Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHỐNG THAM NHŨNG VÀO ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY



Nguyễn Đắc
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ, là chiến sĩ lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX, đồng thời cũng là lãnh tụ, là chiến sĩ tiên phong chống tham nhũng – Một vấn đề mang tính toàn cầu. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham nhũng có giá trị to lớn đối với cách mạng Việt Nam trong cả cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay.

Hồ Chí Minh đấu tranh, tố cáo nạn tham nhũng trong chế độ thực dân, đế quốc, thuộc địa và chế độ tay sai bán nước để thức tỉnh quần chúng nhân dân, tiến hành vận động cách mạng. Người đã tố cáo nạn tham nhũng trong các loại quan chức chính quyền thực dân ở Đông Dương, coi tham nhũng là hiện tượng bản chất của chế độ này, Người viết: “Trong cái xứ này, do thiếu sót hay nói đúng hơn do ý định của Chính phủ, nên đâu đâu từ trên xuống dưới cũng đều có nạn tham nhũng mua quan bán tước”; trong “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người đã dành hẳn một chương để viết về nạn tham nhũng trong bộ máy cai trị, của những kẻ tự xưng là “quan phụ mẫu” của dân. Người cũng tố cáo nạn tham nhũng trong nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch: “Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc. Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh. Chong đèn, huyện trưởng làm công việc. Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”. Người tố cáo chế độ xã hội Mỹ nhân danh công lý, tự do, dân chủ, nhân quyền, nhưng “Quốc hội Mỹ đã thừa nhận những tổ chức chính trị, kinh tế, tài chính, pháp luật, báo chí của Mỹ thông đồng với lũ trộm cướp để ăn hối lộ và để trị những công nhân và công chức giác ngộ. Và vì vậy nên Mỹ không trị những bọn trộm cướp đó”.
Không chỉ đấu tranh chống tham nhũng trong chế độ thực dân, đế quốc thuộc địa và bọn tay sai bán nước, mà Hồ Chí Minh còn đấu tranh chống tệ tham nhũng ngay trong lòng chế độ mới mà Người đã sáng lập nên nhưng mục tiêu đấu tranh không phải là để xoá bỏ chế độ mới mà để xây dựng, củng cố, hoàn thiện nó. Bởi vì tham nhũng, thối nát không phải là bản chất của chế độ mới, nó chỉ là một tệ nạn nguy hiểm, một biểu hiện cao độ của sự thoái hoá, biến chất trong một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước. Ngay sau khi giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã vạch ra và cảnh báo một số hành vi tham nhũng mà công chức Nhà nước dễ mắc phải, đó là tham ô của công, đục khoét của dân, nhận hối lộ và mắc một số sai phạm khác như: làm việc trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, bè phái quan liêu, địa phương chủ nghĩa, hẹp hòi, quân phiệt...
Đề cập đến vấn đề tham nhũng Hồ Chí Minh thường dùng từ tham ô (hoặc nhũng lạm) và hay gắn với tệ quan liêu, lãng phí. Theo Người, “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô. - Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”. Người còn cho rằng, “tham ô là trộm cướp”. Người lên án: “Tham ô là hành động xấu xa nhất của con người... Nó có hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, có hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân, có hại đến đạo đức cách mạng”, “tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội”.
Lãng phí theo Hồ Chí Minh “là vì thiếu tinh thần trách nhiệm, không có ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước, của nhân dân", lãng phí có nhiều cách: lãng phí sức lao động, lãng phí thời giờ, lãng phí tiền của; về tác hại: “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”.
Quan liêu theo Hồ Chí Minh “là xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của những “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra nguyên nhân, nguồn gốc và điều kiện phát sinh tham nhũng. Về khách quan, Hồ Chí Minh cho rằng, tham ô, lãng phí là căn bệnh “tứ chứng nan y” của mọi nhà nước, dù Nhà nước Phong kiến, Nhà nước Tư bản hay Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa nếu không có sự giáo dục sâu sắc và mọi hoạt động của nhà nước không được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân thì khó tránh khỏi tình trạng tham ô, lãng phí; những người có chức có quyền, dù to hay nhỏ đều có điều kiện để tham nhũng. Người viết: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Về chủ quan, do cán bộ, đảng viên “thiếu đạo đức cách mạng, thiếu tinh thần trách nhiệm mà đâm ra hư hỏng như ăn cắp của công, vung phí tiền bạc và vật liệu của Nhà nước và của tập thể, làm hại đến việc phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống của nhân dân”; do cán bộ, đảng viên rơi vào chủ nghĩa cá nhân “một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm: lười biếng, ngại gian khổ, khó khăn, tham lam, trục lợi, thích địa vị, quyền hành, tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa...”. Người còn chỉ ra rằng, “có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu”. Bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt, vun trồng cho tham ô, lãng phí nảy nở. Tham ô, lãng phí còn do trình độ hiểu biết, trình độ văn hoá và trình độ tổ chức, quản lý của Nhà nước còn yếu kém.
Người coi tham ô, lãng phí, quan liêu là “kẻ địch”, là “giặc nội xâm”, “là cái xấu xa do xã hội cũ để lại, là như cái ung nhọt còn sót lại trên thân thể của người khổng lồ”, “kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Nó là kẻ thù rất nguy hiểm, vì không mang gươm, mang súng và nằm trong các tổ chức, ở mỗi cán bộ, đảng viên để làm hỏng công việc của ta, làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó của cán bộ ta; phá hoại đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính. Vì vậy, “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị”.
Ở nước ta hiện nay tình trạng tham nhũng với những biểu hiện vừa tinh vi, phức tạp, vừa trắng trợn, lộ liễu, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Trước đây, tham nhũng chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, nhưng ngày nay đã lan sang các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện, phòng, chống dịch bệnh… Tham nhũng xảy ra ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, là những cơ quan cầm cân, nảy mực, đại diện cho công lý và công bằng xã hội, như công an, viện kiểm sát, tòa án... Không ít cán bộ, công chức và người dân coi việc hối lộ cho công chức và việc công chức nhận hối lộ khi giải quyết công việc là chuyện bình thường. Tình trạng tham nhũng “vặt” và tham nhũng “nhỏ, lẻ”, mà nhiều người gọi là “nhũng nhiễu” hay “chi phí không chính thức” tuy thiệt hại không lớn nhưng diễn ra ở nhiều nơi, khiến người dân vô cùng bức xúc. Người tham nhũng lại là người có chức vụ, quyền hạn, nên thường là những người có nhận thức sâu rộng, am hiểu pháp luật, được tiếp cận nhiều thông tin, có điều kiện kinh tế, có quan hệ rộng; một số người có công lao đóng góp lớn cho xã hội, có uy tín với quần chúng nên khó phát hiện và xử lý. Từ tác hại nguy hiểm, to lớn của tham nhũng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, từ thực trạng tham nhũng, vận dụng tư tưởng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham nhũng vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:
Một là, giáo dục nâng cao nhận thức, phát huy vai trò đấu tranh chống tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đây là giải pháp quan trọng, giữ vai trò định hướng nhằm xây dựng tinh thần đấu tranh chống tham nhũng trong mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quan tham vì dân dại”. Vì vậy, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân để mọi người dân phát huy quyền làm chủ của mình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đây vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của mọi công dân, đồng thời phát huy quyền làm chủ của người dân còn là biện pháp để kiểm soát cán bộ, giúp cán bộ thực hành chữ liêm. Trong đấu tranh chống tham nhũng, nếu không dựa vào sự phát hiện của nhân dân thì khó có thể “vạch mặt, chỉ tên” chính xác và kịp thời những “tham quan ô lại”, thực tế những năm qua cho thấy, đa số các vụ tham nhũng bị đưa ra trước “vành móng ngựa” đều do người dân phát hiện ra. Sự đồng tình, ủng hộ, tham gia đấu tranh của nhân dân chính là sức mạnh và nhân tố quan trọng để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. Do vậy, cần phải phân tích cho người dân thấy tác hại nghiêm trọng của tham nhũng, từ đó tạo nên sự căm phẫn trong nhân dân về hành vi tham nhũng và giúp họ thấy sự cần thiết của việc chống tham nhũng, Chut tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Bất kỳ ngành nào, địa phương nào cũng phải giáo dục cho cán bộ, nhân dân, chiến sĩ gớm ghét nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”; thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong mọi hoạt động của bộ máy chính quyền nhà nước để chống tham ô, lãng phí, quan liêu một cách tích cực, có hiệu quả; phải có những cơ chế chính sách phù hợp động viên, giúp đỡ, bảo vệ nhân dân trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng. Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tinh thần phục vụ nhân dân cho cán bộ, công chức, những người có chức quyền, địa vị, có điều kiện và khả năng tham nhũng cũng chính là một trong những biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả hành vi tham nhũng; thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên.
Hai là, tiếp tục  xây dựng, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm công tác phòng chống, tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả.
Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tham ô, lãng phí gây nguy hại cho Đảng, Nhà nước, nhân dân. Đồng thời,  Đảng phải thực hành kỷ luật nghiêm minh với những cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng để làm trong sạch bộ máy tổ chức đảng, loại trừ “sâu”,  “mọt” đục khoét tài sản nhà nước, nhân dân cản trở sự phát triển của đất nước. Có như vậy, Đảng mới thật sự trong sạch, vững mạnh, tạo được lòng tin thực sự của nhân dân.
Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng; hoàn thiện pháp luật của Nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức; các quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, giám định tư pháp, thanh tra, kiểm toán, giải quyết tố cáo; các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng…, đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”. Hệ thống thể chế phải đảm bảo tạo ra một “cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng” và “một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng”.
Ba là, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người. Vì vậy, phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu, quyết tâm, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, trước hết là trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình phụ trách. Xây dựng quy định về tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và hoàn thiện chế tài xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.
Bốn là, không ngừng hoàn thiện bộ máy quản lý Nhà nước, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức.
Theo đó, xây dựng được bộ máy quản lý Nhà nước gọn nhẹ, có hiệu lực, thể hiện và thực hiện trên thực tế quyền lực của nhân dân bằng đầy đủ các cơ chế, chính sách, luật pháp, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân; thực hiện dân chủ hoá, công khai hoá và minh bạch. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa “hồng” vừa “chuyên”, có lối sống trong sạch, lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác. Giáo dục, rèn luyện làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao tính tiên phong, gương mẫu, biết “lo trước thiên hạ”, “hưởng sau thiên hạ”; là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, thực sự là “công bộc” của nhân dân.
Năm là, tích cực phát hiện, xử lý nghiêm các biểu hiện, hành vi tham nhũng.
Có cơ chế, giải pháp phù hợp, thuận lợi, an toàn để khuyến khích mọi người phát hiện, dễ dàng phản ánh, tố giác tham nhũng. Khi xảy ra tham nhũng thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có “vùng cấm”, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Xử lý nghiêm, đúng pháp luật cả những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng. Đồng thời, nghiêm trị những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, tố cáo sai sự thật, hãm hại người đấu tranh chống tham nhũng.
Sáu là, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng để ngăn chặn từ gốc nguyên nhân phát sinh tham nhũng.
Xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, trước hết là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Xây dựng văn hóa là xây dựng con người; văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng là ứng xử có văn hóa của con người với tiết kiệm, lãng phí, tham nhũng. Do đó, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng phải quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, lâu dài. Đó là, xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí; bản thân là tấm gương và vận động mọi người đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Lời dạy của Bác về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là vô cùng sâu sắc và hết sức quý báu. Thực hiện tư tưởng của Người, chống tham nhũng là trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân ta nhằm loại trừ những con “sâu”, “mọt” – kẻ thù nguy hiểm đang âm ỉ tấn công phá hoại, làm hạn chế sự phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển. Hiện nay, tham ô, tham nhũng là những hành động tiêu cực biểu hiện dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi khác nhau. Do đó, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt phát huy trò của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, có như vậy mới xây dựng Đảng, Nhà nước ta trong sạch, vững mạng thực sự của dân, do dân, vì dân.


1 nhận xét: