Những năm gần đây, Đảng và Nhà
nước ta đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống
tham nhũng (PCTN), ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ
phận cán bộ, đảng viên của Đảng.
Với tinh thần thẳng thắn,
quyết liệt, không khoan nhượng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” nên đã
nhận được sự quan tâm, đồng tình, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và
nhân dân. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những nhận thức sai lệch, tiếng nói lạc lõng
về cuộc đấu tranh này. Hiểu đúng để đi đến thống nhất nhận thức và hành động
trong cuộc đấu tranh PCTN là rất quan trọng.
Từ Đại hội lần thứ XII của
Đảng tới nay, công cuộc PCTN ở nước ta không hề ngơi nghỉ, không chùng xuống,
không có vùng cấm, bất kể đó là ai. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của
Đảng đến nay, hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản
lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự, chưa kể hàng nghìn cán bộ khác
thuộc cấp ủy các cấp. Một số vụ tiêu biểu gần đây nhưông Đinh La Thăng, cựu Ủy
viên Bộ Chính trị, hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là Nguyễn Bắc
Son và Trương Minh Tuấn; hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an là Trần Việt Tân, Bùi
Văn Thành đều bị xử án tù; Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiêm
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Bạch Hồng và nhiều bị cáo khác. Hàng
loạt cán bộ đã nghỉ hưu mà bị phát hiện có sai phạm trong thời gian đương chức
vẫn bị đưa ra kỷ luật. Mới nhất là nguyên Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh bị Bộ Chính
trị kỷ luật cảnh cáo; ông Nguyễn Hồng Trường bị xóa tư cách nguyên Thứ trưởng
Bộ Giao thông vận tải, bị xử lý kỷ luật Đảng về các sai phạm khi còn đương
chức...
Như thế là cả cán bộ cấp cao
cũng bị xử lý nghiêm nếu vi phạm pháp luật, kỷ luật. Không có vị trí nào, khu
vực nào được coi là "an toàn", cũng không còn khái niệm “hạ cánh an
toàn”. Điều này được nêu rõ trong Văn bản số 04-HD/UBKTTW hướng dẫn thực hiện
một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng
viên vi phạm. Theo báo cáo tại phiên họp thứ 16 Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN,
từ đầu năm 2019 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật
123 tổ chức đảng và 7.923 đảng viên; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có
hành vi tham nhũng, cố ý làm trái; cơ quan thanh tra, kiểm toán kiến nghị thu
hồi, xử lý 61.392 tỷ đồng và 142ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 692
tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 46 vụ, 73 đối
tượng… Sự quyết liệt trong công tác đấu tranh PCTN khiến tham nhũng đang từng
bước được đẩy lùi. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, ý kiến chung của cử tri và
nhân dân đều bày tỏ tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị,
sự hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kiên quyết xử lý
sai phạm thì tham nhũng dứt khoát sẽ bị đẩy lùi.
Công tác đấu tranh PCTN ngày
càng quyết liệt, đẩy mạnh toàn diện ở tất cả các cấp, các ngành, làm nức lòng
người dân, bè bạn quốc tế quan tâm, điều đó là không thể phủ nhận. Việc đấu
tranh PCTN đã góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, năng lực và hiệu quả
quản lý của Nhà nước, tăng cường đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin người dân với Đảng, với chế độ.
Tuy nhiên, trong cuộc đấu
tranh PCTN hiện nay, không phải là không có những khó khăn, thậm chí còn gặp sự
chống đối quyết liệt. Họ là ai? Vì sao họ lại chống? Bởi vì lợi ích của họ là
quyền lợi của một nhóm người nên đối lập với lợi ích của Đảng, của đất nước và
đại đa số nhân dân. Họ chống đối để bảo vệ lợi ích nhóm của mình. Lại nữa, trên
không gian mạng, có những đối tượng phản động, cơ hội, cố tình xuyên tạc nhằm
hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, nói xấu chế độ. Chúng cho rằng “tham nhũng
tồn tại ở Việt Nam vì bản chất thể chế không thay đổi được, tham nhũng là bản
chất cố hữu của Việt Nam”... Thực ra, vấn đề tham nhũng không phải riêng có ở
Việt Nam mà có ở nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước lớn, có nền kinh tế
phát triển thì vấn nạn tham nhũng cũng vẫn diễn ra. Tuy nhiên, việc phòng,
chống như thế nào, kết quả ra sao là phụ thuộc hệ thống chính trị và pháp luật
ở mỗi nước. Bên cạnh đó, một bộ phận nào đó, do chưa hiểu đúng và hiểu rõ về
cuộc đấu tranh PCTN nên nghi ngờ, có những phát ngôn lạc lõng, làm ảnh hưởng
đến công cuộc đấu tranh PCTN hiện nay.
Nhiều chiêu trò chống phá,
biến tấu, xuyên tạc việc PCTN là cuộc thanh trừng nội bộ, phe nhóm đấu đá nhau,
là khóa mới kỷ luật khóa cũ… Bên cạnh đó, có những ý kiến sai trái rất nguy
hiểm, cho rằng căn nguyên tạo ra tham nhũng là do một đảng lãnh đạo, đảng đứng
trên pháp luật. Vì thế, phải thực hiện đa đảng để không còn hoặc là hạn chế
tham nhũng. Thực tế là họ muốn lợi dụng việc PCTN của toàn Đảng, toàn quân,
toàn dân ta để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời cổ súy cho tham
nhũng, lợi ích nhóm phát triển. Chúng xuyên tạc mục đích, gây chia rẽ nội bộ,
làm giảm sút ý chí, lòng tin của nhân dân; làm giảm ý nghĩa thắng lợi của công
cuộc PCTN; làm giảm lòng tin của nhân dân, lung lạc ý chí, giảm sự ủng hộ của
người dân và dư luận về PCTN...
Hiện nay, PCTN là một trong
những vấn đề sống còn, là nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, vì
lợi ích của Đảng, của đất nước và lợi ích của mỗi người dân. Bởi vậy, đây là
một “mặt trận” không kém phần cam go, quyết liệt. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn
có thể thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh PCTN nếu hiểu đúng, nhận thức đầy đủ
và giữ vững quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Mỗi người, mỗi tổ
chức phải nhận thức PCTN như cuộc chiến chống giặc ngoại xâm; phải kiên quyết
phòng, chống với tâm thế tỉnh táo, chủ động đấu tranh; không lung lạc trước
những luận điệu xuyên tạc, phản động. Với sự đồng lòng, vào cuộc quyết liệt của
toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, với những cơ chế,
chính sách hiệu quả nhằm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tha hóa và lợi ích
nhóm, chúng ta tin tưởng rằng chắc chắn tham nhũng không những sẽ bị đẩy lùi mà
sẽ không còn đất sống.
Công cuộc chống tham nhũng được quần chúng nhân dân hết lòng ủng hộ
Trả lờiXóaBài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa