Trong thời
gian qua, trước những khó khăn về kinh tế-xã hội chưa được giải quyết và những
diễn biến phức tạp trong khu vực… lợi dụng tình hình này, những kẻ cơ hội chính
trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã xuyên tạc tình
hình, hòng bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ xã hội Việt Nam…
Họ viết và tán phát trên mạng
rằng: "Đàn áp về nhân quyền ở Việt Nam ngày càng gia tăng"; "các
quyền của người dân, trong đó có dân chủ, quyền lập hội, biểu tình… không được
thực hiện, trái lại ngày càng bị bóp nghẹt...". Vậy dân chủ và quyền con
người là gì? Những quyền này đã và đang được bảo đảm ở Việt Nam như thế nào?
Theo quan niệm chung, dân chủ là chế
độ chính trị trong đó toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do dân thực
hiện trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình bầu ra... Đó là các cơ quan
quyền lực và chính quyền các cấp.
Về hình thức, hoặc mô hình dân chủ
gồm có các dạng-dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp. Một trong những đặc trưng
nổi bật nhất của chế độ dân chủ là thiết lập và duy trì nguyên tắc “thiểu số
phục tùng đa số”, đồng thời thừa nhận quyền tự do về chính trị và quyền bình
đẳng về giới tính, về dân tộc, về vị thế chính trị-xã hội của mọi công dân.
Trong đó gồm cả quyền được bảo lưu của cá nhân.
Có thể nói, các cuộc cách mạng dân
chủ tư sản mở đầu từ thế kỷ 16, với các cuộc cách mạng điển hình như: Hà Lan
năm 1581 (mở đầu); Anh năm 1689; Mỹ năm 1766; Pháp năm 1789 đã mở ra một nền
dân chủ tư sản, trong đó bao gồm đầy đủ các nhân tố của dân chủ. Cuộc Cách mạng
xã hội chủ nghĩa (XHCN) Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một chế độ dân chủ
mới. Đó là dân chủ XHCN, nền dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo hướng đến
lợi ích và sự bình đẳng cho mọi người. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, do tác
động của chủ nghĩa xã hội, phong trào giải phóng dân tộc ra đời, trong đó có
Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam. Chế độ dân chủ sau Cách mạng Tháng Tám ở Việt
Nam là chế độ dân chủ nhân dân hướng theo con đường xây dựng xã hội XHCN. Có
thể xem các nền dân chủ: Dân chủ tư sản, dân chủ XHCN, dân chủ nhân dân là 3
chế độ-3mô hình dân chủ trên thế giới. Mỗi một chế độ dân chủ nói trên đều có
những thiết chế khác nhau, nhưng tựu trung đều có những yếu tố sau: 1) Sự bình
đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân (bao gồm tất cả các thành viên xã hội);
2) Bầu cử tự do và theo nhiệm kỳ bầu ra các cơ quan, người lãnh đạo nhà nước;
3) Quyền lực của nhà nước được chia ra làm 3 nhánh: Lập pháp, hành pháp và tư
pháp. Mỗi cơ quan trên có một chức năng riêng; 4) Hiến pháp và pháp luật được
xem là tối thượng; 5) Các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được tôn
trọng và bảo đảm.
Thực tế cho thấy, chế độ dân chủ
trên thế giới có nhiều mô hình. Chế độ dân chủ ở Hoa Kỳ có đặc trưng là luôn có
hai đảng chính trị thay nhau lãnh đạo cầm quyền; công dân, trong các cuộc bầu
cử bị chia thành hai loại “đại cử tri” và cử tri thường. Đặc trưng nền dân chủ
của Việt Nam là tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ; chế độ dân
chủ của Việt Nam dựa trên hệ thống chính trị các cấp-đó là chế độ sinh hoạt của
Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; là tiếng nói của Mặt trận Tổ quốc và của
các đoàn thể xã hội luôn luôn được tôn trọng. Ở đây tiếng nói, nguyện vọng của
người dân được bảo đảm thông qua các đại diện của mình.
Một trong những đặc trưng của nền
dân chủ ở Việt Nam là chế độ dân chủ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cầm
quyền. Tuy nhiên, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam phải tuân thủ
nguyên tắc: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam-đội tiên phong của giai cấp công nhân,
đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại
biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả
dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng,
là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; 2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật
thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách
nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; 3. Các tổ chức của Đảng và
đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp
luật". (Điều 4, Hiến pháp 2013).
Ngay từ khi cách mạng thành công
(tháng 8-1945) cho đến thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan
tâm đến dân chủ ở cấp cơ sở. Còn nhớ, sau sự kiện nông dân ở tỉnh Thái Bình tụ
tập đông người đi khiếu kiện gây ách tắc giao thông (năm 1997); một số nơi,
nông dân còn tấn công, đập phá trụ sở cơ quan công quyền. Sau khi khảo sát,
nghiên cứu, khi ấy, Tổng Bí thư Đỗ Mười cho rằng: Tình trạng gây mất
trật tự nói trên bắt nguồn từ sự vi phạm quyền dân chủ của người dân. Theo đó.
Tổng Bí thư Đỗ Mười chỉ đạo ban hành Chỉ thị số 30 về xây dựng và thực hiện Quy
chế dân chủ ở cơ sở. Nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở gồm: Bảo đảm để mọi người
dân ở cơ sở được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách của Nhà
nước…; có quy chế và các hình thức để nhân dân, cán bộ, công chức ở cơ sở được
bàn bạc và tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ công tác
chuyên môn, công tác cán bộ... của chính quyền, cơ quan, đơn vị; có quy
định về việc để nhân dân bàn và quyết định dân chủ đối với những loại việc liên
quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân trên địa bàn; cơ chế để nhân dân, công
nhân, cán bộ, công chức ở cơ sở trực tiếp và thông qua, gồm: Mặt trận, các đoàn
thể, ban thanh tra nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền, thủ
trưởng cơ quan,…
Sau Chỉ thị 30, Chính phủ đã luật
hóa bằng nghị định của Chính phủ. Dựa trên chỉ thị và nghị định về dân
chủ, Nhà nước Việt Nam đã ban hành hàng trăm văn bản nhằm bảo đảm quyền dân chủ
của người dân ở cơ sở, bao gồm cả quyền dân chủ của cán bộ, công chức, của cán
bộ, nhân viên ở các doanh nghiệp… Cho đến nay, chế độ dân chủ ở Việt Nam đã và
đang được thực hiện nghiêm túc ở các cấp, từ cơ sở xã phường, cơ quan, cho đến
Quốc hội. Tất cả những vấn đề từ đời sống thường nhật cho đến vấn đề độc lập
dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ đều được người dân quan tâm và
có quyền tham gia. Chẳng hạn, hiện nay vấn đề nguồn nước sạch, thực phẩm an
toàn, bảo vệ quyền trẻ em... từng là những chủ đề “nóng” trên diễn đàn Quốc
hội. Gần đây, vấn đề Biển Đông là chủ đề được Quốc hội Việt Nam đặc biệt quan
tâm.
Ngày nay, nói đến chế độ dân chủ và
quyền con người (QCN) thì không thể không nói đến quyền sử dụng internet và
mạng xã hội. Việt Nam chính thức nối mạng internet từ năm 1997. Từ năm 2010,
đường truyền internet ở Việt Nam được chuyển từ dây cáp đồng sang cáp quang.
Tính đến năm 2017, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân
số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet
cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh
thổ khu vực châu Á.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến
nay, Việt Nam đã có 858 cơ quan báo chí in; 105 cơ quan báo điện tử; 207 trang
thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 66 đài phát thanh, truyền
hình. Hiện nay, không chỉ người dân Việt Nam mà cư dân nước ngoài sinh sống,
làm việc ở Việt Nam có đầy đủ thông tin từ những hãng thông tấn báo chí lớn.
Hiện ở Việt Nam có tới 75 kênh truyền hình nước ngoài “online”, trong đó có các
kênh nổi tiếng, như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS,
Bloomberg... Hiện có tới 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên
thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài
được phát hành rộng rãi. Qua internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận thông
tin từ các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như: AFP, AP, BBC,
VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times,...
Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại
biểu đều có chương trình tiếp xúc cử tri. Những cuộc tiếp xúc cử tri được các
đài phát thanh, truyền hình đăng tải rộng rãi. Nội dung các cuộc tiếp xúc cử
tri ngày nay không chỉ là những vấn đề sinh kế, điều kiện sinh hoạt của người
dân, tham gia vào các dự thảo luật, mà cử tri còn đặc biệt quan tâm đến những
vấn đề lớn của đất nước, các chủ trương trong chính sách đối ngoại...
QCN là các nhu cầu về vật chất và
tinh thần-từ nhu cầu về dân sự, chính trị, đến kinh tế-xã hội và văn hóa được
luật hóa và được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ. Xét về lịch sử, QCN chỉ đến
với dân tộc Việt Nam khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Các Hiến pháp Việt Nam
từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013 đã quy định về QCN. Nội dung những quy
định này hoàn toàn tương thích với luật quốc tế về QCN. Hiến pháp 2013 đã dành
cả một chương để quy định về QCN. Trong đó, Điều 14 quy định: “Ở nước Cộng hòa
XHCN Việt Nam, các QCN, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa,
xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật;
QCN, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường
hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội,
đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Kiểm soát quyền lực của nhân dân
không chỉ là nguyên tắc của chế độ ở Việt Nam mà còn là động lực của sự phát
triển. Trong xã hội ở Việt Nam ngày nay, nguyên thủ cũng có trách nhiệm trả lời
những vấn đề người dân quan tâm. Trong buổi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình,
Hà Nội sáng 15-10, trả lời ý kiến của cử tri quan tâm về vấn đề chủ quyền biển
đảo ở Biển Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói:
"Chúng ta phải giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước, nhưng
không nhân nhượng vấn đề lãnh thổ, độc lập, chủ quyền”.
Những ý kiến xuyên tạc, phủ nhận
thành tựu về dân chủ và QCN có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nhận thức
không đầy đủ về dân chủ và QCN… Ở nhiều quốc gia phương Tây, dân chủ thường gắn
với các hoạt động chống chính phủ của các tổ chức phi chính phủ (NGOs)… Đó là
các cuộc tụ tập đông người, phá hủy các công trình công cộng, xúc phạm cá nhân,
quan chức từ cấp thấp cho đến tổng thống. Quyền tự do báo chí cũng có nội dung
tương tự… Trách nhiệm của người đưa tin, của cơ quan quản lý báo chí thường rất
nhẹ. Vì vậy dùng tiêu chí dân chủ, nhân quyền của phương Tây để xem xét,
đánh giá chế độ dân chủ và QCN của Việt Nam là một sai lầm về chính trị và
thiếu sót về phương pháp luận.
Không phủ nhận rằng trong quá trình
quản lý xã hội, Việt Nam còn có những khiếm khuyết, trong đó có việc bảo đảm
quyền dân chủ của người dân. Ở địa phương này, địa phương khác vẫn còn có hiện
tượng lợi ích của người dân chưa được tôn trọng, bảo đảm, nhất là trong vấn đề
đất đai. Đây là vấn đề lớn mà các cấp ủy và chính quyền cần đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, cần nhận thức đúng, về
mặt nguyên tắc, nền dân chủ của Việt Nam là một nền dân chủ có kỷ cương, có tổ
chức, có hệ thống. Trong xã hội Việt Nam, bảo đảm quyền dân chủ, nhưng phải bảo
đảm đúng pháp luật và giữ vững sự ổn định xã hội. Bảo đảm dân chủ và QCN vừa là
quyền, vừa là mục tiêu hướng đến của chế độ… vì vậy mỗi chúng ta cần nỗ lực hơn
nữa để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền dân chủ và QCN theo đúng quy định của
Hiến pháp và pháp luật.
Thực tiễn những gì đã diễn ra cho thấy: không có nước nào trên thế giới coi trọng và làm tốt dân chủ, nhân quyền như ở Việt Nam
Trả lờiXóa