ĐỒNG MẠNH
Cứ trước thềm các
kỳ đại hội Đảng là các thế lực thù địch lại tập trung công kích, chống phá bằng
nhiều thủ đoạn nham hiểm và quyết liệt. Bản chất, mục đích của chúng không thay
đổi, nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Vì vậy, nhận diện và đấu
tranh với những thủ đoạn của chúng trước thềm Đại hội XIII của Đảng là việc làm
hết sức quan trọng hiện nay.
Trước hết, chúng phê phán chế độ xã hội chủ
nghĩa, cổ súy cho “xã hội dân sự”. Dưới chiêu bài xưa cũ là ca ngợi nền dân chủ
phương Tây và dẫn chứng những mặt trái của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước
ta, họ kích động, thúc đẩy sự xuất hiện các tổ chức chính trị đối lập nhằm
hướng tới mục tiêu đa nguyên, đa đảng. Về vấn đề này, trước đây các thế lực thù
địch không ngừng rêu rao sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông
Âu; đồng thời, kêu gọi các phần tử cực đoan tập hợp lực lượng, sẵn sàng cho ra
đời một bộ lý thuyết mới, dẫn dụ thành công một số cuộc cách mạng màu làm minh
chứng cho một sự thay đổi. Luận điệu “món trứng ốp la không thể không đập vỡ
một số quả trứng” có vẻ như đã tác động đến tâm lý một bộ phận mơ hồ, mất cảnh
giác và a dua theo chúng. Nhưng họ không ngờ rằng, bản chất của các hoạt động
đó đã đi ngược lại truyền thống, trái với nguyện vọng và tình cảm của tuyệt đại
đa số nhân dân. Sau thời gian dài chống phá không hiệu quả, đất nước ta vẫn
ngày càng phát triển mạnh mẽ, Đảng ta ngày càng giữ vững bản chất, truyền thống
cách mạng và vị thế của mình, các thế lực thù địch đã thay đổi nội dung và hình
thức chống phá mới. Họ ra sức cổ súy cho một xã hội mới với mô hình “độc lập về
chính trị”. Về thủ đoạn, họ đánh vào tâm lý của một số trí thức, văn nghệ sĩ có
tư tưởng dao động hoặc có sự bất mãn về thời cuộc; lợi dụng và cổ súy cho các
tổ chức nhập nhèm, như: “Văn đoàn độc lập”, “Tổ chức phóng viên không biên
giới”, “Trung tâm Văn bút Việt Nam”,… được đám “dân chủ” trong và ngoài nước
tung hô như một thứ vũ khí lợi hại trong thời kỳ mới. Điều dễ nhận thấy là,
những nội dung này vẫn là cách họ chủ quan áp đặt và chẳng có một cơ sở khoa
học nào khả dĩ. Đặc biệt là, họ gắn mác cho một số phần tử là “Nhà hoạt động
chính trị”, hoặc “Nhà báo độc lập” để tung tin rằng, ở Việt Nam người dân không
được tự do tiếp cận thông tin, hoặc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam đang
xuống dốc tệ hại (!).
Thiết nghĩ,
trong thời đại 4.0 hiện nay, chẳng ai còn ngây thơ tới mức tin vào những luận
điệu nêu trên. Bởi, hằng ngày, hằng giờ mọi người dân đều có thể đọc, truy cập
hàng trăm ấn phẩm báo chí in hoặc điện tử từ Trung ương đến địa phương, cũng
như các cấp, các ngành. Cái cớ của “xã hội dân sự” chính là tung hô những phần
tử phản động chống lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dưới chiêu
bài bất đồng chính kiến. Việc đánh tráo khái niệm giữa ý kiến phản biện được
bảo lưu và các hoạt động chống phá đã được các thế lực thù địch khoét sâu lợi
dụng. Họ ra sức kích động giới trí thức vào cuộc để vu cáo Đảng và Nhà nước ta
đàn áp những người bất đồng chính kiến, kêu gọi phong trào đấu tranh thả “tù
nhân lương tâm”. Khi thời cơ chín muồi, các thế lực thù địch sẽ hình thành tổ
chức chính trị đối lập tại Việt Nam. Họ đã sử dụng bộ lý thuyết “xã hội dân sự”
để chỉ trích, vu khống Đảng, Nhà nước ta, biến phản biện xã hội trở thành một
quá trình không kiểm soát được, âm mưu trở thành một hoạt động dưới dạng câu
lạc bộ vô chính phủ. Nếu chúng ta không tỉnh táo phát hiện và đấu tranh trực
diện với luận điệu này, các tổ chức tiền thân của “xã hội dân sự” sẽ nhanh
chóng tiến hành những hoạt động “diễn biến hòa bình” theo kiểu xét lại lịch sử,
chỉ trích lịch sử cách mạng của Đảng và Nhà nước ta. Như thế, tư tưởng chính
trị của đảng viên và nhân dân trở nên dao động, lòng tin vào sự nghiệp cách
mạng sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Do đó, chúng ta phải hết sức cảnh giác, chủ động
đấu tranh nhận rõ bản chất của tư tưởng phản động này, nhằm vô hiệu hóa quá
trình can thiệp thô bạo từ bên ngoài với những luận điệu sai trái, nguy hiểm,
khó dự báo.
Hai là, lợi dụng công cuộc đấu tranh
phòng, chống tham nhũng của Đảng ta hiện nay để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Ở
tất cả các quốc gia với bất kỳ thể chế chính trị nào, nếu không dẹp bỏ được nạn
tham nhũng thì đều dẫn tới suy vong. Bài học từ lịch sử cho thấy, phòng, chống
tham nhũng là quyết sách chiến lược mang ý nghĩa tồn vong của chế độ ta. Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Kỷ luật một vài người để cứu
muôn người”. Và thực tế, từ sự cương quyết của Đảng ta trong việc xử lý các đại
án tham nhũng, nhiều vị lãnh đạo, trong đó có không ít vị lãnh đạo cao cấp đã
vướng vòng lao lý. Lòng tin của nhân dân với Đảng ngày một tăng cao; uy tín của
chế độ chính trị được củng cố. Tuy nhiên, các thế lực thù địch cũng căn cứ vào
đây để tăng cường xuyên tạc, chống phá. Chúng cho rằng, nếu một xã hội độc đảng
cầm quyền thì sẽ thủ tiêu đấu tranh; Đảng, Nhà nước ta đang ở thế “lưỡng nan
đối nghịch”, với hàm ý chống tham nhũng nhưng ngại thay đổi thể chế chính trị,
v.v. Theo họ, “muốn chống tham nhũng thì phải thay đổi lại thiết chế và xã hội
để làm sao cho dân chủ hơn”!
Tựu trung lại
vẫn là những luận điệu “bình mới rượu cũ” với thủ đoạn thâm độc hơn. Các thế
lực thù địch đang xoáy sâu vào các đại án tham nhũng để qua đó nói xấu, bôi nhọ
danh dự của cán bộ, đảng viên, cũng như kích động dư luận lung lạc niềm tin vào
sự phát triển của đất nước. Trước thềm đại hội Đảng, chúng tung tin đồn thổi
nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp với những nghi án tham nhũng, sân sau, v.v.
Chúng ví von hành động bỉ ổi này như một mũi tên trúng hai con nhạn: (1). Làm
suy giảm uy tín cá nhân lãnh đạo, gây mất đoàn kết nội bộ; (2). Làm nhiễu loạn
thông tin, gây hoang mang dư luận, để cho người dân nhìn vào đâu cũng thấy tham
nhũng. Từ những “đại án” tham nhũng, các thế lực thù địch chớp ngay cơ hội,
tăng cường thông tin trên mạng xã hội, ra sức công kích hòng làm giảm sút uy
tín của Đảng, lung lạc niềm tin của nhân dân đối với chế độ và hệ thống chính
trị.
Chúng ta cần
nhận thấy, muốn chống tham nhũng triệt để cần phải có nền pháp trị nghiêm minh,
không một ai ở ngoài và ở trên luật cả. Thực tế trong thời gian gần đây, công
tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta đã đạt kết quả toàn diện; nhiều bị can,
trong đó có nhiều trường hợp là cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý
tiếp tục được điều tra, khởi tố. Qua đó, đã khẳng định quan điểm “không có vùng
cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong chống tham nhũng. Tinh
thần chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu hệ thống chính trị đã cho thấy quyết
tâm của toàn Đảng ta đang ra sức chỉnh đốn, làm trong sạch nội bộ. Tuy nhiên,
các thế lực thù địch thì luôn rình rập để thổi bùng lên làn sóng hạ thấp vai
trò lãnh đạo của Đảng, không loại trừ trong thời gian diễn ra Đại hội XIII của
Đảng, họ tung tin thất thiệt về hậu xử lý các vụ đại án, hoặc tiếp tục chiêu
bài phủ nhận kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta, gây ra các
luồng tư tưởng khác biệt không ngoài mục đích hạ thấp vai trò, tiến tới mục
tiêu đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Đây thực chất là nội dung chống phá
xuyên suốt của chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Trước vận mệnh quốc gia - dân
tộc, sự tồn vong của chế độ và đặc biệt là bảo vệ an toàn, thành công của Đại
hội XIII của Đảng, chúng ta phải tuyệt đối đề cao cảnh giác, đấu tranh không
khoan nhượng với các phần tử cơ hội, quyết tâm giữ vững an ninh chính trị, an
toàn cho Đại hội và bảo vệ danh dự cho Đảng ta.
Ba là, xuyên tạc, bôi nhọ danh dự, uy tín
cán bộ, nhất là cán bộ có khả năng là ứng viên cho cấp ủy khóa mới của các cấp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đại hội Đảng là dịp để lựa
chọn, sàng lọc củng cố đội ngũ cán bộ. Không sợ thiếu cán bộ, bởi không thiếu
cán bộ tâm huyết với Đảng, trách nhiệm với nhân dân, với đất nước. Không sợ mất
uy tín, chỉ khi không làm, không xử lý cán bộ vi phạm mới tự đánh mất uy tín
của mình”. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng đã thực hiện nghiêm quy chế, quy
định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm,…
đã căn cứ sát tiêu chuẩn, điều kiện (cơ cấu, số lượng, độ tuổi, tín nhiệm,…)
theo đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên, một số trang mạng nước ngoài đang tung
tin thất thiệt về nhiều vấn đề của công tác cán bộ, đặc biệt cái gọi là dự đoán
nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Chúng khẳng định, trong tay nhiều tổ chức nghiên
cứu A, B, C… có danh sách đề cử nhân sự chủ chốt của Đại hội. Vấn đề bầu bán
chỉ là hình thức! Và rằng, những người có tên trong bản danh sách này sẽ định
hướng toàn bộ tương lai của thể chế chính trị Việt Nam. Chiêu bài nham hiểm của
các thế lực thù địch là tung ra dư luận mâu thuẫn phe phái trong Đảng ta một
cách trắng trợn hòng hạ thấp ý nghĩa của Đại hội. Do vậy, trước thềm Đại hội,
chúng ta cần nhận thức rõ âm mưu này, kiên quyết đấu tranh, chủ động phát hiện
sớm và kịp thời xử lý các tình huống nảy sinh, bảo đảm cho sự thành công Đại
hội.
Bốn là, lợi dụng vấn đề chủ quyền biển,
đảo để tung tin thất thiệt làm giảm sút ý chí, niềm tin của cán bộ, đảng viên
và các tầng lớp nhân dân vào quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng, Nhà
nước và Quân đội ta. Đây là chiêu bài không mới, nhưng đứng trước những diễn biến
mới phát sinh thực tế trên thềm lục địa của nước ta hiện nay, thủ đoạn này trở
nên nham hiểm hơn lúc nào hết. Các trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài đồng
loạt cập nhật diễn tiến tình hình Biển Đông, mà cơ bản là xoáy sâu vào tàu nước
ngoài hoạt động trái phép trong thềm lục địa của nước ta với những hình ảnh,
bài viết thật giả lẫn lộn. Trước hết phải khẳng định rằng, sự việc trên là có
thật, song các thế lực thù địch đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin của một bộ phận
cộng đồng mạng, thổi bùng lên nguy cơ bị xâm lược và chỉ trích vai trò lãnh đạo
của Đảng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Nhà nước, Quân đội. Trắng
trợn hơn, họ còn dựng chuyện phân tích các hệ phái trong Đảng ta, đưa ra các
quan điểm giữ gìn chủ quyền biển, đảo hay là lựa chọn thể chế chính trị. Từ đó,
chúng hà hơi tiếp sức cho một số đối tượng phản động trong nước, kích động
xuống đường biểu tình, chống đối chính quyền các cấp. Trước thềm Đại hội Đảng,
họ đưa ra tư tưởng “đổi mới hay là mất nước”. Và không loại trừ các thế lực thù
địch, cơ hội chính trị sẽ điên cuồng chống phá, tạo ra những “thư ngỏ, góp ý”,…
để gây xáo trộn dư luận quần chúng, đưa vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo để
chống phá Đảng, Nhà nước ta. Thực chất ẩn ý đằng sau những việc làm này nhằm
lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin sẽ mắc mưu bằng nghệ thuật sử dụng ngôn từ
chau chuốt, nhưng không ngoài mục đích xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam.
Chúng ta cần
nhận thức sâu sắc rằng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là
một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài của toàn Đảng, toàn
quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta
trong xử lý các mối quan hệ quốc tế và khu vực hiện nay là phải luôn tỉnh táo,
bình tĩnh, khôn khéo, không bị kích động, xúi giục gây xung đột vũ trang, chiến
tranh. Chúng ta chủ trương giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên
cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu
vực. Đáng tiếc là, một số ít người do thiếu thông tin chính thống nên đã tin
vào những thông tin thất thiệt, xấu độc, gây tâm lý hoài nghi, dao động. Nói
cách khác đó là, lòng yêu nước, yêu biển, đảo của một số ít người đã bị lợi
dụng cho mưu đồ chính trị xấu xa của các thế lực thù địch. Tuy nhiên, sự thật
vẫn luôn là sự thật, kẻ xấu chỉ lợi dụng nói ra một nửa sự thật để lừa phỉnh dư
luận, công kích chống phá ta trước thềm Đại hội XIII của Đảng, nhằm gây rối
loạn, chia rẽ, suy giảm uy tín của Đảng. Chúng ta cần nhận thức rõ âm mưu thâm
độc này, chủ động tuyên truyền tới mọi cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân,
kiên quyết đấu tranh bảo vệ an toàn và thành công Đại hội, bảo vệ Đảng, Tổ
quốc, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa./.
Có thể thấy, các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, chống phá trước thềm Đại hội Đảng của các đối tượng thù địch rất đa dạng; do đó chúng ta phải luôn tỉnh táo, cảnh giác và đấu tranh vạch trần các luận điệu xuyên tạc của bọn chúng.
Trả lờiXóaChúng ta phải nhận biết và đấu tranh mạnh mẽ chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của bọn phản động và các thế lực thù địch
Trả lờiXóa