Nhất
chi can
Không rùm beng ồn ĩ,
không hô hào, kích động ào ạt, mà cuộc “xâm lăng văn hóa” diễn ra từ từ, ngấm
ngầm, dai dẳng, nhưng vô cùng tai hại. Nếu không sớm nhận diện, tỉnh táo và có
biện pháp phòng ngừa từ xa, văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ đứng trước thử thách
“sinh tử” bởi “cuộc chiến mềm” đầy mưu mô, tính toán của các thế lực thù địch.
Sở dĩ người ta ví sự “xâm lăng văn hóa” như một “cuộc chiến mềm”
bởi xuất phát từ vị trí, vai trò và chức năng của văn hóa. Văn hóa là gốc rễ,
là cội nguồn làm nên sức mạnh nội sinh và sức sống của mỗi dân tộc, đồng thời
được ví như “tấm thẻ căn cước”, “chứng minh thư” để nhận diện giữa dân tộc này
với dân tộc khác.
Quá trình phát triển kinh
tế, xã hội và hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng, bên cạnh tiếp thu, hấp
thụ những giá trị, tinh hoa văn hóa của nhân loại, nước ta đang phải đối mặt
với một thách thức, nguy cơ không nhỏ. Những năm gần đây, nhiều giá trị văn hóa
truyền thống tốt đẹp của ông cha bị đảo lộn, nhiều hành vi phản văn hóa mới
xuất hiện với tần suất lớn, mật độ dày và nhất là môi trường văn hóa xã hội
đang bị “ô nhiễm nặng nề” đã và đang trở thành nỗi bất an đối với vận mệnh quốc
gia, dân tộc và tương lai đất nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực
trạng này là do cuộc “xâm lăng văn hóa” nhằm vào nước ta đang tấn công từ nhiều
phía, từ nhiều con đường, thông qua nhiều hình thức, âm mưu, thủ đoạn hết sức
tinh vi, thâm độc.
Tại sao trong thời gian
qua, dư luận hết sức băn khoăn bởi một bộ phận giới trẻ sa đà vào lối sống
“gấp”, sống “thử”, sống co ro vào cái tôi nhỏ nhoi của mình? Tại sao nhiều
thanh, thiếu niên nghiện trò chơi điện tử, nghiện xem phim sex, phim bạo lực
đến mức báo động đỏ? Tại sao các vụ ly hôn trong gia đình trẻ, các vụ vi phạm
pháp luật ở tuổi vị thành niên và thanh niên liên tục gia tăng? Tại sao rất
nhiều người trẻ đã bị lôi kéo, mê hoặc đến mức “phát cuồng” một số ca sĩ, diễn
viên, ngôi sao bóng đá từ nước ngoài mà họ coi là thần tượng? Tại sao một số bộ
phim vừa ra đời đã bị công luận tiến bộ cảnh báo là nhảm nhí, thảm họa, làm
“vẩn đục” môi trường điện ảnh Việt Nam? Tại sao xuất hiện một số bài báo
theo kiểu “lượm lặt đó đây”, “sưu tầm bốn phương”, “thông tin đa chiều”, “thế
giới nhìn từ nhiều góc cạnh”… với nguồn thông tin không được kiểm chứng, thậm
chí là những thông tin vô bổ, có xuất xứ từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam?
Tại sao một số nhà xuất bản đã dịch và in ấn những cuốn sách nước ngoài có nội
dung xa lạ với nếp nghĩ, truyền thống của dân tộc ta?
Tất cả những biểu hiện nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân
chủ quan và khách quan, trong đó, căn nguyên vừa sâu xa, vừa trực tiếp là do
chúng ta chưa chuẩn bị chu đáo về tâm thế, bản lĩnh trước khi bước vào sân chơi
toàn cầu, chưa đủ kiến thức và sự tỉnh táo cần thiết nên đã bị choáng ngợp
trước các những cuộc “xâm lăng mềm” về văn hóa. Trong khi đó, các thế lực thù
địch, bá quyền đã tìm mọi cách, lợi dụng mọi sơ hở về chính sách, luật pháp của
Việt Nam và lợi dụng tối đa những mặt trái của internet để cung cấp, truyền bá
các tư tưởng lai căng, các sản phẩm văn hóa, thông tin độc hại vào nước ta. Với
phương thức “mưa dầm thấm lâu”, thông qua sản phẩm văn hóa, thông tin xấu độc
xuất hiện ngày càng nhiều, các thế lực thù địch muốn tiêm nhiễm vào tâm hồn,
suy nghĩ công chúng, nhất là giới trẻ, qua đó làm dao động niềm tin, chao đảo
nhận thức, từng bước thay đổi tư tưởng, lối sống, tâm lý, hành vi của họ. Đó
cũng là mưu đồ mà các thế lực thù địch muốn “chuyển đổi hệ giá trị” ở Việt Nam,
làm cho giới trẻ bị cuốn vào lối sống vị kỷ, thực dụng, sa vào chủ nghĩa cá
nhân, ngày càng xa rời lý tưởng, lẽ sống, niềm tin mà các thế hệ ông cha đã
phải đổ bao xương máu, mồ hôi, công sức mới vun đắp, tạo dựng nên.
Cách đây gần 7 năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ
thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa
độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, trong đó đã cảnh báo nghiêm khắc: “Môi
trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới
khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm
tin của một bộ phận công chúng. Tình trạng đó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp
đến trật tự, an toàn, an ninh xã hội, dẫn đến khuynh hướng tự diễn biến về
chính trị, tư tưởng, tác hại lâu dài đến các thế hệ mai sau”.
Văn kiện Đại hội XII cũng đã chỉ ra: “Môi trường văn hóa còn tồn
tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục…
Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn
hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân
dân, nhất là lớp trẻ”.
Thông qua những cụm từ như: “Khủng hoảng tinh thần, mất phương
hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin”, “tác động tiêu cực đến đời
sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ”..., cũng đủ thấy tính
chất nghiêm trọng của vấn đề mà Đảng ta đã chỉ ra. Những cảnh báo đó đến nay
vẫn chưa hề mất tính thời sự, hơn thế, có vấn đề còn trở nên đáng báo động hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói: Mất đất có thể chưa mất
nước, nhưng mất văn hóa là mất tất cả. Điều mấu chốt này tưởng như ai cũng
hiểu, cũng thấu, nhưng trên thực tế, không ít tổ chức, cá nhân, trong đó đáng
nói nhất là một bộ phận thanh, thiếu niên đã bị cuốn theo những “cơn lốc mềm”
từ các cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài mà không hề hay biết. Sự vô tình,
thiếu hiểu biết đó cùng với những “tác động mềm” hết sức tinh vi của các thế
lực thù địch đã làm cho bản sắc văn hóa truyền thống bị nhạt phai, có thể dẫn
tới nguy cơ mất gốc và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta dễ bị lung
lay, mọt ruỗng.
Trước thực tế không thể coi nhẹ, xem thường đó, vấn đề cấp bách
hiện nay là chúng ta phải thường xuyên, tích cực bồi tụ, vun đắp, nâng cao sức
đề kháng văn hóa cho các cấp, các ngành và toàn xã hội. Sức đề kháng văn hóa
chính là tăng cường khả năng phòng ngừa, bảo vệ, chống lại các sản phẩm văn
hóa, thông tin độc hại từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta. Lịch sử đã minh chứng
rằng, sức đề kháng văn hóa có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc giữ gìn,
bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nếu sức đề kháng văn hóa non nớt, nhu nhược, yếu kém sẽ là mảnh đất màu mỡ cho
các “vi rút văn hóa” độc hại có cơ hội nảy sinh, lây lan, làm xói mòn tâm hồn,
cốt cách văn hóa dân tộc. Ngược lại, nếu sức đề kháng văn hóa mạnh mẽ, cường
tráng sẽ góp phần làm cho văn hóa Việt Nam không những giữ gìn được gốc gác,
cội nguồn, bản sắc của mình, mà còn có thể đẩy lùi, tiêu trừ, loại bỏ được các
tạp chất gây hại cho môi trường văn hóa dân tộc. Vì vậy, có thể khẳng định
rằng, việc huy động các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng chung tay góp sức
bồi đắp, nâng cao sức đề kháng văn hóa cho dân tộc chính là bảo đảm cho tư thế,
bản lĩnh, sức sống và sức mạnh văn hóa Việt Nam luôn trường tồn, bền vững trong
thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu bảo đảm cho những
giá trị, tinh hoa của dân tộc không bị pha trộn, mất gốc hay đồng hóa trước các
cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài.
Bài viết rất hay, cần được nhân rộng
Trả lờiXóa