Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020

CẢNH GIÁC ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG VỤ VIỆC ĐỒNG TÂM ĐỂ KÍCH ĐỘNG, CHỐNG PHÁ



Vụ việc khiếu kiện đất đai tại Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) diễn ra trong nhiều năm qua, đã được các cơ quan chức năng tích cực đối thoại, giải quyết. Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động đã xuyên tạc, kích động người dân chống đối, là một trong những nguyên nhân khiến vụ việc diễn biến ngày càng phức tạp, các đối tượng được thể cố tình chống phá, gây rối trật tự công cộng, sử dụng vũ khí, chống người thi hành công vụ và giết người.
Trong quá trình giải quyết, ổn định trật tự, 3 chiến sĩ CAND đã hy sinh, để lại niềm thương xót, cảm phục trong lòng nhân dân; đồng thời dư luận lên án, đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm minh những kẻ phạm pháp, gây tội ác. Việc tranh chấp, khiếu kiện đất đai tại xã Đồng Tâm theo hồ sơ được thông tin: Năm 1980, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn các xã Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (Chương Mỹ) và Đồng Tâm (Mỹ Đức).

Tháng 10-2014, Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân cho Lữ đoàn 28 (đất quốc phòng) với các mốc giới không thay đổi. Bộ Quốc phòng đã thu hồi 50,03 ha đất do Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý giao cho Viettel tiếp nhận quản lý, sử dụng vào công trình quốc phòng A1 (trong đó gồm 46 ha đất thuộc xã Đồng Tâm). Trên một phần diện tích đất này, do có sự buông lỏng của chính quyền địa phương nên đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng, xây dựng trên đất quốc phòng.
Từ tháng 2-2017, khi Viettel tổ chức triển khai thi công dự án, một số công dân khiếu kiện và gây mất trật tự. Cuối tháng 2-2017, công dân khiếu kiện đã vận động người dân trên địa bàn tổ chức ngăn cản, nhổ biển báo “khu vực quân sự”, đưa máy móc nông nghiệp vào cày bừa, canh tác tại khu vực Đồng Sênh... Nhiều hoạt động vi phạm cũng được thực hiện, như: dựng trái phép một túp lều, đổ đá mạt làm đường, cắm cờ dọc đường, căng băng rôn với nội dung “đất từ đây trở xuống là đất nông nghiệp xã Đồng Tâm”; sử dụng loa phóng thanh tuyên truyền nhiều nội dung trái phép, kích động, tụ tập đông người, kéo lên trụ sở UBND xã, huyện để phản ứng; cắt loa phóng thanh xã; buộc con em nghỉ học...
Ngày 15-4-2017, Công an TP Hà Nội đã bắt 4 người gây rối trật tự công cộng tại xã Đồng Tâm nhưng ngay sau đó, một số người tại đây đã bao vây, không cho xe của các lực lượng ra khỏi xã Đồng Tâm; đồng thời đập phá 9 phương tiện và bắt giữ trái phép 38 cán bộ thuộc huyện Mỹ Đức và cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hà Nội. Sau khi đối thoại, những người bị bắt giữ trái phép mới được thả. Từ đó đến nay, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và các bộ ngành Trung ương đã nỗ lực để thanh tra, giải quyết các khiếu kiện cũng như thuyết phục vận động người dân chấp hành chủ trương, quy định pháp luật. Từ ngày 31-12-2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhân dân, nhiều hộ gia đình tạo điều kiện tốt cho bộ đội hoàn thành công việc.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, sự việc Đồng Tâm như “mảnh đất màu mỡ” được các phần tử cơ hội, chống đối, các tổ chức chống phá đội lốt “xã hội dân sự” triệt để lợi dụng, khai thác, bịa đặt, tung tin giả mạo, thất thiệt, xuyên tạc chủ trương, chính sánh của Nhà nước, kích động người dân chống đối, lôi kéo, bơm tiềm dưới danh nghĩa “ủng hộ quỹ Đồng Thuận”.
Chúng hứa hẹn với các đối tượng chống đối sẽ được tổ chức quốc tế bảo lãnh, tài trợ. Sư åcan thiệp này khiến một số đối tượng, hám lợi, chống phá chính quyền với tính chất ngày càng côn đồ, manh động. Đỉnh điểm là việc các đối tượng dưới sự chủ mưu của ông Lê Đình Kình đã hành động tàn nhẫn, dùng vũ khí, bom xăng, khiến 3 chiến sĩ Công an hy sinh.
Sau vụ việc này, những thông tin nhiễu loạn, thất thiệt, giả mạo tràn ngập trên nhiều phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Nhiều người lấy cớ vu cáo Nhà nước, chính quyền “cướp” đất của dân, Công an “đàn áp” người dân Đồng Tâm; kích động “phải giữ đất dù phải hy sinh”, hô hào người dân trong nước, nước ngoài đồng hành cùng “dân oan Đồng Tâm mất đất”… Thủ đoạn của các đối tượng tập trung vào những vấn đề sau đây:
