Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

NAM BỘ KHÁNG CHIẾN - SÁNG NGỜI MỐC SON “THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC”


NAM BỘ KHÁNG CHIẾN - SÁNG NGỜI MỐC SON
“THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC”
Đăng Đỏ
Sau khi giành được độc lập, chính quyền cách mạng VN non trẻ phải cùng lúc đối mặt với hàng chục phe phái chống phá ở trong nước và hơn 300.000 quân nước ngoài chiếm đóng từ Bắc tới Nam cùng với sự rắp tâm xâm lược VN lần nữa của Pháp.

Khi nước Pháp bị Đức quốc xã chiếm đóng và phát xít Nhật tràn vào Đông Dương (ĐD), chính phủ lâm thời do tướng De Gaulle đứng đầu phải lưu vong ở châu Phi, nhưng vẫn không từ bỏ tham vọng tái chiếm ĐD. Nghe tin Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, De Gaulle đã chỉ thị cho Cao ủy Pháp tại ĐD là đô đốc Thierry d’ Argenlieu thực hiện sứ mệnh “Lập lại chủ quyền của Pháp trên các lãnh thổ của Liên bang ĐD”. Để tái chiếm ĐD, Pháp phải cần đến sự giúp đỡ của Mỹ, còn Mỹ cho rằng “Một chính phủ ở ĐD bị Việt Minh thống trị có thể có hại cho quyền lợi của Mỹ” và chủ trương “Loại trừ càng xa càng tốt ảnh hưởng của cộng sản ở ĐD”. Mặt khác, Mỹ muốn lôi kéo Pháp về phe mình để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô và phe XHCN ở châu Âu. Chính vì vậy, Tổng thống Mỹ đã chấp nhận “Trong mọi trường hợp, đối với ĐD, chính phủ của tôi không chống lại việc chính quyền và quân đội Pháp quay trở lại xứ ấy” và cho Pháp vay dài hạn 650 triệu đôla, ngoài ra còn viện trợ vũ khí và cho tàu chở quân Pháp sang ĐD.
Trong khi đó, Anh - một nước có nhiều thuộc địa ở châu Á cũng chủ trương “giữ nguyên trạng”, thuộc địa của đế quốc nào trả lại đế quốc đó. Ngày 24/8/1945, Anh ký với Pháp hiệp ước công nhận chủ quyền của Pháp ở ĐD. Ngày 6/9, Anh đưa quân vào Sài Gòn theo quy định của Hội nghị Potsdam để giải giới và hồi hương quân Nhật. Tuy nhiên, ngày 11/9, tướng Anh là Gracey đến Sài Gòn đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm giúp Pháp tái chiếm Nam bộ như: yêu cầu phía ta giải tán các đội tự vệ; ngăn cấm người dân tham gia các hoạt động ủng hộ chính quyền cách mạng... Anh còn trang bị vũ khí cho trên 1.400 lính Pháp bị quân Nhật bắt giữ trước đó.
Nhận thấy dã tâm của Pháp và sự câu kết của Anh - Mỹ, Xứ ủy và UBND Nam bộ một mặt đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhằm tỏ rõ thiện chí hòa bình để tranh thủ thời gian củng cố về mọi mặt, vừa tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Ủy ban Kháng chiến (UBKC) Nam bộ và UBKC Sài Sòn được thành lập và hoạt động bí mật, quyết định dùng chiến thuật “trong đánh ngoài vây”, bên trong có nhiệm vụ tiêu hao, tiêu diệt, phá hủy các cơ sở, phương tiện vật chất của địch. Đơn vị ngoại thành chia nhau trấn giữ vị trí các cầu, bao vây cô lập địch trong nội thành, không cho chúng ra ngoại thành và các tỉnh lân cận. Đồng thời di tản người già, trẻ em về nông thôn, các cơ quan bí mật chuyển hồ sơ, máy móc ra ngoại thành. Chiều 22/9/1945, lợi dụng lệnh giới nghiêm, quân Pháp đã nổ súng vào trụ sở UBND Nam bộ, bưu điện, đài phát thanh.... Các đơn vị vũ trang ở Nam bộ đã anh dũng đánh trả quân xâm lược. Giữa lúc tiếng súng đang nổ ran tại nhiều nơi trong thành phố, sáng ngày 23/9, Xứ uỷ, UBND và UBKC Nam bộ triệu tập cuộc họp tại nhà 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, Q5, TP. HCM), ra Lời kêu gọi: “Từ giây phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giăc Pháp và tay sai của chúng”. UBND Nam bộ cũng kêu gọi “Toàn dân hãy đoàn kết bảo vệ quốc gia”.
Giữ vững lời thề “Độc lập hay là chết”, Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ 2 chỉ sau 28 ngày đêm chuẩn bị. Ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử, mở đầu cho 9 năm kháng chiến chống Pháp và 20 năm chống Mỹ, xứng đáng với danh hiệu “THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng.
          74 năm sau ngày Nam Bộ kháng chiến, 33 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, khẳng định đường lối mà Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là hoàn toàn đúng đắn. Đó là kết quả của quá trình tìm tòi, sáng tạo và thể nghiệm sự trăn trở, đấu tranh gian khổ giữa cái cũ và cái mới. Đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thử thách, ngày càng lớn mạnh và đang vững bước đi lên, đời sống nhân dân có nhiều thay đổi tích cực, sức mạnh quốc gia về mọi mặt được tăng cường, độc lập, tự chủ và chế độ XHCN được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
          Tuy nhiên, nước ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ không thể xem thường; tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại; biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH, tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn nghiêm trọng.
Hơn 2/3 thế kỷ đi qua, tinh thần bất khuất của Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử. Đó sẽ là động lực to lớn cổ vũ toàn dân tộc đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên CNXH./.

1 nhận xét: