự nhiên, không hình thức, không gượng ép, chú ý nghệ thuật, nâng cao hiệu quả. Kết hợp đa dạng, nhiều hình thức, nhiều kỹ năng và áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới, tạo ra sự đồng thuận cao nhất trong xã hội.
Đổi mới cách thức tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, không phô trương, hình thức, lãng phí, phù hợp với điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và cơ chế quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí, xuất bản.
Trong tình hình mới, đòi hỏi các cơ quan báo chí, xuất bản phải tích cực học tập và tham khảo những kinh nghiệm trong quá trình đổi mối kinh tế, đồng thời, huy động được tính chủ động và tính sáng tạo của những người làm công tác này trên mặt trận tư tưởng, lý luận.
Thực tế cho thấy, sức mạnh của thông tin tuyên truyền có hai mặt và sự tác động của nó là khó lường. Chẳng hạn, việc đưa thông tin về chống tham nhũng là vô cùng cần thiết nhưng nếu không nhận diện sáng suốt sẽ dẫn đến thái độ bi quan, thất vọng của người dân, của cán bộ, đảng viên về những quan chức, lãnh đạo tham nhũng, dẫn đến tình trạng giảm sút lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào bản chất của chế độ. Công tác tuyên truyền phải luôn tạo môi trường dân chủ thật sự trong sinh hoạt đảng và các hoạt động khác. Đặc biệt, thông tin hai chiều có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố niềm tin cũng như nhận diện những biến đổi tư tưởng và các thang giá trị trong đời sổng xã hội.
Bốn là, đổi mới phương thức, nâng cao tính chủ động trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ đảng viên.
Các thế lực thù địch đã và đang ráo riết thực hiện “diễn biến hoà bình”, tung ra các quan điểm sai trái, thù địch không phải là hoạt động tự phát, tuỳ hứng, mà là một tổng thể các hoạt động được tiến hành một cách có tổ chức, có sự chỉ đạo hệ thống theo từng đợt, từng giai đoạn, trên từng nội dung, từng lĩnh vực cụ thể. Để chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, cần có sự chỉ đạo chung thống nhất, nhằm tiến hành đấu tranh một cách có tổ chức, chặt chẽ, tích cực, chủ động. Không có sự chỉ đạo chung thống nhất thì không thể tạo nên sự thống nhất trong hành động đấu tranh, do đó, không tạo nên được sức mạnh cần thiết để có thể phê phán, bác bỏ, làm thất bại các quan điểm sai trái, thù địch. Đảng và Nhà nước cần thống nhất quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược lâu dài và thể hiện rõ tính tích cực, chủ động, mức độ, hình thức và biện pháp đấu tranh đối vối các quan điểm sai trái, thù địch trong từng giai đoạn cụ thể. Từ đó, làm cơ sở cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành xác định yêu cầu, biện pháp, hình thức đấu tranh cụ thể trên từng nội dung, từng vấn đề, đối với từng đối tượng cụ thể, trong từng giai đoạn. Sự chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước không chỉ thuần tuý mang tính chất chỉ đạo, mà còn là sự thể hiện thái độ của Đảng và Nhà nước ta đối với các quan điểm sai trái, thù địch, làm cơ sở, chỗ dựa vững chắc cho các lực lượng tuyên truyền, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận.


1 nhận xét:

  1. Đây là giải pháp rất quan trọng để đưa những thông tin đến với mọi người dân và đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch

    Trả lờiXóa