Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ


          Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là những nhà lãnh đạo chính trị, nhà tổ chức, nhà chuyên môn và đồng thời còn là nhà giáo dục, có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, có trình độ và năng lực cần thiết để tiến hành có hiệu quả những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình trước Đảng và Nhà nước; là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của cách mạng. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao trong đó có đội ngũ người lãnh đạo, quản lý. Những người đảm nhận chức trách, quyền hạn ở mọi cấp mọi ngành từ Trung ương đến cơ sở, đại diện cho lợi ích của quần chúng nhân dân mà không có đủ uy tín, không đủ các phẩm chất nhân cách sẽ có tác hại to lớn không thể lường hết. Vì vậy tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nhiệm vụ rất quan trọng.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đảm nhận vị trí người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, muốn hoàn thành nhiệm vụ có chất lượng hiệu quả thì cần phải có trách nhiệm, phong cách, tác phong công tác phù hợp, làm việc có kế hoạch, hiệu quả, chính xác, tỷ mỷ, sâu sát, cụ thể tránh đại khái, qua loa, quan liêu, hình thức. Người lãnh đạo, quản lý cần phải có phong cách, tác phong dân chủ, vì tập thể. Luôn luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của quần chúng và cấp dưới, luôn xuất phát từ lợi ích của tập thể, của xã hội, vì quyền lợi chung, vì dân vì nước. Đây là điều mà một số cán bộ lãnh đạo, quản lý còn chưa làm tốt. Trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi cán bộ người lãnh đạo, quản lý phải có cả “tâm”“tầm”; có sự sáng tạo, năng động, chất lượng, hiệu quả; nhận thức đúng về công bằng, bình đẳng, dân chủ, trí tuệ, tài năng v.v.. Mặt khác, cần loại trừ tư tưởng cục bộ địa phương, tư tưởng bè phái, phân tán; chạy theo vật chất tầm thường, chủ nghĩa cá nhân, cơ hội…phải có tầm hiểu biết sâu, rộng; có trình độ chuyên môn cần thiết trong hoạt động lãnh đạo, quản lý; có tri thức kinh nghiệm về quản lý; có năng lực xác định mục tiêu, định hướng, dự đoán, vạch kế hoạch; khả năng liên kết, làm việc với con người; khả năng am hiểu tâm lý và tác động tâm lý tới người khác; có kỹ năng hiện đại trong giao tiếp, sử dụng ngoại ngữ, phương tiện làm việc ở mức độ cần thiết. Do vậy, người lãnh đạo, quản lý phải ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng, củng cố lập trường giai cấp công nhân, nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy truyền thống cách mạng tốt đẹp của dân tộc ta, tuyệt đối chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật nhà nước. Dù cương vị nào phải luôn gương mẫu, phải tự nhận thức được những ưu điểm và khiếm khuyết của mình để tự giác, tự xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, thời gian sửa chữa, học tập, rèn luyện, tu dưỡng để hoàn thiện nhân cách. Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý làm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ tư duy lý luận cao mà biểu hiện tập trung nhất và khái quát nhất là tư duy chính trị - xã hội, đó là: người lãnh đạo, quản lý phải biết tự đánh giá hiệu quả công việc của mình, biết đánh giá những quyết định về công tác Đảng, chính  quyền hay kinh tế của mình dưới góc độ chính trị. Biêt đánh giá sự kiện, con người, tình hình v.v.. theo những tiêu chuẩn chính trị. Trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào cũng kiên trì thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước giao cho. Có đủ trình độ lý luận để đấu tranh phê phán với các luận điểm sai trái, hành vi lệch lạc, xuyên tạc, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của nhà nước.
Thực tế đòi hỏi mỗi cán bộ phải thực sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, phải có tinh thần tập thể  cao cả, phải thực sự công bằng với mọi người, công tâm, chính tâm, thì mới hoàn thành được chức trách, nhiệm vụ được giao, phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Chỉ có như vậy, dân mới theo, mới ủng hộ và coi là người lãnh đạo của mình. Vì vậy tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về những tri thức đạo đức, tri thức khoa học, những kỹ năng, kỹ xảo về lãnh đạo, quản lý….đồng thời cũng không ngừng nâng cao chất lượng các mặt giáo dục đó. Bởi lẽ, đứng trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo vừa phải được trang bị những kiến thức cơ bản, cần thiết, vừa phải được trang bị những kiến thức theo kịp trình độ của thế giới trong điều kiện phát triển khoa học công nghệ như vũ bão hiện nay.
                                                                                      ĐỨC MINH



1 nhận xét: