Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

NÊU GƯƠNG VÀ SOI GƯƠNG CỦA CÁN BỘ ĐẢNG VIÊN


Trong hơn 90 năm xây dựng, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là những năm gần đây, Trung ương Đảng và toàn Đảng đặc biệt coi trọng việc thực hành nêu gương.

Lãnh đạo bằng sự nêu gương là phương thức lãnh đạo của Đảng; thực hành nêu gương trở thành bổn phận, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Văn hóa nêu gương cũng kết nên một nội dung quan trọng trong văn hóa Đảng. Thế nhưng, thời gian qua, có một nội dung, giải pháp quan trọng mà nhiều cấp ủy, tổ chức, đơn vị chưa thật sự quan tâm để tạo hiệu ứng tích cực cho việc nêu gương ở các cấp: Ấy là còn bỏ ngỏ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hành học theo sự nêu gương tốt của cán bộ, đảng viên trong quần chúng nhân dân.
Thực tế cho thấy, ở nhiều nơi, việc triển khai nêu gương chủ yếu xuôi chiều, đặt ra yêu cầu rất cao trong thực hành làm gương, chứ chưa coi trọng tạo dựng những phong trào, chương trình “soi gương”, làm theo nội dung nêu gương tốt. Đơn cử như, chúng ta bắt buộc cán bộ, đảng viên phải có cam kết nêu gương, nhưng chưa bắt buộc cấp dưới và quần chúng cam kết học tập, làm theo gương sáng của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị.
Dĩ nhiên, sự nêu gương thực chất tự nó tạo ra sức mạnh cảm hóa, lôi cuốn quần chúng làm theo. Song, nếu bỏ mặc quần chúng tự cảm nhận và tự phát làm theo thì tất yếu sẽ thiếu tính đồng bộ, khoa học, khó tạo nên phong trào hành động cách mạng rộng khắp, thiết thực. Còn nhớ, trong nhiều giai đoạn lịch sử, Trung ương Đảng và từng ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương luôn coi trọng việc phát động học tập, làm theo những con người cụ thể trên từng lĩnh vực: Đánh giặc, tăng gia sản xuất, nghiên cứu khoa học... Chính điều đó đã tạo nên những điển hình của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tạo ra các phong trào thi đua ái quốc mạnh mẽ, sâu rộng.
Ở thời điểm hiện tại, trong hệ thống chính trị có không ít cán bộ, đảng viên là những tấm gương trong sáng, tiêu biểu, xứng danh công bộc của dân, có năng lực và phẩm chất xuất chúng, hội đủ tố chất tạo sức mạnh nêu gương. Thế nhưng, do tác động của nhiều yếu tố, nhất là phẩm chất khiêm tốn vốn dĩ của cán bộ, đảng viên, nên họ không muốn được ngợi ca, tung hô, ngại xuất hiện trên báo chí truyền thông, hoặc nhường phần khen thưởng và sự tôn vinh, ghi nhận cho cấp dưới, quần chúng. Xét về một phương diện nào đó, đây là biểu hiện không có lợi cho bầu không khí tâm lý cộng đồng và ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến việc khơi gợi, thúc đẩy phong trào yêu nước, cao trào cách mạng. Do đó rất cần sự thay đổi về tư duy; cần lắm sự mở lòng, chia sẻ kinh nghiệm cống hiến của đội ngũ cán bộ, đảng viên-những người cáng đáng sứ mệnh nêu gương với cấp dưới và quần chúng qua nhiều kênh, phương thức khác nhau.
Cùng với đó, các cấp ủy, chỉ huy nên có kế hoạch chi tiết triển khai việc học tập, làm theo các điển hình cụ thể trong từng cơ quan, đơn vị nói riêng, trong hệ thống chính trị nói chung. Việc học tập theo nội dung nêu gương của cấp trên phải được tiến hành theo lộ trình: Có phát động, xác định mục tiêu, nội dung, tiến độ, bắt buộc cam kết thực hiện, đồng thời tiến hành kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm một cách bài bản. Đặc biệt, từng cấp ủy, đơn vị phải cân bằng được hệ thống chủ trương, giải pháp giữa lãnh đạo tiến hành nêu gương với chỉ đạo, khuyến khích phong trào học tập, làm theo những tấm gương giỏi nêu gương và nêu gương tốt. Có như vậy thì việc nêu gương mới được vận hành tròn khâu, phong trào nêu gương mới không bị rơi vào cảnh “đầu voi, đuôi chuột” hoặc “trên nóng, dưới lạnh”, “trên phát, dưới không động”.
Mặc khác, phải đặt ra yêu cầu rất cao đối với người đứng đầu trong lựa chọn nội dung nêu gương. Đó không chỉ là việc tập trung khắc phục hạn chế, giải quyết khâu khó, việc yếu, phấn đấu hoàn thiện bản thân mà phải chọn nội dung làm trước, làm mẫu giúp quần chúng soi vào đó mà làm theo, vì sự tiến bộ chung của tập thể. Từng cán bộ, đảng viên, quần chúng, ngoài trách nhiệm giám sát kết quả nêu gương của cán bộ, phải tự đặt ra mục tiêu phấn đấu học theo nội dung nêu gương của cấp trên; đồng thời phải giám sát quá trình tự nêu gương, tự học tập, làm theo của bản thân để không ngừng tiến bộ, trưởng thành.
                                                               Vì dân

1 nhận xét:

  1. Cán bộ, đảng viên phải là tấm gương sáng để quần chúng noi theo

    Trả lờiXóa