Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” VỀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ TRONG CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN Ở CÁC TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG HIỆN NAY



                                                       Tư Hồng
 “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là quá trình diễn biến từ bên trong của cán bộ, đảng viên, của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, theo hướng tiêu cực, nếu không ngăn chặn, khắc phục kịp thời và hiệu quả thì có thể dẫn đến làm biến chất cán bộ, đảng viên, biến chất Đảng và chế độ xã hội, trượt sang quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Thực chất của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị chính là sự tự thay đổi ở họ theo chiều hướng tiêu cực trong nhận thức tư tưởng, đạo đức, lối sống và trong hành động ở cán bộ, đảng viên của Đảng. Có nghĩa là cứ bị mòn dần, tự mòn dần, xa dần những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội, rồi biến chất,cứ bào mòn dần, mòn dần từng bước như thế rồi sẽ dẫn tới đâu? Nói “thoái hóa” là như thế, “tự chuyển hóa” là như thế”[1]. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rõ ràng không phải là quá trình đột biến tức thì, mà đó là một quá trình dần dần, “tích lượng thành chất”, “tích tiểu thành đại”, từ nhỏ đến lớn rất phức tạp, khó nhận biết và rất khó đấu tranh, khắc phục.

Theo cách xem xét đó thì hiện nay trong Đảng ta hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị không còn là ở trạng thái tiềm tàng mà đã diễn ra ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của Đảng ở những mức độ và biểu hiện khác nhau. Đại hội lần thứ XI của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, … trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”[2]. Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XI) đánh giá: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị,… với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng,…”[3]. Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: “Thực tế đã có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị,... Có người công khai bày tỏ ý kiến trái với Cương lĩnh, Ðiều lệ Ðảng, làm trái nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, thậm chí có người “sám hối”, “trở cờ”[4]. Tất cả những biểu hiện đó do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng suy cho đến cùng thì bản chất của nó chính là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong Đảng.
Để khắc phục tình trạng trên, đòi hỏi phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của tất cả các tổ chức, các lực lượng, các hình thức, biện pháp, trong đó vai trò của tổ chức đảng các cấp luôn luôn là một yếu tố có ý nghĩa quyết định nhất, đáp ứng yêu cầu thực hiện đúng vai trò của tổ chức đảng các cấp cần chú ý một số giải pháp sau:
          Một là, thường xuyên coi tăng cường sự lãnh đạo nhiệm vụ phòng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên trong phạm vi trách nhiệm là một trọng điểm của công tác lãnh đạo
Điều này đòi hỏi các tổ chức đảng không chỉ thường xuyên đưa nội dung lãnh đạo đó vào nghị quyết thường kỳ mà trong tình hình hiện nay cần thiết phải có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, trong đó, cần chỉ rõ được những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên sát hợp với vị trí mà cán bộ, đảng viên của tổ chức đảng cấp mình; xác định rõ mục tiêu cần đạt tới, các nội dung, hình thức, biện pháp tư tưởng, biện pháp tổ chức thật cụ thể, tránh hô hào chung chung. Trên cơ sở nghị quyết của tổ chức đảng, cần cụ thể hoá thành chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện việc phòng chống “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” trong từng tháng, từng quý và chương trình lãnh đạo tổng thể của cả nhiệm kỳ. Tổ chức đảng, cấp uỷ các cấp phải làm tốt công tác tư tưởng, nắm chắc được diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn, không ỷ lại, chờ đợi. Mỗi cấp uỷ viên, đảng viên phải có trách nhiệm nắm và có kế hoạch phòng, chống tác động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tác động của mặt trái kinh tế thị trường; đồng thời phải thực sự là tấm gương tiêu biểu, kiên định về tư tưởng chính trị, về giữ gìn đạo đức, lối sống lành mạnh, trong sáng.
          Trong lãnh đạo phải kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác chính sách. Thường xuyên coi đấu tranh với những quan điểm, tư tưởng sai trái, sự suy thoái về tư tưởng chính trị là một nội dung biện pháp quan trọng, vận dụng kịp thời ở mọi nơi, mọi lúc. Tổ chức giáo dục, quản lý chu đáo, chặt chẽ giúp cho cán bộ, đảng viên giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sạch lành mạnh.
          Tổ chức đảng, cấp uỷ các cấp nhất thiết phải tăng cừng công tác kiểm tra, chủ động phát hiện và ngăn chặn những hành vi sai trái, những biểu hiện thoái hoá biến chất về tư tưởng chính trị. Kết hợp giữa kiểm tra thường xuyên với kiểm tra đột xuất, giữa hoạt động kiểm tra của cấp uỷ với mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, các tổ chức quần chúng trong giám sát, kiểm tra mọi mối quan hệ, mọi mặt công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên trên các mặt công tác, nhất là tăng cường giám sát kiểm tra với cán bộ, đảng viên ở cương vị chủ trì, cán bộ, đảng viên có dấu hiệu sa sút trong mọi mặt công tác. Tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên ở nơi công tác, nơi cứ trú bằng những biện pháp hữu hiệu, thiết thực, tránh trình trạng qua loa, hình thức.
          Cần đẩy mạnh lãnh đạo thực hiện tự phê bình và phê bình và thực hiện nghiêm túc chế độ này trong tổ chức đảng cũng như trong tổ chức chính quyền là một biện pháp hết sức quan trọng trong lĩnh vực phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị. Gắn tự phê bình và phê bình với việc thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2 khoá 8) về Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Quy định của Bộ Chính trị “Về những điều đảng viên không được làm”, và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết trung ương lần thứ tư (khóa XI)... Mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng, tạo cơ chế thuận lợi cho cán bộ, đảng viên dám nói thẳng, nói thật những yếu kém, khuyết điểm của bản thân và đồng chí mình. Khơi dậy được tính tích cực của quần chúng, đóng góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên. Qua tự phê bình và phê bình, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm một cách thường xuyên, liên tục như rửa mặt hằng ngày, tránh để tích tụ đi đến sa ngã. Các tổ chức đảng phải lấy việc sửa chữa của cán bộ làm cơ sở đánh giá, phân loại, cân nhắc, bổ nhiệm.
           Mặt quan trọng khác là tổ chức đảng, cấp uỷ các cấp phải luôn luôn duy trì nghiêm kỷ luật, mọi hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, không nể nang né tránh dù người vi phạm đó ở bất kỳ cấp, chức nào. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên giữ vị trí chủ trì, vị trí quan trọng trong Đảng, trong chính quyền, trong các đoàn thể chính trị xã hội, … khi tự thấy hoặc do tổ chức chỉ ra mình đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống, phạm nhiều sai lầm hoặc kết quả công tác trên cương vị được giao không đạt yêu cầu cũng như vi phạm những tiêu chuẩn khác của một cán bộ, đảng viên, cương vị công tác thì phải dũng cảm nhận hình thức kỷ luật tương ứng, không đợi đến việc tổ chức phải xử lý.
Hai là, thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp
 Những biện pháp cụ thể trong giải pháp tăng cường vai trò của tổ chức đảng đối với nhiệm vụ phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên nêu trên là rất quan trọng. Tuy nhiên, điều đó có thực hiện được đến đâu lại tuỳ thuộc vào khả năng của mỗi tổ chức đảng. Cho nên để phát huy vai trò của tổ chức đảng thì giải pháp quan tâm đến xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy các cấp là khâu có ý nghĩa then chốt. Bởi, tổ chức cơ sở đảng, cấp uỷ các cấp luôn có trách nhiệm giáo dục, quản lý, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên dù đảng viên đó ở bất kỳ cương vị công tác nào. Với chức năng, quyền hạn, trách nhiệm to lớn như vậy nếu tổ chức đảng, cấp uỷ các cấp, nhất là tổ chức đảng cơ sở không có năng lực lãnh đạo, không có sức chiến đấu, nhất là trong chống tiêu cực thì chắc chắn không thể đủ sức lãnh đạo việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị nó nằm ẩn sâu trong mỗi cán bộ, đảng viên, rất khó nhận diện. Tuy nhiên, dù được che đậy một cách có ý thức hay vô thức thì những cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị sớm muộn vẫn có những biểu hiện ra ngoài. Do vậy, vấn đề là tổ chức đảng các cấp, nhất là cấp cơ sở phải có biện pháp nắm bắt tư tưởng nhạy bén, kịp thời.         
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng tổ chức đảng, cấp uỷ trong sạch, vững mạnh hiện nay cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn kiện, nghị quyết, các quy định các cấp của Đảng. Trên cơ sở nắm chắc tiêu chuẩn tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, tiêu chuẩn của cấp uỷ và của cấp uỷ viên, các tổ chức đảng phải thường xuyên quan tâm đến việc xây dựng toàn diện tổ chức đảng, kiện toàn cấp uỷ có đủ số lượng, với cơ cấu hợp lý và có chất lượng cao, bảo đảm cho tổ chức đảng hoàn thành được nhiệm vụ lãnh đạo. Cần đặc biệt coi trọng bồi dưỡng cấp uỷ viên là cán bộ chủ trì tổ chức đảng, chủ trì của đơn vị để họ thật sự là hạt nhân tiêu biểu về năng lực, phẩm chất, tiêu biểu về tác phong dân chủ, khoa học trong công tác, sinh hoạt, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao, có tác dụng cao trong lôi cuốn, thu hút mọi cán bộ trong đơn vị noi gương phấn đấu, rèn luyện.
         Đi cùng với bồi dưỡng các cấp uỷ viên phải tích cực bồi dưỡng chung, nâng cao năng lực lãnh đạo của cả cấp uỷ. Đối với cấp uỷ thì nội dung trọng tâm cần được bồi dưỡng là năng lực quán triệt đường lối, các nghị quyết của Đảng, năng lực đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo việc phòng, chống “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên ở cấp mình; năng lực tiến hành công tác kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm, không ngừng hoàn thiện các chủ trương, biện pháp thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh, từng vấn đề cụ thể.
        Ba là, tổ chức đảng cấp trên, nhất là cấp trên trực tiếp phải thực hiện tốt vai trò chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới và làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ
Phát huy vai trò của tổ chức đảng cấp trên trực tiếp với tổ chức đảng cấp dưới trong lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt nói chung, trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên cũng là khâu có ý nghĩa quyết định. Vai trò đó thể hiện ở việc thường xuyên quan tâm đến kiện toàn, hướng dẫn, giám sát kiểm tra hoạt động tổ chức đảng, đơn vị cấp dưới. Theo thẩm quyền, Đảng uỷ, Thường vụ tổ chức đảng cấp trên thảo luận, bàn bạc, quyết định chuẩn y cấp uỷ cấp dưới cũng như toàn bộ việc điều động, bổ nhiệm, cán bộ ở các chức danh. Năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng cấp dưới do vậy, một phần rất quyết định phụ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo lựa chọn, bố trí cán bộ của cấp uỷ tổ chức đảng cấp trên. Cấp uỷ tổ chức đảng cấp trên phải thường xuyên quản lý, nắm chắc tình hình đội ngũ cán bộ cấp dưới về mọi mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn, quá trình công tác và các mối quan hệ thì mới có thể đưa ra được quyết định chính xác. Tất nhiên, theo phân cấp trách nhiệm, tổ chức đảng cấp trên không thể bao quát toàn bộ đội ngũ cấp dưới. Vì vậy, cấp uỷ cấp trên cần quan tâm đặc biệt đến quản lý cán bộ chủ trì, qua đó nắm chính xác toàn đội ngũ cán bộ, đảng viên để có chỉ đạo kịp thời giúp đỡ tổ chức đảng, cấp ủy cấp dưới trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với những hình thức biện pháp sát hợp với từng đối tượng.
          Việc nắm, sắp xếp cán bộ trong đơn vị của tổ chức đảng, cấp uỷ cấp trên phải được gắn liền với thường xuyên quan tâm lãnh đạo, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đồng thời các tổ chức đảng các cấp cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Đây là một mặt không thể thiếu được của công tác xây dựng Đảng. Trong phòng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” về chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên của Đảng hiện nay thì nhiệm vụ này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Làm tốt các giải pháp trên sẽ góp phần không nhỏ vào việc ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” về chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, góp phần vào việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội./.



[1] Nguyễn Phú Trọng, Quyết tâm cao biện pháp quyết liệt nhằm tạo chuyển biến mới về xây dựng Đảng, Nxb CTQG, H. 2012,  tr. 107.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.173.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.22.
[4] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Phải có quyết tâm lớn, thống nhất cao, biện pháp thực hiện quyết liệt, nhằm tạo chuyển biến mới về xây dựng Ðảng”, http://www.nhandan.com.vn, Cập nhật 28-02-2012.

1 nhận xét:

  1. Để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, với tinh thần quyết liệt, kịp thời, đem lại kết quả cụ thể.

    Trả lờiXóa