Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển là vấn đề có ý
nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: “Kiên
quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn
vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ
nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát
triển đất nước”
Cùng với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, chúng ta không một
phút nơi lỏng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống
nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trải qua hằng ngàn năm lịch sử dựng và
giữ nước, cha ông ta đã luôn phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược
chống giặc ngoại xâm. Dân tộc ta đã phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh giải
phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta đã thấu hiểu tình cảnh của “nước
mất, nhà tan”, thân phận của người dân mất nước, kiếp làm nô lệ cho chủ nghĩa
thực dân; đã chứng kiến nỗi đau tột cùng và sự mất mát to lớn của chiến tranh.
Hiện nay, hàng ngày hàng giờ, chúng ta phải chứng kiến nỗi đau của nhân dân các
nước đang xảy ra chiến tranh với sức tàn phá khủng khiếp của các loại vũ khí
hiện đại, công nghệ cao, vũ khí thông minh… Vì lẽ đó, hơn ai hết chúng ta luôn
yêu chuộng và khao khát được sống trong môi trường hòa bình, không muốn phải
tiến hành chiến tranh. Song, khi đã cố gắng, đã kiềm chế, đã nhân nhượng mà kẻ
thù buộc ta phải tiến hành chiến tranh thì “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem
tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do,
độc lập ấy” được thể hiện rõ trong bản “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945. Quyết tâm
đó còn được thể hiện trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 “Hỡi
đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng
chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp
nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu
mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Mười năm sau, năm 1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không
quân đánh phá miền Bắc, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước
vào giai đoạn ác liệt nhất, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi nhân dân cả
nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Lời kêu gọi như một lời hịch hiệu
triệu toàn dân tộc ta đồng tâm, nhất trí, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để
tiến lên giành chiến thắng.
Sau năm 1975, cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng và
Nhà nước ta luôn quan tâm đến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội XI đã xác
định mục tiêu của đối ngoại: “vì lợi ích quốc gia, dân tộc”, “vì một nước Việt Nam xã hội chủ
nghĩa giàu mạnh”.
Bước vào thời kỳ mới, khi tình hình chính trị, an ninh thế giới
thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp khó lường; tình trạng xâm phạm chủ
quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo,
can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng trên thế giới
tiếp tục diễn ra ở nhiều khu vực. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương,
quyết sách đúng đắn, kịp thời, mềm dẻo và linh hoạt để bảo vệ, giữ vững độc
lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh tạo, tạo môi trường ổn định để thúc đẩy phát
triển kinh tế đất nước.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục có những hành động
gây phức tạp ở Biển Đông, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện đúng phương châm,
quan điểm chỉ đạo, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ
quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trên cơ sở hòa bình, tôn trọng luật pháp
quốc tế; bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không, không có các hành
động làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở
Biển Đông (DOC). Điều này đã được khẳng định nhất quán trong Văn kiện Đại hội
XII của Đảng “Kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện
pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực”.
Song, lợi dụng sức mạnh của truyền thông, sự thiếu thông tin của
người dân, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều quan điểm, tư tưởng
sai trái, nhận định, đánh giá không đúng về quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà
nước ta trong đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo. Với lời lẽ kích động,
xuyên tạc, thông tin sai sự thật và cho rằng, Đảng, Nhà nước và quân đội cần
phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thậm chí phải sử dụng bạo lực trong giải quyết
vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Hơn nữa, các thế lực thù địch lại ra sức đẩy
mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nên càng làm nhiễu loạn thông tin gây tâm lý
hoài nghi, dao động, mất niềm tin ở một bộ phận làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc
gia - dân tộc.
Bởi vậy, mỗi người dân Việt Nam yêu nước cần hết sức cảnh giác,
kiên quyết vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế
lực thù địch, giữ vững độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc.
HoangThang.com
Nội dung bài viết rất hay, xin cảm ơn
Trả lờiXóa