Phòng,
chống quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung quan trọng của nhiệm vụ bảo
vệ Tổ quốc, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong đó, thanh niên Quân đội vừa là đối tượng chịu tác động, vừa là lực lượng
xung kích đi đầu trong hoạt động này.
Nhóm chống
phá về tư tưởng chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam,
tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, các thế lực thù địch luôn
“đầu tư” mạnh cho hoạt động tuyên truyền, cổ súy những nhận thức, quan điểm
trái ngược với lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động
Việt Nam. Chúng đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm đối lập với nền tảng tư tưởng
của Đảng, xuyên tạc tình hình mọi mặt của đất nước (nhất là vấn đề dân tộc, tôn
giáo, dân chủ, nhân quyền) nhằm gieo rắc sự hoài nghi, bi quan, chán nản, dẫn
đến mất phương hướng chính trị, giảm sút lòng tin vào Đảng, vào chế độ của cán
bộ, đảng viên và nhân dân, tạo nguy cơ “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong
nội bộ. Dựa vào sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, chúng triệt để
lợi dụng không gian mạng, “tấn công” mạnh hơn, nhanh hơn, sâu hơn tới mọi tầng
lớp nhân dân; trong đó, mục tiêu chiến lược của chúng hướng vào chuyển hóa tư
tưởng của thế hệ làm chủ đất nước trong tương lai, đó là thanh niên. Hiểu rõ
đặc điểm của thanh niên là nhanh nhạy trong tiếp cận công nghệ thông tin và các
phương tiện kỹ thuật, luôn thích khám phá cái mới, sử dụng ngôn ngữ linh hoạt,
song kiến thức, trình độ nhận thức và trải nghiệm thực tiễn, vốn sống còn ít,
các thế lực thù địch đã triệt để khai thác yếu tố này, đưa nhiều nội dung thật
- giả lẫn lộn trên không gian mạng, làm nhiễu loạn thông tin, khiến thanh niên
khó phân biệt được đúng sai, phải trái. Điều đó đã tác động không nhỏ đến nhận
thức, tư tưởng, tình cảm của thanh niên nói chung, thanh niên Quân đội nói
riêng.
Thanh niên
Quân đội là lực lượng đông đảo, hoạt động trong lĩnh vực đặc thù và là bộ phận
quan trọng trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Thông qua truyền bá quan điểm
sai trái, các thế lực thù địch hòng làm giảm sút ý chí quyết tâm, bản lĩnh
chính trị, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và ý thức tu dưỡng, rèn luyện, đạo đức,
lối sống của thanh niên Quân đội. Đó là một trong những cách thức để các thế
lực thù địch thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội.
Nhận thức
rõ những tác động đó, thời gian qua, quán triệt và thực hiện chỉ thị, nghị
quyết của Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, cấp
ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị và tổ chức Đoàn các
cấp trong toàn quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên làm tốt công
tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, nâng cao sức đề kháng và nhận
thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong tham gia đấu tranh với luận
điệu sai trái, thù địch. Cán bộ, sĩ quan trẻ, đoàn viên thanh niên đã phát huy
vai trò xung kích, sáng tạo, tích cực, chủ động viết hàng nghìn tin, bài, bình
luận, chia sẻ thông tin và sử dụng các hình thức, biện pháp khác để đấu tranh
phản bác quan điểm sai trái, thù địch, góp phần định hướng dư luận, giữ vững
trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.
Trong giai
đoạn tới, việc “tung ra” các luận điệu sai trái, xuyên tạc sẽ vẫn là phương
thức chủ yếu được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị sử dụng
nhằm chống phá nước ta với mức độ tinh vi hơn, phức tạp hơn và ngày càng quyết
liệt hơn. Vì vậy, nâng cao khả năng tự miễn dịch; đồng thời, phát huy vai trò
nòng cốt trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch của thanh niên Quân
đội vừa là yêu cầu khách quan, vừa là yếu tố căn cốt để tôi luyện bản lĩnh,
phẩm chất, năng lực của thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, góp phần
xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Để đạt được điều đó, cần thực hiện
tốt một số nội dung sau:
Một
là, bảo đảm cho thanh niên đủ sức
“miễn dịch” và có môi trường thuận lợi để đấu tranh phòng, chống quan điểm sai
trái, thù địch. Đây là yếu tố nền tảng để thanh niên Quân đội có thể đứng
vững và phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch. Theo đó, các cơ
quan, đơn vị, nhất là các học viện, nhà trường Quân đội cần tiếp tục nâng cao
chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng
Cộng sản Việt Nam, v.v. Cấp ủy, chỉ huy và tổ chức Đoàn các cấp cần chú trọng
kết hợp giữa bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị với trách nhiệm và năng
lực, trình độ, kỹ năng đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận cho thanh
niên, thường xuyên giáo dục, quán triệt để thanh niên nhận thức rõ âm mưu, thủ
đoạn của kẻ thù; phân biệt được những trang thông tin xấu độc trên mạng. Qua
đó, củng cố, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ
xã hội chủ nghĩa; giá trị truyền thống dân tộc, truyền thống Quân đội, lý tưởng
chiến đấu cho thanh niên. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên
Quân đội đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch; quan tâm lãnh
đạo, chỉ đạo, tập hợp thanh niên, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đấu tranh
nghiêm túc, chặt chẽ, theo phương châm: thanh
niên ở đâu thì tổ chức Đoàn phải ở đó, luôn đồng hành, tương tác và là chỗ dựa
vững chắc cho thanh niên. Các cơ quan, đơn vị cần xây dựng và hoàn thiện
cơ chế, chính sách, đầu tư phương tiện kỹ thuật cho hoạt động đấu tranh; duy
trì chặt chẽ, nghiêm túc, hiệu quả các hoạt động thông tin, tuyên truyền (thông
báo chính trị - thời sự; đọc báo, nghe đài, xem thời sự, v.v.). Cùng với đó,
cần có cơ chế cung cấp, sử dụng thông tin đảm bảo nhanh, nhạy, kịp thời, nhất
là trước các vấn đề nhạy cảm, sự kiện nóng để thanh niên hiểu, nhận thức đúng
bản chất sự việc, không mơ hồ, dao động, làm cơ sở vững chắc để đấu tranh, phản
bác hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch.
Hai
là, phát huy vai trò xung kích, đi đầu
của thanh niên Quân đội trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch.
Thanh niên Quân đội là đối tượng “ưu tiên” của các thế lực thù địch nhằm chuyển
hóa tư tưởng, nhận thức và hành động. Vì vậy, họ phải là lực lượng xung kích,
đi đầu trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa những
thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, nhất là sự chống phá trên lĩnh vực
quốc phòng, an ninh. Để làm được điều này, thanh niên Quân đội cần phát huy sự
nhanh nhạy, nhiệt huyết, sức trẻ và khả năng nắm bắt công nghệ, kết nối rộng;
tích cực, chủ động nhận diện và thực hiện các biện pháp đấu tranh, tạo thành
làn sóng mạnh mẽ, lấn át và nhấn chìm những thông tin xuyên tạc, kích động,
không cho chúng lan truyền và tiếp cận tới nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay,
cần đặc biệt quan tâm đấu tranh, loại bỏ ngay từ đầu những thông tin xuyên tạc
các sự kiện lớn của đất nước, các hoạt động tôn giáo,... nhằm lôi kéo, kích
động tụ tập đông người, gây mất trật tự, an ninh xã hội và bất ổn về chính trị
của các thế lực thù địch.
Để đấu
tranh có hiệu quả, cần sử dụng linh hoạt hình thức, biện pháp. Đối với quan
điểm thù địch, phải đấu tranh, phê phán mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không mơ
hồ, không thỏa hiệp. Với cán bộ, đảng viên có ý kiến trái chiều, cần đấu tranh,
làm rõ đúng sai, phê phán các quan điểm sai trái; không phê phán, xúc phạm, đả
kích cá nhân để họ giác ngộ ra vấn đề, không “đẩy” họ về phía bên kia. Hiện
nay, các quan điểm sai trái, thù địch được lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội.
Vì vậy, thanh niên Quân đội cần tập trung đấu tranh bằng những bài viết, bình
luận có tính khoa học, chứng cứ rõ ràng, lập luận sắc bén; qua đó, chỉ rõ đúng
- sai, thật - giả; tránh kiểu đấu tranh thiếu văn hóa, không có tính thuyết
phục. Đồng thời, tích cực gửi thông tin phản hồi để nhà cung cấp dịch vụ mạng
gỡ bỏ, ngăn chặn kịp thời, tránh phát tán rộng rãi những nội dung xuyên tạc
trên mạng xã hội.