Một là, tung tin, vu cáo Nhà nước “cướp” đất của nhân dân. Chúng ta đều biết, đất đai là tài nguyên quốc gia, tư liệu sản xuất chủ yếu thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, giao quyền sử dụng cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Đất đai được Nhà nước giao cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng là một trong những hướng ưu tiên để thực hiện nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên này.
Diện tích đất sân bay Miếu Môn đã được Nhà nước giao cho quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng là hoàn toàn cụ thể, rõ ràng, nhất quán, được thực hiện từ lâu. Cùng với thời gian đã dài và một số yếu kém, buông lỏng trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, cán bộ liên quan, một số cá nhân, hộ gia đình đã tự ý lấn chiếm, sử dụng.
Khi thực hiện chủ trương thu hồi, chúng cố tình xuyên tạc để nhiều người hiểu sai, thậm chí cố tình “lập lờ đánh lận con đen” cho rằng diện tích đó thuộc quyền sử dụng của mình và từ đó có nhiều hành vi sai trái, gây rối, chống đối kéo dài. Mục đích của chúng là vu cáo Nhà nước, chính quyền, tạo ra nhận thức sai lệch, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào nhà nước, chính quyền nhân dân, kích động tâm lý ức chế, xung đột, chống đối trong một số đối tượng này.
Hai là, kích động phần tử chống đối với chính quyền, cơ quan chức năng nhà nước. Lợi dụng sự việc này, chúng xuyên tạc, kích động những đối tượng chống đối với luận điệu như: phải “đấu tranh đến cùng”, “thà hy sinh cũng phải chống lại quân cướp đất”, “chống lại lợi ích nhóm, tham nhũng”… Mục đích của chúng là đẩy người dân đối đầu với chính quyền, xóa nhòa bản chất Nhà nước “của dân, do dân, vì dân”, phá hoại mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân, hòng tạo ra nhận thức, chia rẽ, kích động tư tưởng đối đầu.
Ba là, xuyên tạc, vu khống hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Công an, vu cáo, bịa đặt Công an “đàn áp”, “tấn công” nhân dân. Thủ đoạn của chúng là lập lờ, đánh đồng khái niệm giữa nhân dân với đối tượng chống đối, giết người, gây rối an ninh, trật tự, vu khống Công an, lực lượng chức năng “đàn áp”, “khủng bố”, sử dụng vũ khí để “tấn công nhân dân”. Thực tế, trong sự việc vừa qua, các đối tượng đã rất mưu mô, thâm độc, chuẩn bị kỹ lưỡng vũ khí, phương tiện nhằm giết người thi hành công vụ với tính chất hết sức tàn độc, man rợ (những vũ khí cực kỳ nguy hiểm như bom xăng, lựu đạn, dao phóng, xây hầm chông…).
Công an từ nhân dân mà ra, dựa vào nhân dân để công tác, chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ. Tư tưởng, bản chất, mục đích, phương châm hành động ấy luôn luôn được khắc cốt, ghi tâm trong từng cán bộ, chiến sỹ. Làm sao có thể đánh lận giữa những kẻ gây tội ác, giết hại Công an với khái niệm nhân dân Đồng Tâm?
Bốn là, quốc tế hóa thông tin sự việc Đồng Tâm, cố tình tạo ra nhận thức sai trái về sự việc Đồng Tâm, từ đó kêu gọi các tổ chức, cá nhân lên tiếng, can thiệp. Để kích động cho số đối tượng quyết liệt chống đối nêu trên, các phần tử xấu đã hậu thuẫn, hứa hẹn sẽ được quốc tế bảo trợ, bảo lãnh, hỗ trợ tài chính từ bên ngoài để tổ chức, hoạt động. Nhiều đối tượng lợi dụng trực tiếp livetream, cắt, ghép, đưa những hình ảnh sai sự thật để gây hiểu nhầm, từ đó kêu gọi, kiến nghị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng, can thiệp.
Năm là, xuyên tạc, làm phức tạp thêm tình hình, làm giảm hình ảnh, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Lợi dụng sự việc Đồng Tâm để gây hoang mang tâm lý, bất ổn xã hội, lựa vào thời điểm Việt Nam bước vào năm 2020 đảm nhận luân phiên Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch AIPA 41, trước thềm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng… Chúng triệt để lợi dụng, khai thác những vấn đề như Đồng Tâm, khai thác, xuyên tạc những tồn tại, bất cập trong đời sống xã hội để kích động người dân chống đối, lấy đó làm ngòi nổ, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Mục đích cuối cùng là làm suy giảm niềm tin trong nhân dân, gây bất ổn, tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng, thể chế chính trị Việt Nam. Âm mưu, thủ đoạn này người dân cần nhận diện, đấu tranh, cũng như góp phần để hiểu đúng vấn đề, bản chất sự việc.
       NQ


1 nhận xét:

  1. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng.

    Trả lờiXóa