Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức (Ba Quốc)



                       
          Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc) cùng với Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn , Đại tá Phạm Ngọc Thảo là những nhân vật rạng ngời lịch sử tình báo Việt Nam. Các ông đều trở thành anh hùng và góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam…

          Nỗi oan nghiệt của người ở lại
          Ngày tiễn ông Ba Quốc lên đường vào Nam hoạt động, bà Thanh, vợ đầu của ông, đang là công nhân tại Nhà máy in Tiến Bộ. Một ngày tháng 12-1954, người phụ nữ tên Tuyết Mai được Cục Tình báo cử đến gặp bà Thanh. Người này thông báo rằng để xóa mọi dấu vết và bảo vệ bí mật cùng sự an toàn cho chồng, bà và các con cần phải rời Hà Nội lên sinh sống tại Nông trường Vân Lĩnh - một vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh ở Phú Thọ. Không một chút do dự, bà Thanh gật đầu ra đi, dù không biết tương lai sẽ như thế nào.
          Một nách hai con, cùng với người mẹ già yếu đuối, bà Thanh lên Nông trường Vân Lĩnh, bắt đầu một cuộc sống mới ở vùng đất khó khăn và xa lạ, chỉ với duy nhất số điện thoại tối mật của Cục Tình báo để liên hệ đơn tuyến khi cần thiết với một phụ nữ mà bà chỉ biết mỗi cái tên là Tuyết Mai.
          Với đôi bàn tay mảnh mai chưa quen việc nặng, bà Thanh tự mình chặt cây làm nhà. Khởi đầu, mọi chuyện tuy có vất vả nhưng cũng khá suôn sẻ, thậm chí bà còn được đề nghị kết nạp Đảng ở nông trường. Thế nhưng khi bản lý lịch của bà được lật đi lật lại thì tai họa ập đến. Mọi người xa lánh, công việc bị mất, trợ cấp bị cắt.
          Để sinh sống, chăm sóc các con và mẹ già, bà không từ chối bất kỳ công việc nặng nhọc nào. Đã bao lần, khi bà gầy dựng xong một công việc tốt đẹp thì lại bị điều đi làm việc khác, chỉ với lý do duy nhất được nhắc đi nhắc lại là bà có chồng theo giặc vào Nam. Từ năm 1959 đến năm 1973, mẹ con bà Thanh đã có đến 15 lần chuyển nhà theo sự thay đổi công việc và sự miệt thị của người đời. Lần cuối cùng là một căn nhà vách lá trống trước hở sau nằm trơ trọi giữa khu đồi rộng lớn.
          Các con bà không được học hành tử tế như bao đứa trẻ bình thường khác vì có cha theo địch. Chị Đặng Thị Chính Giang, con gái lớn của bà Thanh và ông Ba Quốc, kể lại: “Có lúc người ta đưa mẹ tôi ra họp phụ nữ, người ta phê bình là tại sao hai mẹ con lại mặc chung một cái quần. Mẹ tôi nói bởi vì quá nghèo nên hai mẹ con chỉ mua chung được một cái quần. Khi khai giảng thì con tôi mặc, khi đi họp thì tôi mặc”
Còn anh Trần Sơn - chồng chị Giang hồi tưởng lại: “Nhà mẹ tôi cách nhà dân khác đến bốn, năm trăm mét. Ở giữa khu đồi đó có một cây đa, mẹ làm một cái túp lều bằng phên tranh. Muốn vào lối nào thì nhấc cái phên tranh ấy lên là vào được. Trong nhà, ngoài vài cái bát đĩa ra không có một cái gì cả”
          Ông Huỳnh Gì, một người hàng xóm năm xưa của bà Thanh, ngậm ngùi nói: “Tôi chưa thấy hình ảnh nào như thế, người đàn bà lúc nào cũng công việc, lúc nào cũng lo cho mẹ và cho con...”.
          Nỗi cơ cực và buồn tủi của mẹ con bà Thanh ở Nông trường Vân Lĩnh được con gái nuôi của bà là chị Nguyễn Thị Hiên luôn mang theo những ấn tượng day dứt, bí ẩn không thể quên: “Tôi cứ nhớ một hình ảnh không bao giờ quên được. Mẹ mặc chiếc áo bà ba trắng với cái quần đen, xách cái túi, mang đôi dép mòn cũ đã đứt quai, lưng thì gù gù, đi một mình trên những con đường xa lắm. Cứ lặng lẽ, lặng lẽ như thế, lặng lẽ với con, lặng lẽ với gia đình rồi lặng lẽ với xã hội. Không bao giờ mẹ kêu khổ, không bao giờ mẹ nói vất vả, không bao giờ mẹ kêu ca…”
          Lọt vào hang ổ và tung hoành
          Với tên gọi là Nguyễn Văn Tá, dưới vỏ bọc nhân viên của Sở Nghiên cứu chính trị và Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam Cộng Hòa, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc) đã tung hoành ngang dọc trong hàng ngũ kẻ thù, cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng, tối mật, giúp cho Bộ Chính trị và Trung ương Đảng xử lý kịp thời, góp phần vào thắng lợi chung.
          Ông còn trở thành “người tin cẩn” của các ông trùm tình báo phía đối phương, từng vượt qua cuộc kiểm tra “lòng trung thành với chế độ” bằng máy phát hiện nói dối đểhoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một điệp viên chiến lược.
          Trở thành người của Phủ Đặc ủy tình báo Trung ương Sài Gòn, ông Ba Quốc nắm giữ nhiều chức vụ. Có lúc ông là trợ lý cho Cục trưởng Cục Tình báo quốc nội, có lúc làm Trưởng ban Đoàn thể phụ trách các đảng phái chính trị. Lợi dụng những vị trí này, ông bí mật, cần mẫn tìm hiểu về bộ máy tổ chức, nhân sự, các kế hoạch cũng như sự chi phối của CIA với các kế hoạch của Phủ Đặc ủy tình báo Trung ương Sài Gòn.
          Thông qua một sĩ quan phụ trách bộ phận sản xuất tin của Ban R – Cục Tình báo quốc nội, ông biết 2/3 tin tức do Ban R trình lên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Hội đồng An ninh quốc gia là tin công khai lấy từ báo chí, đài phát thanh, 1/3 là hỏi cung tù binh. Những tin tức của Cục Tình báo ngoại quốc cũng y như vậy nhưng chủ yếu là tin của “cảm tình viên” chứ không phải là “nội tuyến” cài cắm trong các cơ sở cách mạng. Ông viết trong ghi chép tổng kết: “Lúc đó, cấp trên yêu cầu tôi phải lấy cho được toàn bộ về mạng lưới gián điệp của chính quyền Sài Gòn, kể cả ở Lào và Thái Lan”. Mà muốn lấy được tài liệu này, ông phải lấy được lòng tin của Thiếu tá Nguyễn Văn Giàu, Trưởng ban 7 Cục Tình báo quốc nội, kiêm Giám đốc Sở Giao tế dân sự.
          Thời cơ một lần nữa lại đến với ông. Sau cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ông nắm được thông tin về Mặt trận Khe Sanh lúc đó có thể sẽ biến thành một Điện Biên Phủ thứ hai, và người Mỹ đang có nhiều tính toán để gỡ bí. Một trong những cách gỡ bí là nếu không có lối thoát về quân sự, Mỹ sẽ thực hiện một cuộc đảo chính, thay chính quyền quân sự bằng một chính quyền dân sự để thương thuyết với Cộng sản”.
          Thông tin này đến tai Trung tướng Linh Quang Viên, Tổng trưởng Quốc phòng kiêm Đặc ủy trưởng Phủ Đặc ủy tình báo trung ương. Theo “hiến kế” của ông Ba Quốc, Viên cho lập một phòng – gọi là Phòng Tình hình – nơi tập trung tất cả mọi tin tức về lĩnh vực an ninh tình báo.
Thực tế thì Phòng tình hình chỉ là một viên gạch lót đường dẫn ông Ba Quốc đến các tủ chứa tài liệu tuyệt mật của Thiếu tá Nguyễn Văn Giàu. Ông viết trong bản ghi chép tổng kết: “Hàng ngày cứ 7 giờ 30 sáng Giàu đến phòng làm việc, 9 giờ 30 đi uống cà phê, 10 giờ 30 trở về nhận tin hoặc tiếp xúc với các trưởng ban thuộc Sở Giao dịch dân sự, ký các giấy tờ công văn… cho đến hết ngày. Sáng thứ 7 ông ta tiếp cố vấn Mỹ Tom Barret, chiều thứ 7 nghỉ cho đến hết sáng thứ 2 tuần sau…”.
          Một buổi sáng, lúc gần đến 9 giờ 30 phút, ông Ba Quốc cầm một tập hồ sơ lên phòng Nguyễn Văn Giàu. Đến trước cửa ông dừng lại. Biết ý, Giàu hỏi: “Chắc anh cần làm việc riêng với ông Lê Liêm, anh cứ vào bàn giấy của tôi ngồi, tôi đi uống cà phê một lát”.
Ông Ba Quốc cảm ơn rồi bước vào, ngồi xuống chiếc ghế của Nguyễn Văn Giàu. Đợi Giàu bước ra một hồi lâu, ông mới mở tủ và phát hiện trong đó có một tập hồ sơ với tên “Stay behind in North Vietnam – tạm dịch là: ‘Các mạng lưới gián điệp được cài cắm lại ở miền Bắc Việt Nam’. Đây chính là tập hồ sơ mà cấp trên yêu cầu ông ba Quốc lấy cho bằng được”.
          Biết Nguyễn Văn Giàu chỉ đi uống cà phê trong một tiếng, máy chụp hình không có nên ông Ba Quốc chỉ còn cách là.. chéo tay lại, mỗi lần chép một ít, vừa chép vừa nhìn đồng hồ để tính toán giờ giấc cất hồ sơ vào tủ cho sít sao. Ông viết: “Từ hôm đó trở đi, cứ mỗi lần nhìn thấy tủ hồ sơ của Nguyễn Văn Giàu hé mở là tôi lại canh đến giờ cà phê của Giàu để mang hồ sơ lên. Lần nào cũng vậy, Giàu lại nhường chỗ cho tôi. Khoảng nửa tháng tôi chép hết 35 bộ hồ sơ của 35 ổ gián điệp cài ở miền Bắc”.
          Với Nguyễn Văn Giàu, tay Thiếu tá Trưởng ban 7 Cục Tình báo quốc nội kiêm Giám đốc Sở Giao tế dân sự chẳng chút mảy may nghi ngờ vì tập tài liệu tuyệt mật luôn được ông Ba Quốc trả lại đúng chỗ. Bên cạnh đó, Giàu biết ông Ba Quốc đang làm những việc tối quan trọng cho Lê Liêm – là cấp trên của Giàu nên ông ta phải giữ ý tứ: “Toàn bộ 35 bộ hồ sơ gián điệp ở miền Bắc, tôi chuyển cho cơ sở gửi về cấp trên. Cả 35 nhóm gián điệp này sau đó đã bị ta bắt gọn”.
          Cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, người Mỹ ở trong cái thế bị buộc phải ngồi vào bàn hội nghị Paris. Lúc này, phái hiếu chiến trong giới cầm quyền Mỹ đã liên lạc với giới chính trị chống cộng cực đoan ở Sài Gòn, tìm cách tác động Nguyễn Văn Thiệu phá hoại thương thuyết để tạo cơ hội cho đảng Cộng hòa hạ bệ Tổng thống Johnson – là người của đảng Dân chủ. Kết quả là Nguyễn Văn Thiệu viện nhiều lí do để trì hoãn, không chịu ngồi vào bàn đàm phán cho đến khi Johnson quyết định rút lui, không tái ứng cử.
          Sau năm 1968, bên cạnh việc phá hoại đàm phán, Nguyễn Văn Thiệu tiến hành cải tổ Phủ Đặc ủy tình báo trung ương bằng cách đưa viên bí thư thân tín của mình là tướng Nguyễn Khắc Bình về làm Đặc ủy trưởng. Khi Nguyễn Khắc Bình về nắm Phủ Đặc ủy, Nguyễn Văn Giàu cho ông biết là Giàu sẽ nằm trong Bộ Tham mưu của Bình để tiến hành kế hoạch cải tổ Phủ Đặc ủy. Cải tổ xong, Giàu trở thành Giám đốc Cục Tình báo quốc nội nhưng khi trò chuyện với ông Ba Quốc, Giàu cho biết mình không muốn nhận nhiệm vụ cục trưởng.
          Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, ông nhắm vào Nguyễn Đăng Khiêm, chủ sự kế hoạch Nha Điệp báo (ban K) để tiếp cận. Khiêm là một thầy tu nhưng nửa chừng bỏ tu ra đời, không chơi bời cờ bạc hút sách và rất kín miệng. Biết Khiêm mê trồng trọt, ông Ba Quốc tiếp cận Khiêm bằng cách mỗi lần gặp nhau, ông lại nói về những vùng đất phì nhiêu, màu mỡ ở Long Khánh, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Dần dà, ông và Khiêm trở nên thân thiết. Từ chuyện trồng trọt, ông Ba Quốc khéo léo lái sang chuyện công việc của Nha Điệp báo. Nhờ vậy qua ông Nguyễn Đăng Khiêm, ông đã phát hiện 4 cán bộ của ta làm việc cho địch.
          Giải cứu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
          Ở cương vị là nhân viên Sở Nghiên cứu chính trị, ông Ba Quốc đã nắm được mọi thông tin và hoạt động của 10 nhân vật quan trọng của Đặc khu ủy, đặc biệt là với Trình Văn Thanh (tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), lúc đó là Bí thư Đặc khu ủy, thợ sửa radio ở tiệm Nguyễn Văn Ba trên đường Nguyễn Trãi.
          Vào lúc này, ông Ba Quốc đã mất liên lạc với tổ chức, không biết báo cáo tin tức tối mật này cho ai. Trong lúc đó, cố vấn Ngô Đình Nhu lại hạ lệnh cho ông phải phối hợp với bên an ninh quân đội để cất một mẻ lưới, tóm gọn những “tên Việt cộng quan trọng”. Ngày giờ hành động đã được ấn định. Tình thế đã nguy cấp. Một thử thách sinh tử được đặt ra với điệp viên Ba Quốc.
          Ông quyết định phá vỡ nguyên tắc giữ bí mật. Lợi dụng khoảng hở giữa giờ giao ban trước cuộc bố ráp với bên an ninh quân đội, ông đi thẳng đến tiệm sửa radio của Nguyễn Văn Ba, gặp Trình Văn Thanh và thông báo ngắn gọn: “Huỳnh Kim Hiệp đã phản bội. Các anh sắp sửa bị bắt. Xử lý gấp”. Rồi ông vội vã bước ra khỏi tiệm.
          7 giờ sáng ngày diễn ra cuộc vây ráp, từ vị trí quan sát, ông Ba Quốc chợt giật mình khi thấy Trình Văn Thanh từ trong tiệm dắt xe bước ra. Khắp khu vực xung quanh, từ cự ly 30-100 m, người của bên an ninh quân đội đã bố trí dày đặc các loại xe máy và ô tô túc trực sẵn để tiến hành “bắt cóc” đối tượng ngay giữa đường.
          Ông Ba Quốc kể: “Tôi thấy Trình Văn Thanh từ tiệm radio dắt xe máy ra lù lù xuất hiện ngay giữa đường. Tôi nghĩ bụng, quái, cái thằng cha này điên hay sao... Ông này mới dựng chân chống xe lên, đạp máy cho nó nổ rồi bình tĩnh dắt xe xuống chuẩn bị đi. Lúc đó ông này quay lại phía sau nhếch mép cười. Tôi nghĩ trong bụng, chắc thằng cha này có mưu mô gì đây. Xe ông này đi vọt một cái thì đến chợ An Đông. Anh nhấc xe lên vỉa hè và chạy vào chợ. Trong khi đó thì xe bao vây của an ninh quân đội vừa đuổi đến nơi và đụng vào mấy xe xích lô đậu ở ngoài chợ. Toàn bộ xe xích lô ở khu chợ vin vào cớ đó bao vây, bám lấy ô tô để bắt đền. Thế là Trình Văn Thanh chạy thoát”. Với quyết định mạo hiểm của mình, ông Ba Quốc đã giải cứu được các yếu nhân trong tổ chức Đảng có vị trí rất quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam lúc bấy giờ.
          Giai đoạn 1969-1974, ông Ba Quốc luôn theo sát các đối tượng như Trung tá Vũ Văn Nho - Giám đốc Trung tâm tình báo hỗn hợp Phòng 2, Thiếu tá Tổng tham mưu Nguyễn Hoàng - Phòng 3, Trung úy Vũ Văn Mùi - Trưởng ban Trận liệt và lãnh thổ... để thu thập các tin tức về quân sự. Nhiều hồ sơ về trận liệt và chiến dịch quan trọng của đối phương đã được ông nhanh chóng chuyển về cấp trên để kịp thời đối phó, đặc biệt là những thông tin về cuộc chiến tranh không quân phá hoại miền Bắc của Mỹ và ý đồ của Mỹ trên bàn đàm phán Paris…
          Mọi chuyện đang tiến triển rất thuận lợi thì bỗng xảy ra một sự cố nghiêm trọng. Cuối tháng 5-1974, nữ giao liên trong mạng lưới của ông Ba Quốc bị bắt tại Hồng Ngự và có nguy cơ bị vỡ lưới. Ông Ba Quốc được lệnh phải rời vị trí ngay lập tức.
          Và ông đã trở lại miền Bắc sau 21 năm bặt tin người ở lại…
          Cáp Văn Đang (Tổng hợp)


1 nhận xét:

  1. Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức này là chiến sỹ cách mạng thật kiên trung

    Trả lờiXóa