Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

CHỐNG PHÁ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG MƯU ĐỒ KHÔNG THAY ĐỔI CỦA CÁC THÉ LỰC THÙ ĐỊCH



                                                                                        Trần Lãm
Mặc dù thế giới đương đại trong nửa cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI có những biến đổi sâu sắc, song chủ nghĩa Mác – Lê-nin với bản chất cách mạng và khoa học vẫn là một cơ sở lý luận quan trọng hàng đầu hướng dẫn nhận thức và cải tạo thế giới. Lý tưởng về một chủ nghĩa cộng sản đem lại công bằng, hạnh phúc, không còn áp bức, bóc lột vẫn là ước mơ, hoài bão của hàng triệu con người trên toàn cầu.
Ở Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh được ra đời từ sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của đất nước, trên cơ sở kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cả trước đây và hiện nay. Trên tinh thần đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Như vậy, sự lựa chọn nền tảng tư tưởng của Đảng hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, mà mang tính khách quan, khoa học.
Thực tế lãnh đạo đất nước hơn 85 năm qua đã cho thấy, nhờ kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, giành những thắng lợi to lớn. Những thắng lợi đó đã đưa nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, vị thế đất nước ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa là chưa có tiền lệ, có nhiều khó khăn phức tạp. Do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta không tránh khỏi những khuyết điểm, thậm chí sai lầm. Đó cũng là điều bình thường của một Đảng cầm quyền. Vấn đề quan trọng là Đảng ta không bảo thủ, trì trệ; đã kịp thời tự kiểm điểm một cách nghiêm túc để nhận ra và kiên quyết sửa chữa, khắc phục. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, bất mãn, với mục tiêu chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trước hết là tập trung chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng đã lợi dụng và thổi phồng những hạn chế đó, rồi xuyên tạc, quy chụp nguyên nhân là do chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, cứ trong các dịp Đảng ta tiến hành đại hội thì sự chống phá của các thế lực thù địch càng ráo riết hơn, quyết liệt hơn. Lần này cũng vậy, mục đích của chúng là không thay đổi, song thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt.
Viện dẫn sự đổ vỡ mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, họ rêu rao rằng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin là lỗi thời, tội lỗi, đã và đang đi vào diệt vong; chủ nghĩa đó chỉ phù hợp nhất thời đối với nước Nga vào thế kỷ XX, không phù hợp với Việt Nam. Học thuyết của C. Mác chỉ là giả thuyết không tưởng. Sứ mệnh của giai cấp công nhân “đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn vạn lần xã hội cũ” là viển vông. Theo họ, giai cấp công nhân, trong đó có cả lãnh tụ của giai cấp đó là những người có học vấn thấp, giỏi lắm chỉ có thể lật đổ được chế độ xã hội cũ, chứ không thể lãnh đạo cải tạo và xây dựng thành công một xã hội tốt đẹp hơn, nhất là trong thời đại khoa học - công nghệ phát triển. Họ rêu rao vậy, nhưng trên thực tế thì sao? Ai cũng biết, chủ nghĩa đế quốc với bản chất xâm lược, hiếu chiến là căn nguyên của mọi cuộc chiến tranh trên thế giới, là nguồn gốc gây ra nỗi thống khổ đau thương của nhân loại và hiện vẫn đang diễn ra ở nhiều quốc gia, nhất là Bắc Phi, Trung Đông. Thế nhưng họ trốn tránh điều đó; hơn thế, còn ngụy biện hết sức lố bịch, rằng: chính nguyên lý về đấu tranh giai cấp và nguyên tắc “tập trung, dân chủ” của chủ nghĩa Mác – Lê-nin là sự cổ vũ cho bạo lực và độc tài.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội còn ra sức xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ cho rằng: Hồ Chí Minh là người theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm phương tiện để thực hiện tư tưởng của mình nên đã tạo ra những sai lầm lịch sử. Chúng còn tìm mọi cách để bôi nhọ, xuyên tạc nhân cách đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bất chấp việc Người là hiện thân của nhân văn, biểu tượng về nhân cách, luôn ở trong con tim, khối óc của nhân dân Việt Nam và thế giới vì những đóng góp xứng đáng của Người vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Dù các thế lực thù địch có nói gì đi chăng nữa, thực tiễn luôn là thước đo chuẩn xác nhất để kiểm chứng sự đúng - sai học thuyết, đường lối lãnh đạo của các chính đảng. Những thành tựu rất đáng tự hào, khởi đầu từ Cách mạng Tháng Tám trong 74 năm qua, nhất là hơn 30 năm đổi mới của cách mạng Việt Nam là minh chứng hùng hồn, không ai có thể xuyên tạc, bác bỏ được vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và nền tảng tư tưởng của Đảng.
Cũng không phải ngẫu nhiên, Hồ Chí Minh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Sự hưởng ứng tích cực, tự giác việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo các chỉ thị của Bộ Chính trị khóa X, khóa XI của đảng viên, cán bộ và đông đảo đồng bào cả nước, Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới là minh chứng cho sự lan tỏa và sức sống sâu rộng của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội hiện nay.
Việc phủ nhận vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng cũng là điều được các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, bất mãn ráo riết, điên cuồng thực hiện trong suốt những năm qua. Những đòi hỏi phi lý về đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; thực hiện “tam quyền phân lập”, dân chủ, nhân quyền theo kiểu phương Tây; thiết lập nền kinh tế tư nhân hóa tuyệt đối; “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang..., là thủ đoạn nham hiểm không phải ai cũng có thể nhận biết được ngay. Sự chống phá đó ngày càng có sự phát triển, biến đổi về thủ đoạn; từ lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, sự bùng nổ về công nghệ thông tin, truyền thông, tăng cường hợp tác, mở cửa của Đảng, Nhà nước ta, đến lợi dụng ngay những khuyết điểm, sai lầm trong tổ chức quản lý kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng, v.v. Đáng chú ý là, bên cạnh các thế lực thù địch, các phần tử chống cộng cực đoan, gần đây còn có sự phụ họa của một số phần tử cơ hội chính trị, bất mãn và cả một số ít cán bộ, đảng viên bị chúng lợi dụng. Dù có cố tình che đậy như thế nào chăng nữa, nhưng mục đích, mưu đồ của chúng không hề thay đổi là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ cho rằng: “Công cuộc đổi mới gần 30 năm vẫn giữ nguyên chế độ độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc”, vì vậy, cần thay đổi Cương lĩnh của Đảng, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị toàn trị sang dân chủ.
Những ý kiến như vậy đã được làm rõ từ lâu và đã bị thực tế lịch sử hoàn toàn bác bỏ. Dân chủ và sự phát triển, ổn định của một quốc gia không phụ thuộc vào đa đảng hay độc đảng mà phụ thuộc chủ yếu vào bản chất của đảng cầm quyền khi đảng đó đại diện và phục vụ cho ai là chủ yếu. Ở nước Mỹ có hơn 100 chính đảng khác nhau nhưng chỉ có hai đảng ganh đua cầm quyền là Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, song thực chất dù hai nhưng chỉ là một. Vì hai đảng đó đều có cùng mục đích phục vụ chủ yếu cho lợi ích của giai cấp tư sản, giới nhà giàu; trong khi họ chỉ chiếm 01% dân số nhưng thâu tóm tới 35% tài sản và 21% thu nhập của đất nước. Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa đa nguyên, đa đảng với dân chủ cũng đưa ra kết luận tương tự như vậy. Một công trình nghiên cứu thuộc Đại học quốc gia Xê-un (Hàn Quốc) về thể chế chính trị của một số quốc gia thực hiện chế độ đa nguyên cho thấy, không phải bao giờ đa nguyên, đa đảng cũng đi liền với dân chủ; trong nhiều trường hợp nó còn làm nảy sinh sự bất ổn về chính trị, xã hội và tình trạng độc tài. Trong khi đó, ở Việt Nam, do một đảng độc tôn lãnh đạo nhưng đã tạo ra sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội và giữ vững được sự ổn định chính trị, điều mà trong hoàn cảnh lịch sử, xã hội tương tự khó có quốc gia nào theo thể chế đa nguyên có thể làm được. Nghiên cứu này cũng chỉ ra: “Chọn con đường đa nguyên cho Việt Nam là một việc làm phiêu lưu, bởi nó tiềm tàng một nguy cơ làm cho Việt Nam mất ổn định về chính trị - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển kinh tế và cải cách dân sinh”. Gần đây, việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người đứng đầu hệ thống chính trị của Việt Nam, được chính phủ nhiều nước, như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Thái Lan, nhất là Hoa Kỳ…, mời tới thăm và được đón tiếp theo nghi thức nguyên thủ quốc gia đã cho thấy vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng được thừa nhận và tôn trọng trong quan hệ quốc tế. Điều đó còn cho thấy, dưới nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã dẫn dắt nhân dân ta, dân tộc ta vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác; tình cảm, niềm tin của nhân dân Việt Nam đối với Đảng ngày càng cao; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Đồng thời cho thấy, mọi sự phê phán chế độ chính trị ở Việt Nam là “độc đảng, toàn trị” chỉ là sự định kiến, áp đặt khiên cưỡng với dụng ý xấu.
Viện dẫn những điều cơ bản trên, để thấy rằng, thực tế cách mạng Việt Nam khẳng định, nền tảng tư tưởng của Đảng vẫn còn nguyên giá trị, là “kim chỉ nam” dẫn dắt nhân dân ta tiến tới “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, thực hiện đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên cơ sở lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại.

1 nhận xét:

  1. Trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ, Đảng viên phải có nhiệm vụ đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

    Trả lờiXóa