Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

“ĐỪNG ĐỂ NHỮNG “TẤM GƯƠNG MỜ” LÀM GIẢM NIỀM TIN CỦA THẾ HỆ SAU”


                                                                                          Hải Dương xanh
          Những ngày vừa qua, theo dõi thông tin về bệnh công thần, kiêu ngạo xảy ra với hiện tượng một số cán bộ nghỉ hưu, trong đó có cả một vị tướng khiến bản thân tác giả rất buồn. Là thế hệ trẻ, sinh ra và lớn lên trong điều kiện đất nước hòa bình, ổn định và ngày càng phát triển, chúng tôi nhận thức rằng, để có nền độc lập, tự do như hôm nay, các thế hệ cha ông đã phải đánh đổi bằng những hy sinh, gian khổ. Từ các cuộc chiến tranh để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc cũng đã xuất hiện những tấm gương anh hùng chiến đấu dũng cảm, quên mình, hy sinh dâng hiến cả tuổi thanh xuân, thậm chí xương máu, tính mạng của mình cho nền độc lập, tự do của nước nhà. Có người từng được tôn vinh, báo chí, phim ảnh nhắc nhiều và trở thành thần tượng của chúng tôi. Thế mà không hiểu tại sao những người đó lại có thể thay đổi đến như vậy?

          Tôi cũng đã được nghe lời căn dặn của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Nhiều người đã vươn lên, tiếp tục đóng góp, dựng xây đất nước nhưng thật đáng buồn lại có một số ít thương binh công thần, lợi dụng danh nghĩa thương binh để tham gia vào những việc như đòi nợ thuê, gây sức ép ở những nơi cần giải phóng mặt bằng. Hay như vừa rồi, có nhóm người tự xưng là thương binh quậy phá đòi đặc quyền nhận vé vào xem bóng đá. Thậm chí có chủ tịch một hội liên quan đến thương binh mà lại tiếp xúc, tham gia các hoạt động do những đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước tổ chức… thì phải chăng họ đã bị “phế” về tư tưởng, về nhân cách?
          Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những chiến công, hy sinh của cha ông, thế hệ trẻ chúng tôi luôn trân trọng và biết ơn. Nhưng chúng tôi thật sự cảm thấy thất vọng khi có trường hợp nhân vật là thần tượng của mình một thời bỗng dưng sụp đổ. Chúng tôi không muốn xảy ra điều đó. Ai vấp ngã cũng có thể đứng dậy. Những năm chiến tranh, từ phong trào thi đua, các đơn vị quân đội, các tập thể và toàn quân, toàn dân đã người người thi đua, xây dựng nên hình ảnh những người anh hùng. Vậy thì thời bình, khi họ mắc sai lầm, rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, của toàn xã hội để phê bình, đấu tranh, giúp họ nhận thức, sửa sai, tiến bộ. Còn với những người không còn xứng đáng nữa thì cũng cần có kết luận rõ ràng, không để tốt xấu lẫn lộn, không để những tấm gương mờ làm giảm niềm tin của thế hệ đi sau.


1 nhận xét: