Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

Không thể phủ nhận được sự thật lịch sử


Ngày 31/5/2019, Thủ tướng Lý Hiển Long đã hai lần phát ngôn "Việt Nam xâm lược Campuchia". Một là trong bài phát biểu dẫn đề Đối thoại Shangri-La tối 31-5. Hai là trong bài viết đăng trên trang cá nhân Facebook chia buồn cựu thủ tướng Thái Lan Prem Tinsulanonda qua đời. Phát ngôn không phản ánh sự thật lịch sử khách quan của ông Lý phải nhận lấy những phản đối của chính phủ Việt Nam cũng như những chỉ trích gay gắt và yêu cầu cải chính từ thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng Campuchia. 

Bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Bangkok, Thái Lan chiều 22/6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Thủ tướng Lý Hiển Long theo đề nghị của Singapore. Thủ tướng phê phán phát biểu của Thủ tướng Singapore cho rằng Việt Nam xâm lược Campuchia. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lịch sử đã chứng minh những nhận định của phía Singapore về vai trò của Việt Nam vào thời điểm đó là không đúng và việc nêu lại những định kiến này làm tổn thương sâu sắc tới Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là thân nhân của hàng trăm nghìn quân tình nguyện Việt Nam đã hi sinh xương máu để mang lại hòa bình, giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ tàn bạo và cả quá trình xây dựng đất nước đầy khó khăn, gian khổ sau này.
Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy rằng đất nước Campuchia suýt nữa bị đưa về năm số 0, với tàn tích còn lại chỉ là những tháp đầu lâu, mọi chế độ từ y tế, văn hóa, giáo dục đều bị phá hoại bung bét. Ở Campuchia lúc đó số lượng bác sĩ, nhà giáo, kĩ sư, tu sĩ Phật giáo chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, bởi Khmer Đỏ nhắm vào tàn sát những đối tượng này trong chiến dịch thanh lọc dân tộc vô cùng bệnh hoạn của chúng.
Chiến tranh và nạn diệt chủng đã khiến một đất nước đứng bên bờ tận diệt thê thảm đến thế. Nếu không phải là Việt Nam, liệu ai sẽ chìa bàn tay giúp đỡ họ đứng dậy và tồn sinh? Những kẻ gọi lũ giết người là chính thể hợp pháp chăng?
Chúng ta không thể rút quân khỏi Campuchia sau khi cuộc lửa binh tạm dứt. Quân đội ta phải ở đó để làm nghĩa vụ quốc tế đúng với lời kêu cứu của Mặt trận Dân tộc Campuchia. Một mặt, ta giúp chính phủ Heng Samrin, sau đó là Hunsen tổ chức lại quân đội chính quy, với một kế hoạch dài hạn trong nhiều năm cho đến khi lực lượng này đủ sức gánh vác nhiệm vụ bảo vệ chế độ khỏi tàn dư Khmer Đỏ lẫn lực lượng đối lập KPNLF. Mặt khác, ta chia sẻ những gì ta có cho nhân dân nước bạn, kể cả khẩu phần gạo của bộ đội chiến đấu bởi lúc ấy bạn đói đến nỗi không có gạo ăn (chế độ Khmer Đỏ tặng cuốc chim vào đầu bất cứ ai dám than đói trước mặt chúng, trong khi họ phải hứng chịu một chế độ cưỡng bức lao động kinh khủng và khẩu phần ăn chết đói). Người dân Campuchia sau giải phóng trông gầy gò, teo tóp, vô hồn như những cái xác biết đi. Hậu quả của một thời kỳ bị áp bức tàn tệ chưa từng thấy. Ta cần phải hồi sinh lại từng con người một, cho đến khi hồi sinh cả đất nước của họ.
Vậy là một làn sóng phục sinh dần tràn sang phủ khắp Campuchia. Hàng nghìn chuyên gia Việt Nam từ kỹ sư đến bác sĩ được cử sang nước bạn, chữa từng mái nhà hỏng, xây lại từng bệnh viện, trường học, nhường từng đấu gạo, thổi hồn cho từng sinh mạng một. Người dân Campuchia tị nạn bắt đầu trở về dựng lại nhà cửa, ruộng vườn, cùng người Việt Nam đi hồi sinh từng thôn bản, làng mạc… Cả đất nước bắt đầu bừng lại sự sống như cỏ dại mọc sau mưa rào. Bộ đội tình nguyện Việt Nam thời mới sang còn bị dân Cam e sợ, rồi chẳng biết từ bao giờ, chính dân Cam gọi họ là “bộ đội Nhà Phật”. Với khẩu hiệu “Việt Nam làm giúp Campuchia”, rồi chuyển sang “Ta, bạn cùng làm”, cuối cùng là “Bạn làm, ta giúp”, suốt nhiều năm trời bị Việt Nam “xâm lược”, đất nước Campuchia đã có thể tiếp tục bước đi như chưa từng bị chế độ diệt chủng đánh cho què hết chân tay. Chúng ta đã “xâm lược” Campuchia như thế đó!
Song song với việc phục sinh lại một Campuchia tàn lụi, quân tình nguyện Việt Nam đã cùng quân dân nước bạn đánh những trận máu lửa nhất với bè lũ Khmer Đỏ và đồng bọn. Giai đoạn 2 của cuộc chiến từ năm 1979 đến 1985 là một loạt chiến dịch truy quét đánh phá các căn cứ của Khmer Đỏ không khoan nhượng. Chúng xâm nhập từ Thái Lan về Campuchia, lợi dụng mùa mưa và chơi đủ võ công từ du kích, pháo kích, kết hợp với KPNLF trong nước để nội công, ngoại kích. Ta đánh một lèo lấn sang cả đất Thái Lan, chủ ý đánh dằn mặt cả lính Thái để chúng từ bỏ ý đồ dung dưỡng Khmer Đỏ. Các chiến dịch lớn như Phnomchat, đánh căn cứ Sokh San của KPNLF đã đập tan nỗ lực kháng cự mới của Khmer Đỏ lẫn phe đối lập, khiến KPNLF cũng nhanh chóng chạy bán mạng sang Thái Lan.
Tới mùa khô năm 1984 - 1985, Việt Nam huy động khoảng 60.000 quân cho chiến dịch tấn công quyết định nhằm triệt hạ các căn cứ của Khmer Đỏ nằm gần Thái Lan.
Cùng với hàng chục ngàn dân công Campuchia xây đường và mở rộng các sân bay dã chiến tại khu vực biên giới, cuối tháng 12 năm 1984, khoảng 1.000 quân tình nguyện Việt Nam đánh hạ căn cứ Nong Samet. Tháng 1 năm 1985, khoảng 4.000 quân Việt Nam, với hơn 30 xe tăng và xe bọc thép hỗ trợ, đánh vào căn cứ Ampil của lực lượng Mặt trận Nhân dân Giải phóng Quốc gia Campuchia (KPNLF) với 5.000 quân phòng ngự và triệt hạ hoàn toàn căn cứ này sau 36 giờ. Quân Việt Nam và quân chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia cũng mở chiến dịch tấn công căn cứ lớn có gần 10.000 quân Khmer Đỏ đóng giữ tại Phnom Malai, nơi mà họ từng định đánh chiếm năm 1982 nhưng bất thành, và đã triệt hạ căn cứ này sau 2 ngày giao tranh. Chiến dịch mùa khô năm 1984 - 1985 là chiến dịch lớn chưa từng có của Việt Nam kể cả về quy mô, thời gian và mức độ thành công. Hàng chục ngàn quân Khmer Đỏ được nước ngoài hà hơi tiếp sức không thiếu thứ gì đã ngắc ngoải kiệt quệ. Phía Việt Nam chỉ cần tuyên bố tạm hoãn một đợt rút quân là đã đánh cho kẻ thù tan tác chim muông như vậy. Và thực tế chúng ta vẫn còn phải ở lại thêm một thời gian nữa. Khmer Đỏ vẫn còn là cái xác khô có ghế ở Liên Hợp Quốc. Kể cả khi đã chảy máu nhiều vô kể, thì chúng vẫn còn kẻ chống lưng, và chúng ta vẫn còn mối họa Trung Quốc còn đe dọa dai dẳng ở biên giới phía Bắc.
Phải làm sao để vấn đề Campuchia được quốc tế giải quyết rốt ráo cũng là lý do khiến chúng ta không sớm buông tay nước bạn sau nhiều hi sinh và tổn thất như vậy.


1 nhận xét: