Sau 10 năm tiến hành công cuộc
Đổi mới, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996), Đảng đã quyết định
đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội
công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện thắng lợi
mục tiêu này, phát huy đến mức cao nhất nguồn lực con người được coi
là nhân tố quyết định, trong đó giáo dục – đào tạo là đòn bẩy quan
trọng nhất.
Tuy nhiên,
như nhận định trong Kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành
Trung ương khóa XI thì đến nay, giáo dục và đào tạo nước ta vẫn chưa thực sự
là quốc sách hàng đầu để làm động lực quan trọng nhất cho phát triển. Nhiều
hạn chế, yếu kém của giáo dục và đào tạo đã được nêu từ Nghị quyết Trung ương 2
khóa VIII vẫn chưa được khắc phục cơ bản, có mặt nặng nề hơn. Chính vì vậy
mà đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang trở thành một yêu cầu
khách quan và cấp bách của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta trong giai đoạn hiện nay[1].
Những hiện tượng liên quan đến hạn chế và yếu kém nặng nề trên đây được
phản ánh ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng,
tạo nên những bức xúc có chiều hướng ngày càng tăng trong công luận.
Chính vì vậy, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo thành
công còn có ý nghĩa củng cố lòng tin vào Đảng và tương lai của dân
tộc. Nó là đòi hỏi tất yếu trong sự phát triển khách quan của nền giáo dục nói
chung chứ không phải xuất phát từ lợi ích của bất cứ một cá nhân, tổ chức hay
tầng lớp riêng lẻ nào.
Đúng là
nền giáo dục của chúng ta đang bất cập trước những yêu cầu mới của
sự nghiệp cách mạng và sẽ có nhiều vấn đề phải giải quyết trong
quá trình thực hiện đề án đổi mới giáo dục và đào tạo, nhưng nếu
chỉ vì khắc phục sự yếu kém và lạc hậu, một bài toán của riêng ta
thì có lẽ chưa phải tầm của công cuộc đổi mới lần này.
Trước hết
phải thấy trong mấy thập niên gần đây đổi mới giáo dục đào tạo
là xu thế toàn cầu. Vào những thập niên cuối của thế kỷ
XX, khoa học và công nghệ trên thế giới phát triển như vũ bão, tạo ra những
bước tiến nhảy vọt, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử - viễn thông, tin
học và công nghệ thông tin. Những thành tựu của sự phát triển này đã
tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội trong từng quốc gia và
trên phạm vi toàn cầu. Để diễn đạt bước ngoặt trong tiến trình phát
triển của nhân loại người ta đã nói đến một thời đại tin học với
sự bùng nổ thông tin và công nghệ đổi mới nhanh đến
mức chóng mặt. Đó chính là nền tảng khoa học – công nghệ của quá
trình toàn cầu hóa và sự phát triển của kinh tế tri thức. Những
chuyển biến hết sức mạnh mẽ này đã làm thay đổi, nếu không nói là
đảo lộn nhiều triết lý, quan niệm, phương thức tổ chức và hoạt động
của hầu hết các lĩnh vực mà trước hết và chủ yếu lại chính là
giáo dục và đào tạo.
Về một
phương diện khác, sự tha hóa đạo đức trong xã hội (không trừ một nước
nào) ngày càng trầm trọng đang tạo nên những bức xúc, đòi hỏi hệ
thống giáo dục phải điều chỉnh theo hướng tăng mạnh việc trang bị
tảng nền văn hóa, kỹ năng sống và các giá trị đạo đức cho người
học. Chưa bao giờ yêu cầu dạy làm người cấp bách như
bây giờ.
Tri thức
là của chung nhân loại. Giáo dục, đào tạo là truyền thụ kiến thức
nên từ bản chất lĩnh vực này đã chứa đựng thuộc tính không
biên giới, do đó, hầu như tất cả các nước đều đã và đang phải tiến
hành xem xét lại hệ thống giáo dục của mình và tiến hành rất
nhiều điều chỉnh mang tính cải cách. Đổi mới giáo dục đào tạo, với những phân tích trên
đây, phải được xem là xu thế mang tính toàn cầu. Việt Nam không nằm
ngoài xu thế đó. Trong ý nghĩa này, công cuộc đổi mới giáo dục đào
tạo ở Việt Nam không phải chỉ là vấn đề của riêng ta mà phải thực
sự “nhúng” sâu trong môi trường quốc tế.
Bấy lâu nay, khi nhìn nhận về đổi mới giáo dục, một số ý kiến
cho rằng, sự đổi mới GD&ĐT chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao, chưa
mang lại niềm tin cho một bộ phận phụ huynh và người dân trong xã hội. Nhận định
như vậy ít nhiều có cơ sở, nhưng chưa thỏa đáng. Bởi vì, khác với những lần đổi
mới giáo dục trước đây, việc đổi mới lần này là đổi mới căn bản, toàn diện, đồng
bộ ở tất cả các khâu, các nhân tố, các vấn đề liên quan mật thiết, hữu cơ đến
quá trình GD&ĐT. Vì vậy, đổi mới không thể nóng vội, đốt cháy giai đoạn,
mà lộ trình đổi mới phải tiến hành đồng bộ, căn cơ, bài bản với những bước đi
thích hợp, cách làm khoa học, thận trọng, nhưng cũng không thể lơ là, chậm trễ
vì những yêu cầu, đỏi hỏi bức bách của thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước
và hội nhập quốc tế. Với nhận thức và cách làm như vậy, sau 5 năm thực hiện Nghị
quyết số 29-NQ/TW, khóa XI và hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII
của Đảng, công cuộc đổi mới căn bản GD&ĐT bước đầu đã có những
tín hiệu khả quan.
Một trong những điểm sáng của
giai đoạn đầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là đã xây dựng
chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể và các chương trình môn học,
hoạt động giáo dục đáp ứng mục tiêu chú trọng phát triển toàn diện phẩm chất và
năng lực người học, kết hợp với dạy chữ, dạy người và dạy nghề.
Chương trình GDPT tổng thể chú
trọng khắc phục những bất cập, hạn chế của chương trình giáo dục hiện hành,
như: Nội dung nặng về truyền thụ kiến thức, học sinh phải học và ghi nhớ rất
nhiều nhưng khả năng vận dụng vào đời sống rất hạn chế; sự kết nối giữa chương
trình các cấp học trong một môn học và giữa chương trình các môn học chưa chặt
chẽ; một số nội dung giáo dục bị trùng lặp, chồng chéo hoặc chưa thật sự cần
thiết đối với học sinh phổ thông...
Hiện nay, ngành giáo dục đang
chỉ đạo ráo riết Ban soạn thảo chương trình GDPT tổng thể khẩn trương đẩy nhanh
tiến độ xây dựng, hoàn thiện nội dung sách giáo khoa để triển khai dạy học sinh
lớp 1 theo chương trình đổi mới từ năm học 2020-2021; đồng thời chỉ đạo các cơ
quan chức năng, các cơ sở giáo dục tiếp tục làm tốt mọi công tác chuẩn bị, nhất
là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên để có đủ khả năng thích
ứng kịp thời, hiệu quả với chương trình GDPT mới.
[1]
Theo Kết luận số
51-KL/TW của Hội nghị lần thứ 6 BCHTW khóa XI về ngày 29/10/2012 về Đề
án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp
hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Đổi mới công tác giáo dục rất quan trọng; bởi chúng ta không thể dậm chân tại chỗ được
Trả lờiXóa