Ba
là, tích cực tuyên truyền đường lối,
chính sách của Đảng, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
“Cái xấu sẽ hoành hành nếu người tốt không lên tiếng”. Vì vậy, thanh niên Quân
đội phải biết “gạn đục, khơi trong”, lên tiếng bảo vệ cho cái tốt, để cái tốt
được lan tỏa. Trong lực lượng thanh niên, ở góc độ nào đó, thanh niên Quân đội
sẽ có “uy tín” hơn, bởi được giáo dục, rèn luyện trong môi trường quân sự -
“trường học lớn”, nên những thông tin mà thanh niên Quân đội chia sẻ sẽ có “sức
nặng” hơn. Phát huy lợi thế đó, họ cần chủ động, tích cực tuyên truyền cho gia
đình, người thân, bạn bè và cộng đồng về đường lối, chủ trương của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước; những cái tốt, cái thiện, thành tựu của đất nước,
truyền thống tốt đẹp của của dân tộc, Quân đội, v.v. Không chỉ đợi đến khi “có
tình huống” mới “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, mà việc tuyên truyền cần phải được
tiến hành thường xuyên, liên tục, làm cho cái đẹp lan tỏa, củng cố niềm tin
vững chắc cho nhân dân; để khi cái xấu xuất hiện sẽ bị cái đẹp lấn át, loại bỏ.
Đó cũng là cách đấu tranh chủ động, từ sớm, từ xa với những quan điểm sai trái,
thù địch. Việc tuyên truyền cần được thực hiện chủ yếu thông qua việc chia sẻ
các bài viết, hình ảnh, video trên internet, mạng xã hội. Thực tế cho thấy, với
tác động của hiệu ứng “đám đông”, nhiều người dù chưa nắm chắc vấn đề, mới chỉ “thấy
trên mạng” đã vội quy kết, chụp mũ,... và mặc dù biết sai, nhưng họ vẫn ngại
bày tỏ thái độ, ngại chia sẻ thông tin, ngại tranh luận, vì... “đối phương” quá
đông. Do vậy, trong giao tiếp, thanh niên Quân đội cần mạnh dạn bày tỏ thái độ,
giải thích, tuyên truyền để mọi người nhận rõ cái đúng.
Bốn
là, thanh niên Quân đội cần tích cực
tu dưỡng, rèn luyện, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội.
Đây là biện pháp ngăn ngừa từ xa đối với các hoạt động lợi dụng để chống phá
Quân đội của các thế lực thù địch. Mỗi thanh niên Quân đội cần nhận thức rõ:
mọi hành động sai trái của mình (dù cố tình hay vô ý) đều có thể trở thành
“ngòi nổ”, tạo cớ để các đối tượng xấu triệt để lợi dụng nhằm xuyên tạc, bôi
nhọ, làm ảnh hưởng tới bản chất, truyền thống của Quân đội, hình ảnh cao đẹp
của “Bộ đội Cụ Hồ”, gây chia rẽ và làm giảm lòng tin của nhân dân với Quân đội.
Do vậy, thanh niên Quân đội cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, chấp hành
nghiêm kỷ luật, nhất là kỷ luật quan hệ quân dân, kỷ luật phát ngôn, lễ tiết
tác phong; luôn nêu cao cảnh giác, có ý thức phòng gian, bảo mật, không để lộ,
lọt thông tin khi sử dụng internet; không chia sẻ vị trí, chụp ảnh, đăng các
thông tin, hoạt động của cá nhân và đơn vị lên mạng xã hội, v.v. Cùng với đó,
phải không ngừng tự học tập để trau dồi kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh chính trị;
biết nhận diện, đề phòng và tránh xa những cám dỗ vật chất, văn hóa xấu độc;
tăng sức đề kháng trước sự tấn công của kẻ thù, từ những mặt trái của quá trình
hội nhập, quá trình tham gia mạng xã hội toàn cầu, v.v. Trong mọi trường hợp,
thanh niên Quân đội phải luôn giữ vững và nêu cao phẩm chất, hình ảnh “Bộ đội
Cụ Hồ”, đó chính là biểu tượng và là sức mạnh to lớn để đập tan mọi âm mưu,
hành động xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Đấu tranh
phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch là cuộc chiến hết sức khó khăn, phức
tạp, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó, thanh niên
Quân đội là một trong những lực lượng quan trọng. Phát huy những kết quả đã đạt
được, thanh niên Quân đội cần tiếp tục xung kích, đi đầu trên mặt trận này, góp
phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội, bảo vệ Đảng, Nhà nước,
nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa và lợi ích của quốc gia - dân tộc.
Chúng ta phải nhận biết và đấu tranh mạnh mẽ chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của bọn phản động và các thế lực thù địch
Trả lờiXóa