Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN



Chủ nghĩa cá nhân được xem là “giặc nội xâm”, là nguồn gốc gây ra các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu... Nếu không chống chủ nghĩa cá nhân thì vấn nạn “quan cách mạng” sẽ ăn sâu bám rễ, như bệnh ung thư giai đoạn cuối, sẽ bùng phát làm hỏng cả bộ máy và làm tăng nguy cơ “tự diễn biến” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Người viết:“Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngǎn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”. Chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại, Người khái quát: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”.
          Người cũng đã chỉ ra các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: “Vì chưa rửa gột sạch chủ nghĩa cá nhân, cho nên có đảng viên còn “kể công” với Đảng. Có ít nhiều thành tích, thì họ muốn Đảng “cảm ơn” họ. Họ đòi ưu đãi, họ đòi danh dự và địa vị. Họ đòi hưởng thụ. Nếu không thỏa mãn yêu cầu của họ thì họ oán trách Đảng, cho rằng họ “không có tiền đồ”, họ “bị hy sinh”. Rồi dần dần họ xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng”.
Những gì về chủ nghĩa cá nhân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra luôn được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân quán triệt và phòng tránh. Thế nhưng, nhiều năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện nên chủ nghĩa cá nhân có nhiều cơ hội bùng phát và trở thành nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra hiện tượng mất niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng.
          Vì vậy,
nhận diện chủ nghĩa cá nhân trong Đảng ta hiện nay có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào việc đấu tranh, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Chủ nghĩa cá nhân được biểu hiện chủ yếu như sau:
Thứ nhất, tách rời lợi ích của cá nhân mình với lợi ích của Đảng và Nhân dân. Đảng ta khẳng định: Đảng ra đời và phát triển không phải với mục đích tự thân, mà là vì độc lập của Tổ quốc; vì tự do và hạnh phúc của Nhân dân. Tất cả đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ đều chỉ nhằm mang lại lợi ích cho Nhân dân. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Tự tách mình ra khỏi Đảng chính là biểu hiện đầu tiên của chủ nghĩa cá nhân.
Thứ hai, chỉ biết lo cho lợi ích cá nhân mình. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Bác viết: “Việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Lâu nay, mọi người đều thấy hiện tương “chạy” với đủ các kiểu: Chạy bằng cấp, chạy huân chương, chạy danh hiệu, chạy tuổi, chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy quy hoạch, chạy việc, chạy… tội!
Thứ ba, coi cái tôi cao hơn tất cả, bất chấp đường lối, chủ trương, Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ lãnh đạo mưu cầu lợi ích cá nhân, coi thường nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Họ thường tìm kẽ hở trong các quyết định của Đảng, pháp luật Nhà nước để làm lợi cho lợi ích cá nhân mình, gia đình mình, nhóm mình. Trong công tác, họ đặt quyền lợi của cá nhân mình, gia đình mình, nhóm mình cao hơn tất cả, hoặc coi lợi ích cá nhân là duy nhất.
          Đối với tổ chức thì họ giấu giếm khuyết điểm, sai lầm của mình; lũng đoạn, kéo bè kéo cánh, gây mất đoàn kết, bao che tội lỗi, sai lầm của những người cùng cánh. Họ coi tổ chức chỉ là công cụ để trục lợi cá nhân, nói không đi đôi với làm. Bác chỉ rõ: “Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.
Thứ tư, quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Hồ Chí Minh coi tham nhũng, lãng phí, quan liêu là giặc nội xâm, thứ giặc nằm ngay trong mỗi người, nằm ngay trong tổ chức của hệ thống chính trị. Lãng phí biểu hiện trong chi tiêu ngân sách, đầu tư… Quan liêu đi kèm với tham nhũng và lãng phí. Sự lỏng lẻo trong kiểm soát, kiểm tra, giám sát tiếp tay cho chủ nghĩa cá nhân hoành hành. Nhiều vụ án về tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy nhà nước đều có nguyên nhân từ chủ nghĩa cá nhân; nó không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm băng hoại các giá trị văn hóa đạo đức; nguy hại nhất là gây ra sự suy giảm niềm tin của nhân dân, của xã hội đối với Đảng và Nhà nước.
Thứ năm, phản bội Đảng, phản bội chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là biểu hiện cao nhất của chủ nghĩa cá nhân. Họ bán bí mật quốc gia, từ bỏ lợi ích quốc gia; có hành động chống đối hoặc cổ súy cho những hành động chống đối chế độ, lợi dụng truyền thông để xuyên tạc sự thật lịch sử, bôi đen chế độ, bôi xấu lãnh tụ Đảng và Nhà nước, vu khống nhằm hạ uy tín cán bộ lãnh đạo…
Có thể khẳng định, tất cả những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân nêu trên đều là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mất đoàn kết nội bộ, giảm sút niềm tin; làm cho việc tổ chức sinh hoạt Đảng ngày càng hình thức, thiếu thực chất và trở thành “bình phong” để che chắn cho những việc làm khuất tất, mang nặng lợi ích riêng.
          Thế nên, hơn lúc nào hết, vấn đề nhận diện, chống chủ nghĩa cá nhân cần phải được coi trọng và triển khai ngay từ cơ sở. Chống chủ nghĩa cá nhân bằng nhiều biện pháp và cách thức, không thể trông chờ vào sự tự giác mà phải bằng cơ chế và sự kiểm soát, phát huy vai trò cá nhân để làm lợi cho tập thể, làm lợi cho nhân dân.
          Để làm được điều này, vấn đề quan trọng nhất là các tổ chức Đảng cần đề cao tự phê bình và phê bình trên cơ sở nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi; kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ.
          Cần mở rộng dân chủ trong đánh giá năng lực, sở trường của cán bộ, đảng viên trên cơ sở lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực là tiêu chí chuẩn để đề bạt, bổ nhiệm, phân công nhiệm vụ hợp lý; đồng thời có cơ chế trả thù lao thỏa đáng kích thích tài năng và sự sáng tạo của cá nhân trong công việc. Tăng cường công tác rèn luyện và luân chuyển cán bộ; phát huy tốt vai trò quan trọng của ủy ban kiểm tra ở các tổ chức Đảng và cơ quan thanh tra, kiểm tra ở các cấp, trong đó coi trọng kiểm tra, thanh tra đột xuất toàn diện nhất là đối với các lĩnh vực quản lý kinh tế, tài chính, đất đai, dự án...
Nhận diện - đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng, biện pháp hữu hiệu chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.
NgocBinh.com


1 nhận xét:

  1. Chủ nghĩa cá nhân làm gì cũng nghĩ tới lợi ích riêng mình, không quan tâm đến lợi ích tập thể; sinh ra thói hư, tật xấu như: Lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát,… Do đó chúng ta phải đấu tranh để loại bỏ chủ nghĩa cá nhân.

    Trả lờiXóa