Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

BỆNH CÔNG THẦN CỦA MỘT SỐ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN - NHẬN DIỆN VÀ PHÒNG, CHỐNG

Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại, vô cùng kính yêu của Đảng và dân tộc ta, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá lớn, người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang Việt Nam. Trước lúc đi xa, Người viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.
Đó là lời căn dặn của Người đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và các thế hệ mai sau về đạo đức của người cách mạng, phải luôn gương mẫu, phải rèn luyện đạo đức cách mạng suốt cuộc đời. Đồng thời, đó cũng là lời cảnh tỉnh đối với những ai mắc vào “bệnh” công thần – những thói hư tật xấu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
          Ấy vậy mà, có những cán bộ, đảng viên luôn cho mình là người trung thành và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng họ đã vô tình hoặc cố ý mắc ngay vào “bệnh” công thần, kiêu ngạo cộng sản. Chính những người như thế không chỉ làm méo mó hình ảnh, nhân cách, vinh quang của chính họ mà còn tạo ra dư luận xấu, ảnh hưởng đến niềm tin, tình cảm của nhân dân, đồng đội; Họ đã vi phạm cả pháp lý, đạo lý, xa rời nhân tâm, tự vùi dập danh dự của mình; Họ “Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu, tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Thậm chí, có người khi nghỉ hưu mắc vào bệnh công thần trầm trọng hơn.
          Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong đó có việc nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; Nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu; Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội. Đồng thời, không cho phép bất cứ ai lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.
          Như vậy, một vài hiện tượng cán bộ nghỉ hưu gần đây khi giao lưu, tọa đàm, hội thảo bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để xuyên tạc, tán phát thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Họ đã vi phạm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng, vi phạm vào quy định những điều đảng viên không được làm, vi phạm vào quy định trách nhiệm nêu gương.
          Để phòng, chống “bệnh” công thần, kiêu ngạo cộng sản, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn thực hành đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân – chủ nghĩa cá nhân sinh ra bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân; Tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, nghiêm khắc phê phán những thái độ, hành vi vi phạm pháp luật. Đảng, Nhà nước và mỗi tổ chức cần xử lý nghiêm những cá nhân và tổ chức vi phạm kỷ luật của cơ quan, đơn vị, vi phạm pháp luật Nhà nước. Điều đó sẽ tạo ra động lực và sức mạnh tinh thần to lớn giúp mọi cán bộ, đảng viên vượt qua mọi thử thách và cạm bẫy của chủ nghĩa cá nhân để phấn đấu cho lợi ích của Đảng, của nhân dân đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới./.

1 nhận xét:

  1. Hiện nay, có một số cán bộ có tư tưởng “công thần”; họ cậy công sức đã bỏ ra để đòi hỏi nhiều quyền lợi phi lý, có thái độ bất cần, không quan tâm đến kỷ cương, pháp luật. Vì vậy phải đấu tranh để loại bỏ căn bệnh này ra ngoài xã hội.

    Trả lờiXóa