Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Góp phần Tìm hiểu tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh


Việt Thắng
        Dân chủ là một phạm trù rất rộng và được hiểu với nhiều nghĩa khác nhau tuỳ theo góc độ tiếp cận. Ngay từ thời cổ đại Người Hy lạp đã khái quát về dân chủ, nó được ghép bằng hai từ De mos và Kratos điều đó có nghĩa là mọi quyền lực xã hội thuộc về nhân dân, khi nào nhân dân chưa thực sự là người làm chủ thì khi đó xã hội chưa thực sự dân chủ. Dưới góc độ đó, xem xét lịch sử xã hội loài người cho thấy đó chính là lịch sử đấu tranh đòi dân chủ. Chủ nghĩa Mác- Lênin là đỉnh cao trí tuệ nhân loại đã khái quát đầy đủ bản chất của dân chủ. Tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát triển rất độc đáo những tinh hoa tư tưởng dân chủ của nhân loại mà đỉnh cao là lý luận chủ nghĩa Mác- Lê nin. Tư tưởng về dân chủ của Người được thể hiện cô đọng trong bản tuyên ngôn độc lập: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Cùng với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì dân chủ là một mục tiêu cách mạng mà Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu thực hiện.

ở Người, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội là những phạm trù không bao giờ tách rời nhau, nhưng tư tưởng dân chủ của Người được phát triển nâng lên một tầm cao mới có nội dung sâu sắc hơn, phong phú hơn mà ngày nay chúng ta cần nghiên cứu và khai thác để phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Quan niệm về dân chủ của Hồ Chí Minh rất rộng, rất toàn diện được biểu hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và được thể hiện trong toàn bộ cuộc đời hoạt động của Người, tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh có thể được khái quát trên một số điểm chủ yếu sau.
Một là, Hồ chí Minh luôn cho rằng dân chủ là của quí báu nhất của nhân dân. Ngay từ khi còn là một học sinh của trường Quốc học Huế cho đến khi ở cương vị là Chủ tịch nước và ngay cả trước lúc từ biệt thế giới, ý nghĩ bao trùm nhất của Người là hướng về nhân dân, mong muốn cho nhân dân làm chủ đất nước mình và có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Hồ Chí Minh luôn quan niệm rằng: có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân, mới đưa cách mạng tiến lên. Bởi vì: nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì, Người coi đó là điều kiện để tiến tới chủ nghĩa xã hội. Người nói: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương do dân cử ra. Tất cả quyền lực trong nước Việt nam dân chủ cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Người còn luôn đặt ra nhiệm vụ cho bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương là: Làm sao cho nhân dân được hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình dám nói, dám làm, phải mở rộng dân chủ thực sự với nhân dân và Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, mọi người có quyền làm, có quyền nói. Trong quá trình lãnh đạo đất nước Người đặc biệt quan tâm xây dựng mối quan hệ giữa dân với Đảng và chính quyền, đảng viên và cán bộ, quan hệ trên dưới, lãnh đạo và bị lãnh đạo…Người rất chăm lo xây dựng lề lối làm việc dân chủ, tác phong công tác sâu sát quần chúng của cán bộ đảng viên của Đảng. Người chỉ rõ “ Phải giáo dục cho cán bộ hợp tác xã tinh thần chí công, vô tư , tác phong dân chủ”[1]
Hai là, dân chủ tức nhân dân là người làm chủ, địa vị và quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân. Theo Người dân chủ cũng có nghĩa là mọi lợi ích là vì dân, mọi quyền hạn là của dân, mọi công việc đều từ nơi dân, trong thiết chế dân chủ ấy nhân dân ở địa vị cao nhất... Để đạt được điều đó, theo Người phải giải quyết tốt hai vấn đề, một mặt phải nâng cao năng lực thực hành dân chủ và văn hoá dân chủ cho nhân dân, bảo đảm cho nhân dân có đủ khả năng, có dũng khí đấu tranh bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình, mặt khác cần phải có những thiết chế dân chủ, những qui chế, qui định cụ thể để bảo đảm cho nhân dân ở địa vị cao nhất mà không cho phép bất kỳ một lực lượng nào được lạm dụng, tự cho mình đứng cao hơn nhân dân. Đối tượng nhân dân trong tư tưởng của Người cũng rất rộng, bao gồm các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc khác nhau trên đất nước ta mà tuyệt đại đa số là nhân dân lao động.
 Đối với công nhân Người khẳng định:“ Công nhân có quyền thực sự trong xí nghiệp”[2], từ làm chủ trong tư liệu sản xuất, họ (công nhân) làm chủ việc quản lý kinh tế, làm chủ việc phân phối sản phẩm lao động. Có thể nói rằng đây là những quyền cơ bản nhất của công dân. Cho đến nay, phải thừa nhận rằng mặc dù Đảng và Nhà nước ta cũng đã có nhiều cố gắng ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhưng chúng ta vẫn chưa tìm thấy biện pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này.
Đối với nông dân Người luôn xác định đây là lực lượng đông đảo và to lớn nhất của dân tộc và cũng là lực lượng mà Người rất quan tâm, Người khẳng định: Muốn nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có ruộng cày có cơm ăn, áo mặc, nhà ở. Vì vậy ngay khi nước nhà được độc lập, vấn đề mà Người và Chính phủ quan tâm đầu tiên là tiến hành tổng tuyển cử Toàn quốc, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, mọi công dân Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử được tự do bầu cử lựa chọn những đại biểu ưu tú, tiêu biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình. Đồng thời với mục tiêu đó là mục tiêu diệt giặc đói, diệt giặc dốt, tiến hành cải cách ruộng đất thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”.
Đối với trí thức Người nhấn mạnh khía cạnh tự do tư tưởng, Người chỉ rõ“ Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Theo Hồ Chí Minh, đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là quyền lợi, mà cũng là nghĩa vụ của mọi người”[3]. Người còn vạch rõ: “ Quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý”. Như vậy theo Người, con người tự do cũng là con người biết phục tùng chân lý, đây là cách giải thích rất mới mẻ và đầy sáng tạo
Trong tư tưởng dân chủ, Hồ Chí Minh còn đề cập đến nhiều đối tượng khác như quyền bình đẳng giữa các dân tộc, quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng, đặc biệt Người quan tâm đến quyền dân chủ của phụ nữ, Người nhấn mạnh: Giải phóng người dàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông.
Đối với quân đội và công an nhân dân, tư tưởng dân chủ của Người thật độc đáo và thân thiết nhưng rất sâu sắc. Người căn dặn đội ngũ cán bộ: Từ tiểu đội trưởng trở lên, tổng tư lệnh trở xuống phải săn sóc đời sống vật chất tinh thần của đội viên… Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng.
Đối với thanh niên, Người thường tập trung vào quyền được cống hiến của tuổi trẻ. Người thường căn dặn thanh niên không nên đòi hỏi ở nước nhà đã làm gì cho mình mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho tổ quốc, cho đồng bào của mình? Đồng thời Người không quên quan tâm đến những quyền lợi của thanh niên, như quyền học tập, vui chơi, giải trí…Như vậy tư tưởng đề cao nhân dân hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân được Hồ Chí Minh coi như là chân lý lớn nhất mà cả cuộc đời Người luôn tâm niệm phấn đấu và thực hiện
Ba là, Nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân: Hồ Chí Minh là người đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng chính quyền dân chủ mới ở nước ta. Ngay trong những ngày đầu tiên của chế độ mới Người đã chủ trì phiên họp chính phủ để bàn giải quyết những vấn đề cấp bách của nhân dân: như xoá nạn đói, nạn mù chữ, tiến hành tổng tuyển cử, tuyên truyền vận động lối sống mới: cần, kiệm, liêm chính, xoá bỏ thuế bất hợp lý, tuyên bố tự do tín ngưỡng… Người cũng chỉ rõ: Chúng ta đều chưa quen kỹ thuật hành chính…chắc chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm. Đó là những lời nói thật chân thành, đơn giản mà xúc tích nhưng rất dũng cảm, khoa học và có ý nghĩa to lớn trong xây dựng Nhà nước ta trước đây, cũng như Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Tư tưởng về chính quyền dân chủ của Người cũng rất đặc sắc và chặt chẽ, bao gồm một hệ thống quan niệm hoàn chỉnh về bản chất và mục tiêu, nhiệm vụ và chức trách, về cơ cấu và cơ chế quyền lực, về trách nhiệm và phẩm chất năng lực của cán bộ nhân viên chính quyền dân chủ…Khi nói về bản chất của Nhà nước Người luôn khẳng định: bản chất nhân dân và dân chủ của nó, mục tiêu hoạt động của Nhà nước là vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Người cũng nhấn mạnh đến vai trò chuyên chính của Nhà nước nhưng chỉ coi đó là biện pháp, như là cái khoá, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại. Khi nói về phẩm chất năng lực của cán bộ, nhân viên, chính quyền Người nhấn mạnh đến trách nhiệm “ công bộc” với nhân dân, phẩm chất đó được khái quát bằng những yêu cầu: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, được Người viết trong tác phẩm “ Sửa đổi lề lối làm việc”
Trong tư tưởng về dân chủ của Hồ Chí Minh, Người còn đề cập đến nhiều nội dung, nhiều góc độ khác nhau rất phong phú và sâu sắc…như dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể nhân dân, các vấn đề văn hoá dân chủ, năng lực thực hiện dân chủ của nhân dân.
Có thể nói những luận điểm về dân chủ của Hồ Chí Minh có nội dung rất phong phú và sâu sắc liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội là một kho báu có giá trị to lớn cả về lý luận cũng như trong thực tiễn. Những luận điểm đó chính là sự kế thừa có chọn lọc và phát triển rất sáng tạo, rất độc đáo  những tinh hoa dân chủ của nhân loại được kết tinh trong trí tuệ của nhà chính trị lỗi lạc ở thế kỷ XX. Đó cũng là sản phẩm trí tuệ của một nhân cách dân chủ lớn lao, là những giá trị mở, tràn đầy sức sống cần được tiếp nhận, phân tích lý giải một cách nghiêm túc khoa học. Những thành tựu và hạn chế trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa nói chung và ở nước ta nói riêng. Trong những năm qua là bằng chứng sinh động nhất, minh chứng cho giá trị to lớn và trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ ./.  
       



[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb sự thật, Hà nội, 1984 T9, Tr 574
[2] Hồ Chí Minh ; toàn tập, Nxb Sự thật, Hà nội 1989, t 10, tr 813,
[3] Hồ Chí Minh ; toàn tập, Nxb Sự thật, Hà nội 1987, t 10, tr 182

1 nhận xét: