Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đạo đức cách mạng và các biện
pháp phòng, chống bệnh chủ nghĩa cá nhân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã
hội vẫn mãi mãi là bài học quý báu và là những lý luận có ý nghĩa to lớn đối với
toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Người xác định rèn luyện đạo đức, tư cách của
người cách mạng đi đôi với phòng, chống bệnh chủ nghĩa cá nhân có vị trí quan
trọng hàng đầu, quyết định sự thành bại của công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội.
Ngoài những kiến giải làm sáng tỏ bản chất chủ nghĩa xã hội về
kinh tế, chính trị và xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhìn nhận bản chất chủ
nghĩa xã hội từ phương diện đạo đức. Theo Người, chủ nghĩa xã hội đối lập, xa lạ
với chủ nghĩa cá nhân, nhưng không hề phủ nhận cá nhân; trái lại, tôn trọng cá
nhân, phát triển mọi năng lực cá nhân vì sự phát triển xã hội và hạnh phúc của
con người nói chung. Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng
làm nền tảng mới mong hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang của sự nghiệp xây dựng
thành công chủ nghĩa xã hội. Để có đạo đức cách mạng thì phải loại trừ mặt trái
của nó là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ thù nguy hiểm, ngăn cản
chúng ta đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. Nếu không gạt bỏ được nó ra khỏi ý
thức và hành động của chúng ta, thì chúng ta sẽ tự mình phá hủy sự nghiệp của
mình. Người nhấn mạnh: Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo
được nhân dân. Theo Người, cần chống chủ nghĩa cá nhân, thực hiện sự tôn trọng
và đề cao nhân cách, bảo đảm cho mỗi cá nhân phát triển lành mạnh nhân cách của
mình trong sự phát triển hài hòa giữa cá nhân và xã hội. Người đưa ra quan niệm,
chủ nghĩa xã hội là xã hội trong đó, con người ứng xử với nhau theo phương
châm: mình vì mọi người, mọi người vì mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức xã
hội chủ nghĩa là thuộc về bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội, song Người
không bao giờ xem đạo đức là hiện tượng nằm ngoài hoặc là tác nhân gây nên sự
chia cắt, đối lập giữa kinh tế và đạo đức. Người đề cao sức mạnh tinh thần của
đạo đức, nhưng không rơi vào duy ý chí, chủ quan hoặc chủ nghĩa trừu tượng. Theo
Người, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt,
đó là chủ nghĩa xã hội. Bởi vậy, bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội,
sự quan tâm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền là làm sao cho
Đảng không trở thành Đảng quan liêu, xa dân, thoái hóa, biến chất, làm mất lòng
tin của dân. Để tránh được nguy cơ đó, theo Người, trước hết Đảng phải tăng cường
đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng
cho cán bộ, đảng viên. Người coi đó là điểm mấu chốt. Chỉ như vậy, Đảng mới mạnh
về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mới xứng đáng với lòng tin của nhân dân.
Tiếp tục rèn luyện đạo đức, tư cách của người cách mạng đi đôi với
phòng, chống bệnh chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một biện pháp
rất quan trọng để trước hết, mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khắc
phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, cũng như củng cố, giữ vững niềm
tin của nhân dân đối với Đảng, đối với lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Điều đó càng
trở nên cấp thiết khi sự suy thoái về đạo đức, lối sống, nhất là tệ quan liêu,
tham nhũng, lãng phí của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên cũng như sự xuống
cấp về đạo đức trong xã hội ta đang có chiều hướng gia tăng.
T.D
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa