Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

Mưu đồ chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông và một số hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam trong thời gian gần đây



Dung Khuat
1. Mưu đồ chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông
- Trung Quốc và những lợi ích sống còn từ Biển Đông:
Về lĩnh vực kinh tế, Biển Đông là nguồn cung cấp năng lượng của tương lai; một trong 4 khu vực đánh cá chủ yếu của ngư dân Trung Quốc; đường vận tải sinh mệnh của nền kinh tế Trung Quốc.
Về an ninh quốc phòng, đây là một bức tường thành tự nhiên trên biển, là vành đai quân sự, rào cản an ninh để ngăn chặn những rủi ro và uy hiếp từ bên ngoài.
Về mặt địa chiến lược, đây là cửa ngõ duy nhất, là bàn đạp để Trung Quốc đi ra thế giới bên ngoài. Biển Đông là một phần quan trọng, cũng là điểm khởi đầu con đường tơ lụa trên biển. Con đường này là trọng tâm của sáng kiến Vành đai - Con đường. Sáng kiến này là một phần của giấc mơ chấn hưng Trung Quốc.

- Các kế sách của Trung Quốc trên Biển Đông:
Trung Quốc có nhiều kế sách trong vấn đề Biển Đông, như “tằm ăn dâu”, “biến không thành có”, “gác tranh chấp cùng khai thác”, “cây gậy và củ cà rốt”, “bất chiến tự nhiên thành”... Đáng chú ý là, gần đây Trung Quốc sử dụng kế sách rất thâm độc, đó là chiến thuật “vùng xám” tức dân sự hóa các hoạt động quân sự và bán quân sự, không sử dụng hải quân cũng như các hoạt động có cường độ quá mạnh hay vượt qua một “giới hạn đỏ” nào đó. Mục đích của điều này được gọi là “căng thẳng cường độ chậm”, không để tạo ra những phản ứng quá quyết liệt từ các nước khác.
Như vậy, xuất phát từ lợi ích sống còn ở Biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng nhiều kế sách nhằm mục tiêu hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
2. Một số hoạt động của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam trong thời gian gần đây
Ngày 13/8/2019, Nhóm tàu Hải Dương 8 đã quay trở lại vùng biển của Việt Nam và từ ngày 13/8 đến nay, Nhóm tàu này đã tiến hành thêm nhiều tuyến khảo sát vi phạm vào chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển. Tiếp đó ngày 23/8/2019, tàu khảo sát Khoa học Hải Dương 4 cũng đi vào vùng biển Việt Nam và đến tối ngày 24/8/2019 tàu Hải Dương 4 đã rời khu vực. Việc Nhóm tàu Hải Dương 8 quay trở lại và Hải Dương 4 xâm phạm vùng biển của Việt Nam là bước đi trong chiến thuật “vùng xám” - biến vùng không tranh chấp trở thành tranh chấp, nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Các hoạt động này không nằm ngoài dự báo của chúng ta, vì thế chúng ta đã có những bước đi xử lý kịp thời, chủ động và linh hoạt cả trong đấu tranh thực địa và trong đấu tranh chính trị - ngoại giao, cụ thể là:
- Trong đấu tranh trên thực địa, các lực lượng chức năng của ta đã chủ động duy trì lực lượng, triển khai các phương án phù hợp bảo đảm thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta trên biển, ứng phó thích hợp với diễn biến tình hình, tiếp tục bảo vệ an toàn các hoạt động dầu khí của ta trong vùng biển Việt Nam;
- Trong đấu tranh chính trị - ngoại giao, các cơ quan chức năng của ta đã tiến hành giao thiệp, phản đối nhiều lần qua đường ngoại giao ở nhiều cấp độ khác nhau, cả trên kênh Đảng, kênh Nhà nước, kênh đối ngoại nhân dân và từng bước nâng cấp đấu tranh chính trị - ngoại giao theo diễn biến vụ việc;
- Các cơ quan chức năng và cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã tích cực thông tin để các chính đảng các nước, các diễn đàn, tổ chức nhân dân quốc tế lên tiếng ủng hộ Việt Nam; gặp gỡ kiều bào cốt cán trong cộng đồng để cung cấp thông tin về chủ trương, biện pháp đấu tranh của ta, đồng thời định hướng để cộng đồng ta thể hiện thái độ bất bình phù hợp luật pháp sở tại trước việc Trung Quốc tái diễn vi phạm vùng biển nước ta.
 Dự báo thời gian tới hoạt động vi phạm của Trung Quốc có khả năng còn kéo dài và diễn biến phức tạp. Vì vậy các cấp, các ngành, các lực lượng cần tiếp tục tuyên truyền khẳng định việc Trung Quốc cho tàu Hải Dương 8 cùng với các tàu hộ tống khảo sát dài ngày xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông là hành động sai trái, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam được quy định bở Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương đấu tranh của ta là: Kiên quyết, kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước gắn liền với bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển của Tổ quốc, quyết tâm triển khai hoạt động dầu khí của ta tại Lô 06/1 như đã tiến hành bình thường với các đối tác quốc tế trong gần 20 năm qua.
Làm tốt công tác định hướng để các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào quan điểm, chủ trương, biện pháp đấu tranh của ta; bình tĩnh, tỉnh táo trước các thông tin sai trái, xuyên tạc, kích động trên mạng xã hội; tích cực đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực trên báo chí, mạng xã hội; kiên quyết đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, kích động tư tưởng “bài Hoa”, gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc chính sách đối ngoại và chủ trương của Đảng, Nhà nước ta.















1 nhận xét:

  1. Trung Quốc có âm mưu độc chiếm biển đông, nên chúng ta phải cảnh giác

    Trả lờiXóa