Long Thành
Để nền tảng tư tưởng của Đảng
có sức sống trường tồn, cần phải làm cho lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước có sự thẩm thấu, lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Vì thế, cần
thực hiện tổng thể các nội dung, giải pháp; trong đó, tập trung vào những vấn
đề cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền chủ nghĩa
Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị.
Trước hết, cần tuyên truyền sâu rộng bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa
Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho nó thấm sâu vào đời sống xã hội,
trở thành nền tảng tinh thần, định hướng tư tưởng cho xu thế phát triển trên
các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các cấp, ngành, nòng cốt là cơ quan báo chí,
học viện, nhà trường, viện nghiên cứu cùng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền
viên phải phối hợp chặt chẽ, tích cực tuyên truyền về vấn đề này, với nội dung,
hình thức, phương pháp thiết thực, hiệu quả, có tính định hướng cao. Trong đó,
cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), ngày
18-3-2002 “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình
mới”, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), ngày 01-8-2007 “Về công tác tư tưởng,
lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”, v.v. Thông qua đó, làm cho cán bộ, đảng
viên, các tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng, đủ những nội dung cơ bản của chủ
nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu
dài.
Cùng với đó, phải đẩy mạnh đổi
mới công tác giáo dục chính trị. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Không có lý luận về
chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng. Vì
vậy, các cô, các chú phải chịu khó học tập lý luận Mác – Lê-nin, học tập đường
lối, chính sách của Đảng; đồng thời phải học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp
vụ”1. Để nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, các nhà
trường phải thực hiện nghiêm Kết luận 94-KL/TW, ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư
(khóa XI) “Về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống
giáo dục quốc dân”; Chỉ thị 23-CT/TW, ngày 09-02-2018 của Ban Bí thư “Về tiếp
tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và
phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”.
Theo đó, cần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ nội dung, chương trình, giáo trình và
phương pháp giảng dạy lý luận chính trị trong hệ thống các nhà trường; truyền
thụ đầy đủ những nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, cập nhật những nội dung mới, phù hợp tình hình hiện nay, làm cơ sở
cho việc vận dụng trong chỉ đạo thực tiễn. Đặc biệt, cần chú trọng việc giáo
dục lý luận chính trị cho thế hệ trẻ trong các nhà trường, nâng cao tính hấp
dẫn của việc dạy và học các bộ môn Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng
chương trình đào tạo lý luận chính trị phù hợp với đối tượng và cấp học, có
tính liên thông, khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp, phù hợp với nhu cầu đào tạo,
bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, bám sát thực tiễn, nâng cao tính thiết thực, tránh
chạy theo hình thức, bằng cấp.
Thứ hai, tích cực đấu tranh với quan điểm sai trái,
thù địch. Để thực hiện tốt nội dung này, cần quán triệt, thực hiện nghiêm
Chỉ thị 34-CT/TW, ngày 17-4-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “Về
tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh
vực tư tưởng, văn hóa”, Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị
(khóa XII) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, v.v. Trên cơ sở đó, các
cấp, nhất là cơ quan báo chí, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu cần chủ
động và tích cực đấu tranh, phê phán quan điểm sai trái, thù địch, vạch trần
thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác –
Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đối lập giữa hai hệ tư tưởng này; thổi phồng
những sơ hở, yếu kém của ta trong công tác lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội,
nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ, khối đại đoàn kết
toàn dân tộc. Vì vậy, việc kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái,
thù địch là một giải pháp hết sức quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng.
Các cấp phải chủ động tổ chức
tọa đàm, đối thoại với những cán bộ có ý kiến khác hoặc trái với đường lối,
quan điểm của Đảng nhằm giải tỏa bức xúc, tăng cường sự đồng thuận xã hội, sự
nhất trí trong nội bộ Đảng. Quản lý chặt chẽ báo chí, xuất bản, internet, mạng
xã hội theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường thông tin đối ngoại và
thông tin nội bộ, nhằm nâng cao tính thuyết phục, tính chiến đấu của công tác
tư tưởng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng
Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững
chắc Tổ quốc trước yêu cầu mới.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực
tiễn. Trong quá trình tìm đến chân lý cách mạng, ngay từ năm 1924, Nguyễn
Ái Quốc đã nhấn mạnh: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử”
của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình
không thể có được”2. Do vậy, để nền tảng tư tưởng của Đảng có sức
sống trường tồn, phải tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để bổ
sung, làm phong phú lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Bởi, mặc dù là lý luận khoa
học, cách mạng, nhưng không có nghĩa mọi nguyên lý, lý luận đó đều đúng với mọi
thời đại. Cho nên, trước hết phải học tập phương pháp luận mác-xít, còn các
nguyên lý, lý luận phải có sự kế thừa, bổ sung và phát triển. Quá trình nghiên
cứu lý luận cần làm rõ một số vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư
tưởng Hồ Chí Minh theo các hướng sau: (1). Khẳng định những luận điểm nào có
giá trị bền vững, trước kia đúng, bây giờ vẫn đúng và về sau vẫn đúng. (2). Làm
rõ những luận điểm nào trước kia đúng, nhưng điều kiện lịch sử hiện nay đã thay
đổi, đã bị thực tiễn vượt qua, không còn phù hợp. (3). Chỉ rõ những luận điểm
nào ngay khi sinh thời, các ông đã phát hiện thấy không đầy đủ hoặc thừa nhận
là sai và đã sửa đổi nhưng chúng ta không thấy hết. (4). Làm rõ những luận điểm
nào của các ông mà chúng ta đã hiểu sai do nghiên cứu không đến nơi đến chốn,
hoặc hiểu theo cách hiểu không đúng của người khác, đảng khác.
Để thực hiện tốt các nội dung
trên, đòi hỏi phải phát huy dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị, thực
hiện tốt Quy định 285-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về dân chủ trong nghiên
cứu lý luận chính trị trong học viện, nhà trường, viện nghiên cứu. Thông qua
đó, có kết quả nghiên cứu khoa học nhằm góp phần bổ sung, phát triển sáng tạo,
nâng lên tầm cao mới lý luận Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu
cầu thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, cần làm tốt công tác
tổng kết thực tiễn gần 90 năm lãnh đạo của Đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác –
Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; từ đó, rút ra những vấn đề lý luận làm sáng tỏ
thêm tính đúng đắn của hệ tư tưởng này. Đồng thời, tìm ra những vấn đề mới để
vận dụng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với sự phát
triển của thực tiễn, tránh dập khuôn, giáo điều, máy móc.
Thứ tư, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận,
nhất là cán bộ chuyên sâu về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp
ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chất lượng và hiệu quả của công tác lý luận, của
việc bảo vệ, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh
phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ lý luận. Hơn ai hết, đội ngũ này phải là
lực lượng kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu về chủ nghĩa Mác –
Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng ta. Tuy nhiên, hiện nay,
“Không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài
nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”3, thậm chí “phản bác, phủ nhận chủ
nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”4. Bởi vậy, việc xây dựng
đội ngũ cán bộ lý luận, nhất là cán bộ chuyên sâu về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư
tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Để
làm được điều đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng trong các học viện, nhà trường về
những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cần được
chú trọng, đổi mới; đồng thời, làm tốt việc lựa chọn những người có đủ điều
kiện cả về phẩm chất, năng lực, đạo đức, phong cách làm công tác giảng dạy,
nghiên cứu lý luận. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa
XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị.
Thứ năm, phát huy vai trò của lực lượng vũ trang
trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
là trách nhiệm của mọi cấp, ngành, lực lượng, của cả hệ thống chính trị; trong
đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang là lực lượng quan trọng. Vì vậy, cán
bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cần quán triệt, có nhận thức đúng, đủ về chức
trách, nhiệm vụ của mình; đề cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập chính
trị, nghiên cứu lý luận theo các chương trình cơ bản quy định cho các đối
tượng. Các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu tiếp tục nâng cao chất lượng
giảng dạy lý luận chính trị; nghiên cứu, tổng kết thực tiễn lý luận quân sự,
quốc phòng; biên soạn tài liệu định hướng đấu tranh phản bác quan điểm sai
trái, thù địch, góp phần hoạch định đường lối bảo vệ Tổ quốc của Đảng, đấu
tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Các cơ quan thông tấn, báo chí Quân
đội chủ động, kịp thời thông tin làm rõ sự thật, định hướng tư tưởng, dư luận
cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là trước những sự kiện nhạy cảm, phức
tạp, tạo sự thống nhất cao đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước nói chung, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nói
riêng. Tăng cường xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chương trình, tăng thời
lượng đăng tải các tin, bài đấu tranh phản bác, vạch rõ tính chất phản động,
phản khoa học của những quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế
lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cơ quan chức năng
tiếp tục duy trì, thực hiện chế độ giao ban phản ánh tình hình, trao đổi thông
tin, thống nhất biện pháp phối hợp đấu tranh, góp phần ngăn chặn mọi âm mưu,
hành động móc nối, tập hợp lực lượng của các thế lực thù địch, phản động, cơ
hội, bất mãn kích động, chống đối, chia rẽ nội bộ Đảng và khối đại đoàn kết
toàn dân tộc; không để chúng lợi dụng những yếu kém, bất cập trong quản lý,
điều hành của Đảng và Nhà nước để xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận chủ nghĩa Mác –
Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, cần chú trọng tổ
chức lực lượng tác chiến trên không gian mạng, lực lượng chuyên sâu đấu tranh
trực diện với các quan điểm sai trái trên internet. Hình thành các trang web cá
nhân của lực lượng nòng cốt, mở rộng, phát triển các bloger, ứng dụng có hiệu
quả công nghệ thông tin để cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị,
đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Chủ động áp dụng các biện pháp kỹ
thuật để chặn lọc thông tin mạng, không để các thế lực thù địch lợi dụng
internet chống phá ta.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng là sự nghiệp lâu dài, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh
tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, các cấp, ngành; qua đó, làm cho lý luận
chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước mãi trường tồn và có sức lan tỏa sâu rộng
trong đời sống xã hội.
Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa