TK
Với đặc thù hoạt động quân sự, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản
lý giáo dục (GV, CBQLGD) trong các học viện, nhà trường quân đội vừa là người
thầy truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm chiến đấu, bồi dưỡng lý tưởng, niềm tin,
bản lĩnh chính trị cho người học; vừa là người đồng chí đối với học viên.
Cũng từ đó, đội ngũ những người thầy
trong quân đội có vị trí, vai trò rất quan trọng. Họ chính là nhân tố cơ bản
quyết định chất lượng, hiệu quả huấn luyện đào tạo; bồi dưỡng cán bộ và trực
tiếp đào tạo ra các thế hệ cán bộ chính trị, quân sự góp phần tạo nên sức mạnh
chiến đấu của Quân đội ta.
Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của
đội ngũ nhà giáo trong việc nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo (GD&ĐT),
những năm qua các học viện, nhà trường quân đội đã chú trọng công tác giáo dục,
nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ GV, CBQLGD; bồi dưỡng mục
tiêu, lý tưởng, đạo đức và lối sống, bảo đảm cho đội ngũ nhà giáo luôn có bản
lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân,
có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Thời gian qua, các chế độ, chính sách
đối với nhà giáo trong quân đội cũng từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Bộ
Quốc phòng đã thực hiện chế độ hỗ trợ đối với các nhà giáo có chức danh khoa
học (giáo sư, phó giáo sư) và trình độ tiến sĩ. Các học viện, nhà trường quan
tâm hỗ trợ vật chất, kinh phí góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần,
tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Tuy
nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quân đội vẫn còn những hạn chế, bất
cập cần khắc phục. Trong đó phải kể đến công tác triển khai quy hoạch xây dựng
hệ thống nhà trường; việc xây dựng tổ chức biên chế các trường còn chậm, chưa
thật sự tinh, gọn, mạnh và chính sách đãi ngộ chưa thu hút được cán bộ giỏi về
làm giảng viên tại một số học viện, nhà trường...
Để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong
tình hình mới thì điểm mấu chốt là việc triển khai đồng bộ các giải pháp để xây
dựng đội ngũ GV, CBQLGD có phẩm chất, năng lực toàn diện; có trình độ học vấn
tương xứng bậc giảng dạy; có khả năng sư phạm, kinh nghiệm giảng dạy, nghiên
cứu khoa học và tâm huyết với nghề... Muốn có được điều đó thì cùng với kiện
toàn lại tổ chức biên chế của các học viện, nhà trường, kiện toàn đội ngũ GV,
CBQLGD đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng… cần chú trọng quy hoạch đội ngũ
nhà giáo bảo đảm tính vững chắc, đáp ứng nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài; gắn
việc điều động, bổ nhiệm với lựa chọn đi đào tạo và bồi dưỡng nguồn kế cận, kế
tiếp. Đồng thời, lựa chọn, bồi dưỡng, quy hoạch, nâng cao trình độ ngoại ngữ,
tin học, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên; cử các đồng chí giảng viên có hướng phấn
đấu tốt đi học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu
khoa học.
Quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của
Đảng và Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác GD&ĐT, việc đổi mới quy
trình, chương trình đào tạo giáo viên theo yêu cầu chuẩn hóa một cách toàn diện
mang tính hiện đại sẽ tạo ra bước đột phá về chất lượng GD&ĐT. Để từng bước
nâng cao chất lượng đội ngũ GV, CBQLGD thì việc gắn kết giữa đào tạo chính quy,
gửi đi đào tạo và tự đào tạo; tạo điều kiện để các nhà giáo phát huy tính chủ
động trong lao động và thực hành sư phạm... của các học viện, nhà trường cũng
sẽ là những giải pháp hữu hiệu. Về phần mình, từng GV, CBQLGD cũng cần liên tục
nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, tạo lập cách dạy khoa học, tiến bộ,
nâng cao năng lực xử lý thông tin, phát huy tính độc lập, chủ động, sáng tạo
của người học. Các nhà giáo cũng cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng
dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng phục vụ công tác giảng dạy... đáp
ứng yêu cầu ngày càng cao trong GD&ĐT tại các nhà trường quân đội...
Nội dung bài viết rất hấp dẫn bạn đọc
Trả lờiXóa